Hồ Chí Phèo (Danlambao) - Đời người của mỗi người là những câu chuyện khác nhau. Cuộc đời của người Chân Đăng đã trải qua chế độ thực dân hà khắc trong các hầm mỏ, rồi tương đối tự do hơn sau thế chiến thứ hai, nhưng qua tuyên truyền dối trá, lại quay trở về VN, đi vùng kinh tế mới nơi rừng sâu, xa xôi, hẻo lánh. Một vài người đề nghị chính phủ CS nên bắt chước chính quyền Pháp nên dựng tượng ghi nhận người Chân Đăng, người Việt ở Thái Lan... trở về xây dựng nên Tuyên Quang ngày nay. Việc này khó thành, chính phủ bận kế hoạch dựng tượng “Bác”, chứ dựng tượng vớ vẩn khác làm gì ? Đa số người Chân Đăng đã yên nghĩ ở Việt Nam, không hưởng được, không nhìn lại được cuộc sống sung túc, thịnh vượng của thành phố Noumea ngày nay, dù vẫn còn đó, mãi mãi vẫn còn đó, bức tượng ghi nhận công đóng góp của họ cho Noumea.
*
Đi cruise một thú du lịch ngày càng phổ biến trong người Việt. Trong dịp qua Úc, Phản Động và M L quyết định đi cruise Tân Đảo và Tân Thế giới, hai đảo ở Thái Bình Dương. M L có kinh nghiệm khi mua vé:
- Nếu mua vé lúc nó hạ giá (sale) và tùy thời điểm, trung bình chỉ khoảng trên 65 đô cho một ngày, bao gồm cả ở ăn thả giàn trên tàu, thì đi cruise rất rẻ. Tao với mày chọn đi thời điểm này, khoảng 80 đô /ngày cho phòng đôi loại rẻ nhất. Nếu đi máy bay, ở khách sạn, tiền ăn uống... sẽ tốn kém gấp đôi.
Đôi bạn làm mọi thủ tục xuất cảnh để lên tàu tại cảng Sydney sau buổi trưa. Sáu giờ chiều, chiếc tàu khổng lồ, êm đềm lướt nhẹ trên biển rời bến. Nhà hát Opera Con Sò, cầu Harbour từ từ lùi về sau…
Con tàu cruise:
Một chiếc tàu khổng lồ, gồm 15 tầng lầu, 3 tầng cho máy móc, thiết bị, phòng ở nhân viên; 12 tầng cho khách, nhà hàng, nhà hát, casino, bể bơi, tập thể dục... Trang trí cuả nhà hàng, rạp hát, casino, cầu thang... giống như trong cung đình cuả vua chúa Pháp.
Khoảng 900 nhân viên phục vụ cho khoảng 2500 khách. Nhân viên có trên 100 quốc tịch khác nhau, đa số từ Indonesia, sau đó từ Phillipine, Âu châu... Cruise ở Mỹ cũng có nhiều nhân viên từ Indo, Phi. Không có nhân viên có quốc tịch VN. Nhân viên trên tàu nói tiếng Anh lưu loát. Tiền lương nhân viên quét dọn khoảng 500 đô/tháng. Nhân viên dọn phòng, phục vụ tại nhà hàng (tiếp xúc trực tiếp với khách hàng) 1500 đến 2000 đô/tháng cộng thêm tiền “tip”. Các nhân viên phục vụ trên tàu mỗi năm khoảng 9 tháng, họ để dành số tiền khá lớn gửi về giúp cho gia đình tại quê nhà.
