SÀI GÒN (NV) – Việt Nam hiện có hơn 200,000 trẻ em mắc hội chứng tự kỷ, một khuyết tật phải chịu đựng suốt đời. Thế nhưng, nhà cầm quyền lại bỏ rơi những người khuyết tật này, khiến gia đình có người mắc bệnh đơn độc trong việc nuôi dạy.
Báo Phụ nữ Sài Gòn trích dẫn số liệu thống kê chưa đầy đủ của Cục Bảo trợ xã hội, hiện Việt Nam có hơn 200,000 người mắc bệnh tự kỷ (TK).
Qua nhiều khảo sát, số lượng trẻ TK đến các bệnh viện chẩn đoán và điều trị ngày càng tăng. Tại bệnh viện Nhi Trung ương, Hà Nội, con số này đã tăng gấp 50 lần so với cách nay 10 năm. Trước đây, mỗi ngày chỉ có khoảng 5-6 trường hợp đến khám thì hiện đã có đến khoảng 230 trường hợp/ngày. Còn tại Sài Gòn, tỷ lệ này tăng đến 160 lần.
Theo ông Akiie Ninomiya, Tổng thư ký Mạng lưới tự kỷ ASEAN, giúp một đứa trẻ TK là phải giúp cả đời, vì đây là loại “bệnh” không bao giờ chữa khỏi. Thế nhưng hồi năm 2011, Quốc hội Việt Nam thông qua Luật Người khuyết tật, song lại không đề cập đến TK.
“Cần phải đưa trẻ TK là người khuyết tật vào luật để các em được xác nhận và cấp giấy chứng nhận”, ông Phạm Minh Mục, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giáo dục đặc biệt, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam đề nghị.
“Hệ thống các trường chuyên biệt tư mọc lên như nấm nhưng cũng không được quản lý chặt chẽ về chuyên môn và quy trình giáo dục trẻ TK. Đáng lo nhất là trẻ TK lại được giáo dục chung với trẻ không TK và ngược lại, hậu quả sẽ vô cùng nghiêm trọng nếu chúng ta cứ tiếp tục bỏ lơ như thế”, ông Mục nói.
“So sánh những chính sách, sự hỗ trợ giữa Việt Nam và các nước khác cho trẻ TK mà tôi rất đau xót. Canada trợ cấp mỗi năm cho một đứa trẻ TK học tập, hòa nhập, lao động hướng nghiệp $33,000; ở Hoa Kỳ con số này lên đến $45,000…, trong khi Việt Nam chỉ trợ cấp mỗi người chưa tới $120/năm. Đã vậy, để được xác nhận và trợ cấp là cả một vấn đề gian khổ. Tôi từng chứng kiến nhiều cha mẹ đã bỏ cuộc giữa chừng, không cho con theo học ở trường chuyên biệt nữa vì không đủ tiền xoay xở, bởi phải mất từ 10-15 triệu đồng/em/tháng” bà Vũ Thị Dung, chuyên gia về TK tại thủ đô Ottawa, Canada lo ngại cho biết. ( Tr.N)
No comments:
Post a Comment