Tuesday, April 4, 2017

Một năm thảm họa Formosa

Kính Hòa, phóng viên RFA 2017-04-03  
Cá biển chết trên bãi biển huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế vào ngày 21 tháng 4 năm 2016.
Cá biển chết trên bãi biển huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế vào ngày 21 tháng 4 năm 2016.  AFP photo
Một năm không yên tĩnh
Tháng tư 2017, tròn một năm ngày thảm họa môi trường Formosa Vũng Áng bùng nổ.
Trong một ngày cuối tháng ba, nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh đến Vũng Áng, và mô tả hiện trạng cuộc sống của người dân tại đây:
Mấy ngày nay lang thang quanh Vũng Áng, chuyện trò với ngư dân mới thấy cuộc sống của ngư dân ven biển ở đây nói riêng và cả khu vực Bắc miền Trung nói chung là vô cùng khốn khổ.
Đánh biển gần thì không có cá, ra biển xa thì bị tàu "lạ" Trung Cộng o ép, cắt lưới, đâm chìm...
Một ngư dân kể, trong vùng đánh bắt chung ở Vịnh Bắc Bộ, ngư dân Việt Nam bị áp bức khốn khổ ngay trong hải phận Việt Nam bởi lực lượng tàu cá hùng mạnh và đông đảo của TQ. Chúng ỷ tàu to hơn, đông hơn nên ngang nhiên dày xéo qua các nơi bủa lưới của ngư dân ta gây ra đứt lưới, mất ngư cụ, mỗi lần như vậy, thiệt hại lên cả trăm triệu đồng. Ngư dân ta phải nhẫn nhục cam chịu, vì nếu phản ứng lại, chúng đâm chìm tàu. Mới đây nhất, một tàu cá Quảng Ngãi bị đâm chìm...
Chưa bao giờ phận làm ngư dân Việt Nam lại đen hơn mõm chó như thế nầy.
Vì vậy không có gì khó hiểu khi những cuộc biểu tình vì môi trường, đòi quyền lợi, đòi đuổi công ty Formosa ra khỏi Việt Nam liên tục diễn ra, và vẫn có khả năng tiếp tục xảy ra, mặc cho chính phủ Việt Nam, với bộ máy truyền thông đồ sộ của mình ra sức trấn an rằng tình hình đã ổn định, rằng người dân sẽ được đền bù với số tiền nửa triệu đô la mà Fomosa bồi thường.
Đánh biển gần thì không có cá, ra biển xa thì bị tàu "lạ" Trung Cộng o ép, cắt lưới, đâm chìm...
- Nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh
Nhận xét về cách ứng xử của nhà cầm quyền blogger Nguyễn Anh Tuấn, đồng thời cũng là một người hoạt động rất mạnh trong phong trào dân sự vì môi trường, viết rằng tháng 12/2016 thì nói là biển đã sạch, tháng 3/2017 lại nói cần 1 số tiền lớn khôi phục biển, vậy có phải là chính quyền đang giấu diếm chuyện gì?
Giáo phận Công giáo Vinh, nơi rất tích cực giúp đỡ ngư dân nộp đơn kiện công ty Formosa đưa ra một Kiến nghị giải quyết thảm họa Formosa, gửi đến các cơ quan tổ chức quốc tế, trong đó có quốc hội và tổng thống Đài Loan. Kiến nghị nêu rõ:
Thảm họa Formosa đã phá hủy nguồn thủy sản, là nguồn thực phẩm chính yếu, truyền thống của người dân Việt Nam. Bên cạnh đó, thảm họa này đã cướp mất nghề nghiệp của hàng trăm ngàn lao động trong các ngành đánh bắt, nuôi trồng, chế biến thủy sản, dịch vụ hậu cần nghề cá.
Các nghề nghiệp liên quan như du lịch, khách sạn, nhà hàng… cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhiều gia đình lâm vào cảnh túng quẫn do thất nghiệp, nhiều người phải bỏ quê hương xứ sở đi mưu sinh ở những nơi xa. Nhiều trẻ em có nguy cơ rơi vào cảnh thất học do gia đình mất nguồn thu nhập.