Theo thống kê năm 2016, người Phi ở nước ngoài gửi tiền về giúp đỡ gia đình ở quê hương họ gần 30 tỉ đô la Mỹ, VN nhận khoảng trên 13 tỉ. Chính phủ Phi đầu tư cho người dân học ngoại ngữ, học nghề chuyên môn cần thiết ở các nước giàu có hơn, nổi nhất là y tá trong bệnh viện, đến nhân viên các dịch vụ…Tương tự, sự đầu tư chính phủ Indonesia đã đơm hoa ra trái, lượng tiền người Indo đi làm nước ngoài, không phải kiều hối gửi về nước trên 9 tỉ đô. Trong khi ở Việt Nam khốn khổ, chính phủ đầu tư rất nhiều vào nghề công an, đào tạo đến tiến sĩ công an, dư luận viên, nghề tuyên giáo chuyên nói láo để có quyền, có tiền... Các nghề này đạt đến đỉnh cao trí tuệ, thế giới không nước nào sánh bằng, nhưng khổ thay không nước nào thèm muốn mướn cả. Chính quyền CSVN năm nay than thở lượng kiều hối giảm. Họ chỉ há mồm chờ sung rụng, chờ đồng tiền gửi về từ Việt kiều, những người đã phải đóng tiền, hay đã bị rượt đuổi, bắt bớ, thậm chí bắn giết khi họ vượt biên để tìm tự do.
Kinh tế trên thế giới hiện nay càng ngày càng đòi hỏi sự cạnh tranh khốc liệt nên giới lãnh đạo phải có cái đầu làm kinh tế một cách nhạy bén. Than ôi ! nhìn ông TBT nhà ta loay hoay "tự diễn biến, tự chuyển hóa" trong đảng. Nhìn xuống cấp thấp hơn, một bộ phận mê mãi nghe nhạc vàng, nghe đã bao nhiêu năm, nay bổng nhảy đổng lên như khám phá ra chân lý: "Con đường xưa em đi là đi sai hướng cuả đảng", và vừa gãi đầu vừa ra lệnh cấm, hôm nay cấm 5 bản, mai sẽ cấm 6 bản... Những cái đầu như thế lại muốn học theo Lý quang Diệu là học thế nào?
Ăn uống trên tàu theo đúng tiêu chuẩn thiên đường cộng sản “ăn theo nhu cầu”. Muốn ăn bao nhiêu cũng được, nhà hàng, buffet... đủ nơi, đủ kiểu ăn. Ăn một đĩa thấy ngon miệng, kêu thêm một đĩa khác, nhân viên phục vụ tươi cười, vui vẻ “Dạ, thưa ngài, xin mang ra ngay... ”. Chỉ có điều phiền, ăn ngon, ăn nhiều, sẽ dễ bội thực... Một bà khách kể lại cho P Đ và M L về một chuyến đi cruise trước của bà: "Chuyến đi đó có đến năm người đứt gân máu. Trời ơi! Lên tàu nó đâu có làm gì, ngồi ăn hoài. Đứa nào cũng mập bự như thùng tô nô...”. Đi cruise phải cẩn thận, trên tàu chỉ có phòng y tế nhỏ, không đủ phương tiện cho các ca nguy kịch. Do đó khi ai nói ta "hưởng thoải mái theo nhu cầu", ta nên xem chừng.
Vanuatu, Tân Đảo và cánh tay của con bạch tuột.
Tàu chạy khoảng hai ngày, ba đêm thì đến các đảo thuộc đảo quốc Vanuatu. Vanuatu gồm khoảng 80 đảo nhỏ. Dân số khoảng 250 ngàn, đa số sắc dân Melanesian, có nước da nâu đen. Tàu thường ghé Port Villa (thủ đô Tân Đảo ) và đảo Bí Mật (Mystery Island ).
