Mẫn Nhi -23-05-2017
(VNTB) - Nhưng đến bao giờ? Khi ông Tổng Bí thư đang say men chiến thắng “kỷ luật” đồng chí Thăng, và ông Thủ tướng thì cởi mở ngôn ngữ với “bình minh đang đến với đất nước ta”?
Trong tuần này, vấn đề chi sai – vượt dự toán và nợ công sẽ nóng hơn và mang tính thời sự hơn. Lý do, trong một báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước năm 2015, chi sai ngân sách vượt 88.525 tỷ đồng.
Góp phần làm nên con số 88 ngàn nêu trên là các “bộ ngành, địa phương” chi đầu tư và chi thường xuyên… sai!
Báo Tuổi Trẻ dẫn ra, dự án xây dựng Trụ sở mới Bộ Ngoại giao vượt tổng giá trị dự toán tới 1.940 tỷ đồng (5.952,6 tỉ đồng/4.022,6 tỉ đồng); Tỉnh Quảng Ninh với dự án hạ tầng kỹ thuật khu quảng trường gắn với tượng đài, nhà bảo tàng; UBND tỉnh Đắk Lắk cho phép 7 huyện mua mới 8 xe chuyên dùng có tổng giá trị 9 tỉ đồng,…
Như vậy, nhìn qua có thể nhận ra, ngân sách đang được bộ máy chính quyền sử dụng để tạo phúc lợi cho… công quyền. Các yếu tố đầu tư cơ sở hạ tầng không nằm ở đầu tư tái quan hệ sản xuất hay phát triển, mà chủ yếu nhắm vào các công trình xây dựng nhà công quyền, tượng đài, bảo tàng và oto.
Hệ quả là giờ đây, nợ công của quốc gia vào cuối năm 2015 lên mức 61,8% GDP (2,5 triệu tỷ đồng), tức là đã “chạm trần”, chứ không còn là sự hoài nghi hay tinh thần “trong giới hạn” như trước đó, theo thong tin ông Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đưa ra vào chiều 22/5.
Con số 2,5 triệu tỷ vẫn sẽ chưa là giới hạn cuối cùng, căn cứ trên khả năng tham quan của các quan tham Việt Nam. Bởi lẽ, trong khi khu nhạc nước trị giá 200 tỷ nhằm chào mừng lễ của Tp. Hải Phòng đang được đùn đẩy sang Dân để xử lý thì tại Bình Phước, con đường ĐT 741 (tuyến giao thông huyết mạch kết nối tỉnh Bình Phước với các tỉnh Tây Nguyên và Tp. Hồ Chí Minh) đã bị hư hỏng nặng sau 5 tháng đưa vào sử dụng. Điều đó có nghĩa, con đường dài 20 km, được đầu tư gần 400 tỷ đồng nhằm “chào mừng 20 năm tái lập tỉnh” đã không còn được sử dụng.
Làm chậm nhất, hỏng nhanh nhất, ăn nhiều nhất,… là miêu tả chính xác những gì thuộc về đầu tư nhà nước. Mọi dự án từ kinh tế cho đến văn hóa – xã hội đều bị… ăn. Ăn no say cho đến khi bị kỷ luật vẫn ăn được đã góp phần không nhỏ cho nợ công với con số nêu trên.
Ai sẽ phải đối diện với con số này ngoài… Nhân Dân? Từ trẻ sơ sinh cho đến người già sẽ được hưởng nợ do chi sai mục đích hoặc không hiệu quả này. Cũng giống như cách TP. Hải Phòng dưới thời nguyên Bí thư Thành uỷ Dương Anh Điền đã “ăn” qua dự án nhạc nước 200 tỷ, nhưng Ủy ban Kiểm tra Trung ương chỉ ra mức cảnh cáo, và giờ đây, nhằm bù đắp khoản tiền ngân sách chi sai trên 90 tỉ đồng, chính quyền TP Hải Phòng đã gửi văn bản tới các sở, ngành và quận, huyện kêu gọi doanh nghiệp, người dân “tài trợ”. Điều này hàm nghĩa, 90 tỷ đồng chui vào túi ông nguyên Bí thư và đồng bọn, và bây giờ buộc người dân phải gánh!
Con số 2,5 triệu tỷ trên cũng sẽ xử lý theo đúng phương trình đó. Một trong những cách thức sẽ được sử dụng là tang viện phí, tang học phí, tăng phí đi đường, tăng giá điện – nước,… theo nguyên tắc “giảm 1, tăng 2”.
Nợ công 2,5 triệu tỷ (ứng mức 110 tỷ USD). Với con số này, có thể làm cho mỗi tỉnh thành một tuyến Metro đội vốn khủng như ở Hà Nội và Sài Gòn (trị giá đội vốn ở 2 nơi lên mức 4,4 tỷ USD).
Nhưng đáng tiếc, con số đó lại không dùng để xây dựng hạ tầng để phát triển, con số đó dùng để cho các công bộc của dân bòn rút, xây dựng “gia đình ấm êm” bên nước ngoài, đi chữa bệnh Singapore, hay cho con đi du học tại Anh – Úc – Mỹ.
Ngân sách sẽ mãi mãi dành cho phúc lợi… công quyền thay vì cho nhân dân, cho đến khi những kẻ gây ra trách nhiệm thức thoát bị truy cứu trách nhiệm hình sự; sung công quỹ tài sản thay vì tìm cách “xã hội hóa” nợ như hiện nay.
Nhưng đến bao giờ? Khi ông TBT đang say men chiến thắng “kỷ luật” đồng chí Thăng, và ông Thủ tướng thì cởi mở ngôn ngữ với “bình minh đang đến với đất nước ta”?
No comments:
Post a Comment