Blogger Lê Sơn nhấn mạnh thêm rằng thảm họa Formosa-Vũng Áng không chỉ ảnh hưởng đến môi trường sinh thái biển mà còn ảnh hưởng rất lớn đến nhân khẩu học, phá tan không gian văn hóa, suy kiệt hệ thống kinh tế, an ninh quốc phòng bị đe dọa, an ninh thực phẩm và hệ lụy sức khỏe vô cùng to lớn cho thế hệ tương lai của khu vực miền Trung.
Và Lê Sơn đặt ra câu hỏi "Có phải chăng Chính phủ Việt Nam không màng đến sự đe dọa tàn phá thiên nhiên của công ty Formosa?"
Bước ngoặt Formosa-Vũng Áng
024_2501469-400.jpg
Cảnh mua bán tại cảng cá Đại Lãnh hôm 19/3/2016. AFP photo
Nhìn ở toàn cảnh hơn, một tờ báo nước ngoài đặt ra một câu hỏi khác nghiêm trọng hơn rằng Phải chăng vấn đề môi trường tại Việt Nam sẽ làm chính quyền sụp đổ?
Blogger Nguyễn Vũ Bình, người từng có thời gian làm việc cho tạp chí cộng sản của đảng cầm quyền, chưa đặt vấn đề tới mức sụp đổ của chính quyền, nhưng ông gọi thảm họa Formosa-Vũng Áng là một bước ngoặt của dòng chảy chính trị xã hội Việt Nam. Ông giải thích rằng thảm họa này là một trong những đe dọa cho chế độ hiện nay. Một trong những điều nguy hiểm hơn là Formosa-Vũng Áng lại nằm giữa một vùng Công giáo rất đoàn kết. Nguyễn Vũ Bình nhấn mạnh điều này:
Điều đặc biệt đáng ngại cho nhà cầm quyền là những người dân này phần lớn là giáo dân Công giáo, được hỗ trợ bởi các linh mục xót thương cho hoàn cảnh của người giáo dân bị bần cùng hóa, không còn kế sinh nhai. Bản thân đạo Công giáo là đạo có tổ chức chặt chẽ, đức tin lớn và sẵn sàng hi sinh cho đức tin của mình.
Điều đặc biệt đáng ngại cho nhà cầm quyền là những người dân này phần lớn là giáo dân Công giáo...
- Blogger Nguyễn Vũ Bình
Ông Nguyễn Vũ Bình làm mọi người nhớ lại sự kiện Quỳnh Lưu khởi nghĩa cách nay hơn nửa thế kỷ, khi dân chúng vùng Công giáo Quỳnh Lưu, Nghệ An, nổi lên chống lại sự hà khắc khốc liệt của cải cách ruộng đất.
Một trong những blogger viết nhiều nhất về Formosa-Vũng Áng là nhà báo tự do Nguyễn Hữu Vinh viết sau sự kiện dân chúng Nghệ An biểu tình chống Formosa, rằng Nhà cầm quyền Nghệ An đã không thể yên, bởi người dân đã không thể sống khi bị đẩy vào bước đường cùng.
Blogger Nguyễn Vũ Bình viết tiếp trong loạt bài Bước ngoặt Formosa:
Người dân bị dồn đến đường cùng bắt buộc phải vùng dậy. Cần nhìn nhận việc này dưới hai góc độ. Thứ nhất, người dân bị mất kế sinh nhai, không còn công việc và thu nhập trong hoàn cảnh nền kinh tế tan hoang khó chuyển đổi nghề nghiệp, cũng như tạo ra thu nhập mới. Thứ hai, cách ứng xử của nhà cầm quyền qua sự cố Formosa khiến cho họ thấy, người dân bị bỏ mặc và không có quyền sống, quyền con người. Nếu họ không vùng lên, cũng không thể sống nổi.