Port Villa:
P Đ và M L mua vé cho chuyến thăm vòng quanh đảo. Hướng dẫn viên là một phụ nữ thổ dân Melanesian, bà nói tiếng Anh lưu loát. Vanuatu là cựu thuộc địa chung của Pháp và Anh. Năm 1980 Vanuatu được độc lập. Vanuatu không có nhiều tài nguyên, phụ thuộc chủ yếu vào du lịch và tiền viện trợ chính từ Úc, Tân Tây Lan. Gần đây Tàu Lục Địa bắt đầu viện trợ cho đảo quốc nhỏ bé này bằng cách cho xây cất trên đảo nhiều cơ sở, khách sạn. Pháp và Anh chỉ còn giúp đỡ Vanuatu qua ngành giáo dục. Người Vanuatu có thể chọn học trường tiếng Anh hay trường tiếng Pháp vì thế đa số người Vanuatu thường thông thạo cả hai ngôn ngữ Anh và Pháp. Nước Anh không còn chú trọng đến Thái bình dương, nên tiền viện trợ của Anh dành cho Vanuatu bị cắt giảm rất nhiều. Bà HDV nói: "Vanuatu cám ơn sự giúp đỡ hào phóng của Úc, TTL. Có trên 20 ngàn người Vanuatu được Úc nhận vào làm việc. Người Úc thường mua nhà ở Vanuatu để hưởng nhàn vì ở đây tỉ lệ tội phạm, tỉ lệ người bệnh ung thư thấp nhất trên thế giới. Trong khi đó người Tàu dùng viện trợ như một sự trao đổi, có đi phải có lại. Người Tàu định cư ở Vanuatu chủ yếu để mở cửa hàng buôn bán, từ từ họ đang biến người thổ dân thật thà thành những người làm công, làm thuê cho ông chủ Tàu."
Đảo Bí Mật:
Một đảo nhỏ, hoang sơ, không có người ở. Thổ dân ban ngày đến đảo, tiếp khách du lịch, ban đêm rời đảo vì họ tin trên đảo có ma. Khi xưa giữa các bộ lạc hay xẩy ra chiến tranh, và họ thường bỏ kẻ chiến bại vào các nồi nấu lớn làm món súp để ăn. Ngày nay việc nấu súp thịt người chỉ là trò diễn kịch vui để thổ dân chọc cười du khách.
M L cười kể chuyện trong chỗ làm việc:
- "Mày biết không? Trong chổ làm tao có một thằng từ Tàu Lục Địa. Nó nói người Tàu qua Vanuatu làm ăn đông lắm, bao nhiêu đời nay. Lên trên đảo này tao thấy, hệ thống tuyên truyền CS y như nhau, đảng nói gì, họ lập lại y như cái máy. Họ không biết, người Tàu nếu có qua đây thời xa xưa, đã bị thổ dân bỏ vào nồi nấu món súp “Chinese”, còn đâu mà “làm ăn ba đời”. Mục đích rêu rao của bọn thích bành trướng, y như chúng đã làm với Hoàng sa, Trường sa…, để sửa soạn một ngày nào đó chúng tuyên bố: "Vanuatu có người Tàu ở lâu đời (hay không chừng người Vanuatu ăn xúp "Chinese" cũng biến hóa ra người Tàu!), nên đảo cũng là lãnh thổ của nước Tàu!". Chúng đang vươn tay dài bạch tuột đến một quốc gia xa xôi, với mong ước một ngày sẽ thống trị quân sự, kinh tế, chính trị trong một nước Tàu duy nhất ở Thái Bình Dương". Bước đầu trong tương lai gần, du lịch cruise sẽ phát triển mạnh ở Tàu, đáp ứng cho cả tỉ người lúc nhúc trong lục địa đang bị ô nhiễm. Hoàng sa, Trường sa... rồi Tân đảo... sẽ có bao nhiêu người Tàu chen nhau trên các bãi biển để hưởng không khí trong lành mà tại lục địa họ đã phải mua các bình xịt "không khí trong lành" từ Canada, Úc… mới hưởng được.
Tân Thế Giới – New Caledonia
Qua một đêm ngủ trên tàu, buổi sáng mở mắt ra đã thấy tàu đến Tân Thế Giới -New Caledonia. Tân Thế Giới, một lãnh thổ thuộc Pháp, dân Pháp trên đảo đa số là người thổ dân gốc Melanesian, tiếng Pháp là ngôn ngữ chính. New Caledonia giàu tài nguyên, nguồn lợi chính do xuất khẩu quặng nickel, chrome... Tân Thế giới đã trở nên giàu có, thu nhập bình quân trên đầu người trên 35 ngàn đô la/năm. Tàu cruise thường ghé đến Noumea, thủ đô, nằm trên đảo chính lớn nhất, dân số khoảng 183 ngàn người; và Lifou thành phố lớn thứ ba nhưng dân số chỉ có khoảng 17 ngàn người.
