HÀ NỘI (NV) – Thủ tướng CSVN, ông Nguyễn Xuân Phúc, vừa công bố “Chương trình tổng thể về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2017” để “siết chặt kỷ luật tài chính-ngân sách.”
Theo chương trình vừa kể thì “thực hành tiết kiệm, chống lãng phí” phải được thực hiện ngay từ công đoạn “lập, phân bổ, giao dự toán ngân sách năm 2017.”
Trừ lương và các khoản có tính chất như lương, hệ thống công quyền Việt Nam được yêu cầu phải hạn chế tối đa các khoản chi thường xuyên (chi để duy trì hoạt động của bộ máy công quyền). Ví dụ hạn chế họp, giảm tần suất tổ chức lễ hội, ngày hội,… sử dụng ngân sách, nhất là những lễ hội có quy mô lớn. Tiết kiệm tối thiểu 12% các khoản chi cho hội nghị, hội thảo, tọa đàm, tiếp khách, khánh tiết, tổ chức lễ hội, lễ kỷ niệm, sử dụng xe, xăng, điện, nước, văn phòng phẩm, sách, báo, tạp chí. Hạn chế các chuyến đi nghiên cứu, khảo sát nước ngoài…
Cũng theo chương trình vừa kể thì từ nay, chính quyền Việt Nam sẽ dẹp bỏ các lễ động thổ, lễ khởi công, lễ khánh thành các công trình xây dựng cơ bản, trừ các công trình quan trọng đối với quốc gia hoặc có ý nghĩa quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hóa-xã hội của địa phương.
Hệ thống công quyền Việt Nam cũng được yêu cầu phải giảm khoảng 2% biên chế trong năm nay. Những cơ quan có nguồn thu riêng thì phải chuyển 10% viên chức sang dạng được nuôi bằng nguồn tự thu…
Tốc độ suy thoái của kinh tế Việt Nam dường như đang tăng. Tỉ lệ tăng trưởng GDP giảm dần. Năm ngoái, tỉ lệ tăng trưởng GDP chỉ đạt 6.2% so với năm 2015, thấp hơn mục tiêu mà Quốc Hội Việt Nam đặt ra (6.7%). Quý 1 năm nay, tỉ lệ tăng trưởng GDP chỉ có 5.1% so với cùng kỳ năm 2016.
Bên cạnh đó, ngân sách tiếp tục thất thu trầm trọng. Năm 2016, bội chi của Việt Nam là 192,000 tỉ đồng.
Do tiếp tục phải vay để chi tiêu, hồi cuối năm 2016, Bộ Tài Chính Việt Nam loan báo, tính đến cuối năm 2015, tổng nợ của chính phủ Việt Nam là 2.6 triệu tỉ đồng. Tuy chưa có số liệu chính thức về nợ nần của Việt Nam tính đến cuối năm 2016, công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC), từng ước đoán, tổng nợ của chính phủ Việt Nam cho đến hết năm 2016 xấp xỉ ba triệu tỉ đồng.
Năm ngoái, chính phủ Việt Nam vừa yêu cầu chính quyền một số địa phương phải đóng thêm tiền cho ngân khố quốc gia, vừa cắt giảm các nguồn trợ cấp phát triển cho chính quyền một số địa phương khác và điều đó đã khiến cuộc thảo luận về ngân sách hồi thượng tuần Tháng Mười Một năm 2016 tại Quốc Hội Việt Nam trở thành hết sức cặn thẳng.
Không có đại diện nào của 63 tỉnh, thành phố tại Việt Nam tỏ ra hài lòng về dự trù thu-chi và điều tiết-phân bổ ngân sách cho giai đoạn sắp tới, bất kể thủ tướng Việt Nam công khai kêu gọi các địa phương “đồng cam, cộng khổ.” (G.Ð)
No comments:
Post a Comment