Cuộc đấu tranh vẫn không dễ dàng hơn
075_smit-notitle160501_npv0E-400.jpg
Người dân biểu tình phản đối tập đoàn Formosa Đài Loan tại Hà Nội hôm 1/5/2016. AFP photo
Nhưng dường như cách cai trị của nhà cầm quyền vẫn không thay đổi sau một thảm họa quá lớn như Formosa-Vũng Áng.
Đồng thời với kiến nghị của giáo phận Vinh được đưa ra vào những ngày cuối tháng ba, nhóm phóng viên tự do của nhà báo, blogger Đoan Trang đến Hà Tĩnh tiến hành quay phim, phỏng vấn người dân về đời sống cơ cực của họ sau thảm họa. Cô viết trên mạng xã hội:
Một lời nhắn đến Bộ Công an Việt Nam, an ninh tỉnh Hà Tĩnh và công an các huyện Lộc Hà, Kỳ Anh: Chúng tôi biết là sau khi các clip như thế này được phát trên mạng, các ông sẽ tìm đến đe dọa, quấy nhiễu, hoặc chuyển sang mua chuộc, dụ dỗ những người dân đã xuất hiện trong clip.
Chúng tôi muốn các ông hiểu rằng: Không một chính thể đàng hoàng nào lại làm cái việc hạch sách, hành hạ những người dân đã "trót" trả lời phỏng vấn báo chí hay chỉ đơn giản là đã nói lên tâm sự của họ, suy nghĩ của họ. Càng làm như thế, càng chỉ chứng tỏ các ông là TÀ QUYỀN, không hơn.
Chúng tôi sẽ có những biện pháp của mình để bảo vệ những người dân đã, đang và sẽ là nạn nhân của tà quyền các ông.
Chúng tôi sẽ có những biện pháp của mình để bảo vệ những người dân đã, đang và sẽ là nạn nhân của tà quyền các ông.
- Blogger Đoan Trang
Những hành động như vậy của Đoan Trang và bạn bè thường được hệ thống truyền thông chính trị của đảng gọi là phản động. Những lời buộc tội như vậy không còn giới hạn trên những trang báo nữa mà lan cả ra mạng xã hội. Blogger Lê Vi trả lời những lời buộc tội như thế:
Bạn nói đúng, nếu như guồng quay xã hội hiện tại cứ mãi mãi tiếp tục còn kéo dài, thì ai lên nắm quyền cũng sẽ bị biến chất. Và những gì chúng tôi làm chính là muốn thay đổi guồng quay xã hội đó. Chúng tôi muốn tạo ra một guồng quay xã hội khác để người nào lên nắm quyền cũng phải tuân thủ luật pháp, làm đúng trách nhiệm cần có... Nếu tắc trách, sai phạm, biến chất phải bị đẩy đi cho người có thể tốt hơn thay thế. Chúng tôi muốn xã hội tốt hơn bằng việc thay đổi cái gốc, thay đổi hệ thống vận hành... và bạn gọi chúng tôi là phản động!
Như vậy đã có nhiều người dấn thân để bảo vệ môi trường, để kiến tạo một xã hội tốt đẹp hơn như Đoan Trang và Lê Vi. Và công việc của họ có thể được thảm họa Formosa_Vũng Áng tạo điều kiện dễ dàng hơn không? Họ có lôi kéo được thêm nhiều người dấn thân như họ không?