Noumea
P Đ và M L mua vé đi thăm quan thành phố. Cả đoàn du lich lên xe lửa chạy bằng bánh xe qua các nơi trong thành phố. Thành phố sạch và đẹp, người HDV tự hào "Noumea là Paris ở Thái Bình Dương. Đây là cảng để xuất khẩu quặng nickel, bến tàu cho tàu lớn, bến tàu cho tàu đánh cá nhỏ dùng câu cá giải trí. Trung bình, 10 người dân có 3 hay 4 người có tàu đánh cá, cuối tuần họ lái tàu ra các đảo nhỏ, đánh cá tiêu khiển... Đây là nhà thờ Đức Bà, kiến trúc như ở Paris nhưng gạch có màu trắng. Đây khu chợ chính bán thực phẩm tươi, hôm nay thứ hai, không mở cửa... ".
Ngồi xe đi quanh thành phố không hay bằng đi bộ. Thành phố nhỏ, đường cho người đi bộ ngăn nắp, sạch sẽ, chỉ khoảng vài tiếng có thể đi xem hết các nơi. Cần ăn uống, mua sắm nên mang theo đồng quan Pháp, nhưng giá cả sinh hoạt ở Noumea rất đắt. Một điã cơm khoảng 25 đô.
Người Việt đến Noumea bắt đầu từ khoảng năm 1860, họ được người Pháp thuê mướn làm trong các mỏ Nickel, chrome. Những người Việt đầu tiên trên đất Noumea được gọi là người “Chân Đăng”, họ làm việc rất khổ cực trong các mỏ. Tuy nhiên với tinh thần cần cù chịu khó, vừa làm việc ở mỏ vừa làm ăn kiếm thêm như mở quán ăn, dịch vụ sữa chữa mọi thứ trong nhà... dần dà người Chân Đăng đã có cuộc sống tương đối khá giả. Khoảng năm 1960-1964, theo lời kêu gọi đảng CSVN, người Việt đòi hỏi được trở về Việt Nam. Chính quyền Pháp phải bắt buộc đưa hàng ngàn người Việt trở về miền Bắc qua các chuyến tàu…, Chỉ còn khoảng 20 phần trăm người Việt chọn ở lại.
Người Việt Chân Đăng và bài học không bao giờ quên về sự dối trá:
P Đ và M L đi bộ đến khu phố Quartier Asiatique. Người Chân Đăng không còn mấy ai tại Noumea, nhưng ngay tại cổng khu phố có bức tượng gia đình người “Chân đăng”. Họ còn rất trẻ. Người phụ nữ mặc váy, khăn mỏ quạ, tay khoác dây đeo chiếc nón lá, một tay nắm vai chồng. Người chồng đội nón, trang phục thợ mỏ, một tay nắm vai đứa con trai nhỏ, tay nắm lấy tay cầm hộp đựng cơm do con đưa. Bên đưới bức tượng là giòng chữ cuả chính phủ Pháp ghi nhận công lao của người Chân đăng đã đóng góp cho sự thịnh vượng của Noumea.
Dọc theo phố Quartier Asiatique, và những con phố gần đó, có nhiều cửa hàng bán quần áo, thực phẩm do người Việt làm chủ. Khi gặp người cùng quê hương, người Việt Noumea đã làm P Đ và M L bàng hoàng, cảm động về những câu chuyện thật về cuộc đời:
Một phụ nữ khoảng trên 55 tuổi:
“Tôi sinh ra ở đây, Noumea. Đang nghe Quang Lê hát từ Iphone đây này. Mình ngồi cứ nói chuyện thoải mái, không sao cả. Tiếp khách hàng có con bé thổ dân, mình mướn nó trông phụ, mỗi tháng trả cho nó hai nghìn đô đấy! Khách mua hàng chủ yếu là thổ dân, không phải khách du lịch. Thổ dân ở đây họ chỉ làm việc kiếm đủ sống thế thôi, chứ không chịu khó như người Việt mình. Dọc theo đây toàn là cửa hàng người Việt.”
