Theo VOA-24/05/2017
Lê Việt Hà
Đến hẹn lại lên, phụ huynh Việt Nam mấy ngày nay vào mùa họp phụ huynh cuối niên học.
Vào lớp, cô giáo bắt đầu bi bô về tình hình học tập của lớp: Nào là “em rất khổ vì nhiều học sinh lớp ta vẫn chưa học giỏi đều các môn. Ngoài Toán, Tiếng Việt , Khoa Học, Lịch Sử , Địa Lý, nhiều em còn bị giáo viên Nhạc, giáo viên Vẽ than phiền….”
Rồi cô tiếp: “Em dạy Toán, Tiếng Việt, Khoa Học nhưng cuối giờ phải tranh thủ 30 phút làm thay luôn cả giáo viên Nhạc, giáo viên Vẽ gò cho từng đứa biết đọc nhạc, biết vẽ đúng… để lớp ta đạt tỉ lệ cao học sinh giỏi đấy các bác các anh chị ạ. (vì chỉ cần một môn không Tốt là không được chấm học sinh giỏi, không được giấy khen!), nếu không giáo viên bị phê bình, hạ thi đua, trường cũng mất danh hiệu, huân huy chương …”
Thế rồi cô tâm sự: “Họp giáo viên, trao đổi với hiệu trưởng… quyết định “thêm thêm, chút chút, nâng nâng” để … hài hòa (!) rồi 90%… đều giỏi cả!”(nhân tiện cũng nói thêm là các trường tiểu học Việt Nam hiện nay khá hiếm điểm 7 điểm 8, điểm 5 điểm 6 càng … cực hiếm! Trong khi đó điểm 9, điểm 10 trong cơn cuồng lạm phát!)
Phụ huynh lào xào, nhiều phụ huynh ngước mắt ngưỡng mộ cô giáo. Vài bác thì mãn nguyện ra mặt vì con em mình được cô khen ngoan và học “giỏi.” Chỉ thiểu số vài anh, vài chị ngại ngùng giấu ánh mắt xấu hổ do con mình bị cô nêu tên chưa thuộc bài, chưa học giỏi… Nhưng rồi cô bất ngờ tuyên bố: “Các em đó cũng được trường khen thưởng đột xuất!”
Lần đầu tiên phụ huynh nghe khái niệm là lạ này, cô giáo giải thích: “Đó là các trường hợp thi 7, 8 điểm tức chỉ “khá” thôi nhưng được vớt thành … học sinh “giỏi”!
Tóm lại các cô vui!
Học trò vui!
Phụ huynh vui!….
Cả nước đều vui (!)
Tôi chỉ ngồi yên lặng suy tư: Khó trách các giáo viên được vì xét cho cùng họ đã bị nền giáo dục thích phô trương biến thành các “Thiên Lôi.” Tự dưng thấy tội cho vài thế hệ chúng ta đang sống trên cái xứ sở này: Từ giáo viên, phụ huynh, đến học sinh… tất cả là nạn nhân của guồng máy giáo dục và xã hội quái gở phản khoa học, không giống ai, chạy theo thành tích ảo với những tấm giấy chứng nhận “giỏi” vô hồn mà ko có thực chất, ép học sinh phải “chín đều” như trái cây tẩm thuốc! Và sau đó tất cả tung hô “tự sướng” thành tích giáo dục nội bộ mà không cần đánh giá của thế giới!
Chợt nhớ đứa con người bạn: Học sinh xuất sắc, cặp mắt lờ đờ sau cặp mắt kính dày cộp, thân hình béo phì ít vận động và học lớp 5 vẫn phải nhờ cha mẹ buộc giày, chưa biết bơi và kỹ năng sống rất kém!
Ở nước ngoài, thậm chí học sinh chỉ cần giỏi một môn … bóng rổ đã được xem là học sinh giỏi.
“Magic” Johnson kiếm cả trăm triệu đô la mà có cần giỏi toán, lý, hóa, văn, sử, địa … đâu?
Anh ta cũng làm nền công nghiệp thể thao giải trí Mỹ phát triển, tạo bao việc làm cho dân chúng.
Nền giáo dục họ hiểu rõ: Bản thân mỗi cá nhân sinh ra có những tố chất nhất định, quyết định bởi bộ gen dòng họ, gia đình… không ai giỏi toàn năng và không thể là thiên tài bách khoa.
Có người ưu thế cái này có người tuyệt vời cái khác, mỗi người có một chuyên môn năng khiếu riêng góp sức cho xã hội.
Còn trong cuộc sống khi cần những vấn đề chuyên môn, họ có thể đọc sách hoặc hỏi ý kiến từ những chuyên gia. Không nên bắt ép trẻ quá sớm nhồi nhét đủ thứ kiến thức hổ lốn vào đầu!
Tại sao nền giáo dục Việt Nam ko thừa nhận điều tự nhiên này mà cứ bắt tất cả bọn trẻ phải gồng lên chụp bằng mọi giá những điểm số 9, 10 cực kỳ hình thức kia. Nó làm thầy cô phải giả dối chấm bài và nắn thành tích, còn phụ huynh thì phải tự giả dối sự bằng lòng.
Với một số trẻ ko đạt được thì hậu quả sẽ là sự tự ti và có thể vô tình phá hỏng cuộc đời tương lai chúng, vì sẽ bị ám ảnh và tin rằng chúng bị … “thiểu năng”!
Lật các sách giáo khoa tiểu học ra mà phát hãi: họ muốn biến trẻ em thành kỹ sư điện đến … kỹ sư nông nghiệp thông thái! Từ nhà lịch sử, nhà địa lý đến họa sĩ, nhạc sĩ thiên tài!
Nhiều kiến thức chuyên sâu đến nỗi người lớn cũng bất ngờ (có bài trong sách giáo khoa nhà trường lẫn phòng giáo dục đành phải cho bỏ!)
Việt Nam vẫn theo lối mòn của tư duy phong kiến đèn sách của thế kỷ xưa.
Cực kỳ phản khoa học khi họ cố ép con em thành nhưng robot đa chữ nghĩa công nghiệp. Học sinh học chay những thứ cao siêu rất thiếu thực tế và rơi vào thực trạng “học cái gì cũng biết mà biết … chả ra cái gì!”
Để kết luận, chúng ta chiêm nghiệm lại câu nói nổi tiếng của thiên tài khoa học Einstein nói về giáo dục và một bức tranh minh họa.
Trong hình biếm, một thầy giáo nói: Để đảm bảo tính công bằng, mời mọi người làm cùng một bài thi: "Tất cả hãy trèo lên cái cây kia."
Và câu nói của Albert Einstein: “Mỗi người sinh ra đều là thiên tài. Nhưng nếu bạn bắt một con cá thể hiện khả năng qua việc trèo cây, thì cả đời nó sẽ sống và tin rằng nó chỉ là một đứa ngốc.”
Trong hình biếm, một thầy giáo nói: Để đảm bảo tính công bằng, mời mọi người làm cùng một bài thi: "Tất cả hãy trèo lên cái cây kia."
Và câu nói của Albert Einstein: “Mỗi người sinh ra đều là thiên tài. Nhưng nếu bạn bắt một con cá thể hiện khả năng qua việc trèo cây, thì cả đời nó sẽ sống và tin rằng nó chỉ là một đứa ngốc.”
No comments:
Post a Comment