Nguyễn Vũ Bình phân tích rằng về lý thuyết thì điều đó có thể đúng, thảm họa Formosa-Vũng Áng có thể là tử huyệt của chế độ. Nhưng chế độ cũng biết như vậy và sẽ tập trung mọi sức lực của họ để níu giữ. Và hơn nữa, ông phân tích tiếp, nội bộ những người đối kháng với chế độ cũng không đồng nhất và có khi mâu thuẫn rất lớn lới nhau, và có khi họ cũng kiêu ngạo:
Có thể nói rằng, những người đấu tranh phần lớn là những người có tính cách mạnh mẽ, một số cá tính mạnh. Điều này rất tốt trong việc đương đầu với nhà cầm quyền, đương đầu với thử thách và sự đàn áp. Nhưng mặt trái của việc này là những cái tôi quá lớn. Nhưng cái tôi quá lớn này, lại dựa trên một nhận thức chưa chuẩn về công cuộc đấu tranh của họ. Họ quan niệm, việc đấu tranh của họ là vì người khác, cho người khác và giúp người khác. Quan niệm như vậy không sai nhưng chưa chuẩn xác. Việc đấu tranh trước hết là cho mình, vì mình, là việc giải phóng bản thân mình khỏi những nỗi sợ hãi, khỏi những lối mòn trong tư duy và tập tục. Khi tham gia đấu tranh cũng là lúc họ được tự do, nói những điều mình nghĩ, làm những gì mình cho là đúng, tức là tự giải phóng bản thân. Như vậy, việc đấu tranh trước hết là cho mình, vì mình, sau mới là cho người khác, cho tha nhân. Nếu nhận thức được như vậy, thì người đấu tranh sẽ khiêm tốn, không kiêu ngạo, không đòi hỏi và không đặt nặng cái tôi của mình như hiện nay.
000_9U22F-400.jpg
Công nhân nhà máy thép Formosa Hà Tĩnh về nhà sau giờ làm việc. Ảnh chụp hôm 3/12/2015. AFP photo
Đó là về con người, còn về việc tổ chức sự đối kháng, blogger Lê Thị Bích Ngà cho rằng những cuộc biểu tình trong suốt một năm qua đã không thể làm đủ áp lực lên chính quyền để đạt được mục tiêu của mình, và thậm chí là không có một mục tiêu cụ thể:
Biểu tình đòi chính phủ minh bạch về Formosa và đuổi Formosa ra khỏi Việt Nam. Cũng một hình thức: Cuối tuần xuống đường biểu tình hai, ba tiếng buổi sáng, về nghỉ, sang ngày đi làm, tuần sau biểu tình tiếp. Không hề kiên trì mục tiêu và làm mọi thứ để thực hiện mục tiêu.
Các cuộc biểu tình kể trên không đặt ra mục tiêu cụ thể là khi nào đạt được mục đích hoặc đạt được thỏa thuận thì mới thôi. Không có tính liên tục, không có tính áp lực, không đạt được mục đích đặt ra. Do đó, về bản chất, các cuộc biểu tình đó chỉ là hình thức tuần hành nêu lên tiếng nói của người dân đối với chính phủ.
Làm ơn, hãy tập trung nhìn vào cái ống thải độc đang giết dần cả triệu người kìa, nó cấp bách và thiết thực hơn.
- Blogger Nguyễn Phương Đông 
Trong khi đó thì bao nhiêu sự việc xảy ra trong xã hội có thể làm xao nhãng mục tiêu của những người tự gánh vác cho mình trách nhiệm xã hội. Chuyện tranh cãi nhau về dọn dẹp vỉa hè chưa hết, lại đến chuyện một bài hát cách mạng bị những người cách mạng cấm nhầm. Blogger Nguyễn Phương Đông kêu gọi:
Bỏ chuyện anh Hải đang cày nát vỉa hè quận 1 đi, cày vài bữa ngán rồi trật tự cũng lập lại như cũ thôi, vì đó là Sài Gòn.
Gác luôn chuyện ở Hà Nội bọn dẹp vỉa hè tăng động đè chặt luôn cây xanh, chửi khỉ ngu hoài không chán sao?
Vất luôn chuyện bài hát "Màu Hoa Đỏ" bị cấm, vì điều đó chỉ kích thích thêm sự tò mò.
Kể cả chuyện đề án người bán hàng rong... kinh doanh qua mạng nữa, vì chẳng ông nội nào làm được đâu.
...
Làm ơn, hãy tập trung nhìn vào cái ống thải độc đang giết dần cả triệu người kìa, nó cấp bách và thiết thực hơn.
Cái ống thải độc chính là Formosa-Vũng Áng.
Và cho đến ngày 30 tháng ba đã có gần 80 ngàn người ký tên vào Kiến nghị giải quyết thảm họa này.

No comments:

Post a Comment