"À chuyện người Việt hồi hương về miền Bắc khoảng năm 1960 theo lời kêu gọi cuả Bác và đảng ấy à. Ông cụ tôi lúc ấy lại không giống nhiều người khác, ông nói: "Mình đã ra đi từ nơi nghèo khó, nay lại trở về nơi nghèo khó ấy là thế nào?". Quyết định thế lại hay. Sau này biết được nhiều người về lại miền Bắc VN, họ khổ lắm. Khổ lắm!".
Một người đàn ông tuổi khoảng trên 60, rất thân thiện:
"Chuyện trở về miền Bắc những năm 60. Nghe cán bộ Bác và đảng gửi qua đây tuyên truyền hay lắm: "Nước ta độc lập rồi, mau về xây dưng đất nước phồn vinh". Kinh nghiệm sống ở đất thuộc địa, nghe “độc lập” ai không thích. Chỉ về VN mới hiểu từ “độc lập” của Bác và Đảng, nào là “Bác Hồ, Bác Mao là một”, nào là “thờ Sít ta lin bất diệt”... Lúc đó ông bà cụ lại nhớ quê hương quá. Anh em, bà con đã lâu bao nhiêu năm không gặp mặt. Ông bà đã già có gì thì chết trên quê hương nên cả hai quyết định về. Con cái bận công ăn chuyện làm nên ở lại Noumea”.
"Có hiểu hoàn cảnh miền bắc năm 60 như thế nào không mà về? Không. Chẳng ai biết gì cả, đã biết thì người ta đâu có nói đến "bức màn sắt chế độ cộng sản".
"Bà con ở miền Bắc không nói trước cho biết à? Làm gì? Chỉ nhận được vài bưu thiếp vàng ố, vài hàng chữ nghệch ngoạc, hỏi thăm sức khoẻ. Viết tô hố ra công an nó đọc được, ở yên với nó được sao?".
"Ông bà cụ về VN vài năm, chúng tôi chỉ nhận được một bưu thiếp gọi các con về miền Bắc thăm, nhớ các con quá mà nhà nước không cho đi. Năm 69 chúng tôi về thăm ông bà cụ. Bọn họ, chính quyền miền Bắc ấy, bắt chúng tôi ở trong khách sạn, không cho tự đi tìm gặp người thân, họ không tin chúng tôi! Ông bà cụ phải lên gặp chúng tôi trong khách sạn, công an canh chừng trước cửa. Bố mẹ tôi nắm chặt tay chúng tôi khóc mãi: "Khổ lắm, khổ lắm các con ạ!". Chúng tôi ứa nước mắt, cảm thấy bất lực trước hoàn cảnh, chỉ biết an ủi, trao cho ông bà vài món cần thiết. Phải! Bọn cộng sản, họ chỉ có đủ tính người cho chúng tôi cay đắng nhìn thấy sự thực phũ phàng qua "bức màn sắt"!".
"Vài năm sau đó, bố mẹ tôi qua đời. Ước vọng nhiều người Chân Đăng được chết nơi họ đã chôn nhau, cắt rốn đã thành hiện thực, nhưng khi nhắm mắt họ cảm thấy hạnh phúc như ngày nào ở Noumea hay chăng?"
Một phụ nữ đã trên 70, nhưng vẫn còn nhanh nhẹn chủ cửa hàng khá rộng rãi:
"Tôi một trong tám người con người Chân Đăng. Bố mẹ tôi quyết định kéo hết cả nhà về lại VN. Trước đó chúng tôi chả biết gì về VN cả. Bố mẹ tôi sửa soạn rất kỹ càng. Ông trong bộ áo vest mới, vợ con cũng đều mặc quần áo mới."
