HÀ TĨNH (NV) – Nhà cầm quyền CSVN vừa công bố hai loại “thuốc” mới trong “phác đồ điều trị” các phản ứng của dân chúng đối với sự tồn tại của Formosa ở Việt Nam.
Sau khi trụ sở huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh “thất thủ” vào sáng 3 Tháng Tư vì công an, quân đội bó tay trước hàng ngàn người biểu tình phản đối cả việc để nhà máy thép của Formosa tiếp tục hoạt động, lẫn bồi thường không thỏa đáng, trong ngày 4 Tháng Tư, giới hữu trách Việt Nam thông báo rộng rãi hai ý tưởng mà thời điểm và cách thức thông báo dường như nhằm hạ nhiệt của chuỗi hoạt động phản kháng.
Ý tưởng thứ nhất: Chủ động tiết lộ rằng tháng trước, trong một phiên họp thường kỳ, Ban Thường Vụ của Ðảng Ủy khối các cơ quan trung ương đã “đề nghị cách chức ông Võ Kim Cự.” Một ủy viên của ban kể với tờ Tuổi Trẻ rằng, “các ủy viên đã bỏ phiếu với tỉ lệ khá khá” cho đề nghị vừa kể.
Ông Cự từng là phó chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh, kiêm trưởng Ban Quản Lý khu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh từ 2008 đến 2010. Từ 2011 đến 2016, ông Cự là bí thư Ban Cán Sự Ðảng và chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh, rồi trở thành bí thư tỉnh Hà Tĩnh, sau đó được rút ra Hà Nội làm bí thư Ðảng-Ðoàn kiêm chủ tịch Liên Minh Hợp Tác Xã Việt Nam.
Thảm họa Formosa xảy ra từ Tháng Tư năm 2016 nhưng đến Tháng Hai năm 2017, Ủy Ban Kiểm Tra của Ban Chấp Hành Trung Ương Ðảng CSVN mới xác định phải xem xét trách nhiệm cá nhân của ông Cự.
Cũng cần nói thêm rằng, “cách chức” bí thư Ðảng-Ðoàn kiêm chủ tịch Liên Minh Hợp Tác Xã Việt Nam của ông Võ Kim Cự chỉ mới là “đề nghị.” Với qui định hiện hành, bởi ông Cự là cán bộ do Bộ Chính Trị, Ban Bí Thư Ban Chấp Hành Trung Ương Ðảng CSVN quản lý nên chỉ Ủy Ban Kiểm Tra của Ban Chấp Hành Trung Ương Ðảng CSVN mới có quyền “khiển trách, cảnh cáo.” Nếu muốn kỷ luật ông Cự với hình thức nặng hơn (trong đó có cách chức) thì Ủy Ban Kiểm Tra của Ban Chấp Hành Trung Ương Ðảng CSVN phải báo cáo và quyền quyết định thuộc về Bộ Chính Trị, Ban Bí Thư Ban Chấp Hành Trung Ương Ðảng CSVN.
Do đó, xét về thực chất, “đề nghị” vừa được chủ động tiết lộ chỉ có giá trị… tham khảo.
Ông Cự – nhân vật bị công chúng cáo buộc đã dẫn Formosa vào Việt Nam, xây dựng nhà máy thép ở khu công nghiệp Vũng Áng, tạo ra thảm họa ô nhiễm toàn bộ vùng biển phía Bắc miền Trung – từng công khai khẳng định, ông không phải “vua,” muốn làm gì thì làm. Theo lời ông Cự, ông có đủ bằng chứng chứng minh, việc tiếp nhận, dành cho Formosa hàng loạt ưu đãi, vốn đã từng bị nhiều giới chỉ trích kịch liệt là thái quá trong một thời gian dài, thuộc thẩm quyền của giới lãnh đạo đảng, chính phủ. Giới này mới là phía quyết định mọi chuyện.
Ông Cự không nói ra nhưng theo logic, “bứt dây sẽ động rừng,” thành thử “cách chức” hay truy cứu trách nhiệm hình sự những nhân vật như ông Cự không dễ. Trong thực tế, các thông tin, sự kiện liên quan đến việc xem xét trách nhiệm của cá nhân ông Cự chỉ được nâng dần lên cho… tương ứng với tính chất, mức độ của các cuộc phản kháng dính dáng đến Formosa.
Ý tưởng thứ hai có dáng dấp như “thuốc” là tuyên bố của ông Mai Tiến Dũng, chủ nhiệm Văn Phòng Chính Phủ Việt Nam. Trong cuộc họp báo được tổ chức vào ngày 4 Tháng Tư, ông Dũng tuyên bố, nếu hoạt động của Formosa không bảo đảm an toàn thì “sẽ tiếp tục đóng cửa.”
“Sẽ tiếp tục đóng cửa” rất khác với “đóng cửa.” Nhân vật mang hàm bộ trưởng kiêm phát ngôn viên chính phủ có chú thích thêm, Bộ Tài Nguyên-Môi Trường đã xác định, Formosa có 53 lỗi và “đến nay đã khắc phục được 51 lỗi.”
Ngày 30 Tháng Sáu năm ngoái – ba tháng sau thảm họa cá chết trắng vùng biển phía Bắc miền Trung, ô nhiễm, thay mặt chính phủ Việt Nam, bộ trưởng Tài Nguyên-Môi Trường lúc đó là ông Trần Hồng Hà, chính thức xác nhận Formosa là thủ phạm song song với việc công bố chính phủ Việt Nam đã chủ động thỏa thuận với Formosa để nhận khoản bồi thường 500 triệu Mỹ kim. (G.Ð)
No comments:
Post a Comment