"Khi tàu vừa cặp bến Hải phòng, chúng tôi bàng hoàng chỉ thấy một màu xám. Người dân mặt mũi khắc khổ, đồng phục xám, cũ kỹ. Bố tôi cũng bỡ ngỡ, thành phố còn cũ hơn khi ông rời nó bao nhiêu năm trước. Dù thế, mọi người trong họ hàng gặp lại nhau trong ngày đầu, vui vẻ trò chuyện. Nhưng bây giờ mình trở về cư trú ở đâu đây? Những căn nhà cũ kỹ 36 phố phường Hà nội còn chưa đủ để được ghép hộ với bốn gia đình cán bộ chia nhau, cùng dùng chung nhà cầu, nhà tắm. Có tiền mang về cũng không mua đươc nhà. Thời bao cấp, làm gì có nhà để bán."
"Bác và Đảng chăm sóc chúng tôi, những người thoát ly chế độ tư bản bóc lột, trở về quê hương xây dựng thiên đường cộng sản. Bác và Đảng ưu ái cấp cho chúng tôi mãnh đất vùng kinh tế mới, gọi mỹ miều là đi xây dựng vùng nông thôn mới ở vùng rừng rậm, núi non như vùng Tuyên quang. Vùng cũ còn chưa có điện, huống hồ vùng mới. Chúng tôi mua dầu thắp đèn, hứng nước mưa để dùng... Bố tôi đôi lúc ngồi thẫn thờ, ông đã đi một vòng tròn, trở về như nơi thời tuổi trẻ ông vừa bước chân đến Tân Thế Giới. Nó tồi tệ hơn nhiều lắm, ông không còn chỗ tự do để vươn lên nữa, đảng nắm, điều khiển tất cả. Tài sản mang về từ từ đem bán, chiếc xe đạp mang về dùng cho cả nhà cuối cùng cũng phải bán. Chiến tranh khốc liệt, chúng tôi ăn khoai, ăn sắn hàng ngày..."
"Năm 1980, chính phủ Pháp cho phép những người sinh đẻ ở Tân Thế Giới được phép trở lại Noumea. Anh em chúng tôi lần lượt mua vé máy bay trở về Noumea. Chúng tôi bắt đầu lại từ đầu. Người Việt trở lại Noumea không nhiều như khi xưa, họ không ở tập trung như Mỹ hay Úc…"
"Tất cả người Việt ở Noumea khá giả chủ yếu mở tiệm buôn bán các hàng hóa cho người bản xứ. Rất nhiều người tại Việt Nam muốn qua Noumea để sống, nhưng chính phủ Pháp cứu xét rất gắt gao, không như những năm 80. Ngay cả lấy vợ, lấy chồng cũng khó qua đây vì chính phủ Pháp biết có nhiều hôn nhân giả mạo. Hạnh phúc ư? Vâng, hiện tại chúng tôi rất hạnh phúc và luôn luôn chúng tôi không bao giờ quên bài học đã trở về VN của người Chân Đăng những năm 60. Đừng bao giờ tin người Cộng sản".
*
Đời người của mỗi người là những câu chuyện khác nhau. Cuộc đời của người Chân Đăng đã trãi qua chế độ thực dân hà khắc trong các hầm mỏ, rồi tương đối tự do hơn sau thế chiến thứ hai, nhưng qua tuyên truyền dối trá, lại quay trở về VN, đi vùng kinh tế mới nơi rừng sâu, xa xôi, hẻo lánh. Một vài người đề nghị chính phủ CS nên bắt chước chính quyền Pháp nên dựng tượng ghi nhận người Chân Đăng, người Việt ở Thái Lan... trở về xây dựng nên Tuyên Quang ngày nay. Việc này khó thành, chính phủ bận kế hoạch dựng tượng “Bác”, chứ dựng tượng vớ vẩn khác làm gì ? Đa số người Chân Đăng đã yên nghĩ ở Việt Nam, không hưởng được, không nhìn lại được cuộc sống sung túc, thịnh vượng của thành phố Noumea ngày nay, dù vẫn còn đó, mãi mãi vẫn còn đó, bức tượng ghi nhận công đóng góp của họ cho Noumea.
9/4/2017
No comments:
Post a Comment