HONGKONG (NV) – Trung Quốc bắt đầu trở lại việc bồi đắp mở rộng cũng như nối liền hai đảo nhỏ ở phía bắc của quần đảo Hoàng Sa vốn trước đây bị bão phá hủy, theo không ảnh của tổ chức Planet Labs.
Giới tùy viên quân sự của nhiều nước trong khu vực tin rằng vụ việc cho thấy Bắc Kinh cương quyết xây dựng, bồi đắp và mở rộng một hệ thống đảo nhỏ và bãi đá ngầm từ Trường Sa đến Hoàng Sa thành những chuỗi cơ sở quân sự quy mô trong mưu đồ khống chế toàn bộ Biển Đông.
Bề ngoài thì Bắc Kinh rêu rao khu vực Biển Đông ít lâu nay ổn định trong khi vẫn liên tục hoạt động trang bị cho những đảo hoang và bãi đá ngầm nay là các căn cứ với những loại võ khí tối tân nhất.
Theo Reuters, không ảnh của một tổ chức có tên Planet Labs chụp các ngày 15/2/2017 và ngày 6 Tháng Ba 2017 có các sự khác biệt từ các hoạt động xây dựng của Trung Quốc tại đảo Bắc gồm cả san ủi mặt đất và có thể chuẩn bị xây một cảng biển mà các nhà chuyên môn tin là nó được sử dụng để yểm trợ cho các cơ sở quân sự.
Các không ảnh do tổ chức Planet Labs cung cấp gần đây phối họp với tin tức hồi Tháng Giêng năm nay báo động hành động mới của Trung Quốc xây dựng mở rộng các căn cứ quân sự trên đảo Cây, một đảo này nằm cách đảo Bắc khoảng 2 hải lí (3.7 km) về hướng tây tây bắc.
Các ảnh chụp vệ tinh hồi tháng 2 và tháng 3 năm ngoái cho thấy các tàu nạo vét của Trung Quốc đang hoạt động để xây dựng một cây cầu cát dài 700 mét nối đảo Bắc với đảo Trung ở phía nam. Tuy nhiên, hình do vệ tinh chụp sau khi 2 trận bão lớn quét qua khu vực hồi tháng 10 cùng năm cho thấy, gần như toàn bộ dải cát hẹp này đã bị thổi đi. Nay thì họ đã bồi đắp trở lại và những dấu hiệu đang diễn ra báo hiệu họ muốn hoàn thành phần kiên cố căn bản trước khi mùa bão bắt đầu.
“Quần đảo Hoàng Sa sẽ rất cần thiết cho bất cứ nỗ lực nào của Trung Quốc khi muốn khống chế Biển Đông.” Giáo sư Carl Thayer của Học viện Quốc phòng Hoàng Gia Úc được thuật lời nhận xét trên bản tin của Reuters. “Chúng ta có thể thấy họ quyết chí quân sự hóa vùng biển này) bất kể lời nói (tuyên truyền dối trá) nào của họ nói với mọi người, cho dù họ sẽ làm nó từng ít một.”
Trong khi dư luận chú ý nhiều đến các hoạt động bồi đắp đảo nhân tạo và biến những nơi này thành những căn cứ khổng lồ trên biển ở Trường Sa, nhưng quần đảo Hoàng Sa là cái trụ cột cho Trung Quốc hiện diện trên Biển Đông. Nơi đây, họ đã đặt bản doanh của Bộ tư lệnh quân sự “Tam sa” trên đảo Phú Lâm. Họ cũng đã từng mang hai giàn hỏa tiễn phòng không tầm xa HQ-9 tới đây. Đảo còn có hai cảng biển và phi trường mới được kéo dài thêm từ phần đất mới được bồi đắp, nhà máy lọc nước biển thành nước ngọt, radar, vệ tinh viễn thông, internet, ngân hàng, bưu điện, nhà máy tiêu hủy rácv.v…. Ước lượng trên dưới một sư đoàn đang có mặt trên đảo này.
Đảo Bắc, Đảo Trung và cả đảo Cây tất cả ở phóa bắc và tây bắc tạo thành một vòng cung các cồn cát và đá ngầm bảo vệ cho đảo Phú Lâm.
Tuy Bắc Kinh không ngừng xây dựng các căn cứ cũng như trang bị chúng thành những cơ sở quân sự khổng lồ trên biển, trái với những cam kết của Bắc Kinh với ASEAN khi ký bản Tuyên Bố Ứng Xử trên Biển Đông (DOC) 15 năm trước, họ luôn luôn làm ngược lại với những lời chống chế “có quyền làm bất cứ gì trên lãnh thổ của họ” dù đó là lãnh thổ đi cướp.
Hôm 15 Tháng Ba 2017, thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường nói trong cuộc họp báo ở Bắc Kinh nhân quốc hội của chế độ vừa chấm dứt khóa họp rằng Trung Quốc hy vọng duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông bằng cách thúc đẩy đàm phán cho xong một Bộ Quy Tắc Ứng Xử Trên Biển Đông (COC) giữa các nước tranh chấp.
Một viên chức chính phủ Hoa Kỳ không được Reuters nêu tên nói rằng không ngạc nhiên về việc Trung Quốc tiến hành các hoạt động ở đảo Bắc của quần đảo Hoàng Sa dù ông chưa có tin tức chính thức.
‘Nó nằm trong loạt những việc họ đang làm (trên Biển Đông) cho nên họ chẳng tính làm gì khác ở đó ngoài chuyện quân sự hóa cái đảo khi san ủi mặt đất,’ viên chức ẩn danh nói.
Người ta mới chỉ thấy Hà Nội phản đối việc Bắc Kinh tổ chức du lịch đến quần đảo Hoàng Sa. Nếu có chăng cũng lập lại những lời với nội dung tuyên bố sẵn « Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và chứng cứ lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa » .
Cùng ngày 15 Tháng Ba, Reuters đưa bản tin về việc Trung Quốc xây dựng quân sự trên đảo Bắc ở Hoàng Sa, Tân Hoa Xã loan tin bộ trưởng quốc phòng Thường Vạn Toàn tiếp tư lệnh hải quân Việt Nam chuẩn đô đốc Phạm Hoài Nam.
Tân Hoa Xã kể rằng ông Thường Vạn Toàn nói “hai quốc gia cùng một hệ thống chính trị giống nhau và cùng theo đuổi đường lối phát triển tương tự nhau. Hai quốc gia cùng một cộng đồng chiến lược cùng chung định mệnh”.
Ông ta nói quân đội Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với phía Việt Nam để thi hành các sự đồng thuận đã đạt được giữa các lãnh tụ cấp cao của hai nước. Ông Thường Vạn Toàn nói vậy trong khi các hành động của họ ở Hoàng Sa và Trường Sa thì ngược lại. Bộ Ngoại Giao CSVN khi đưa ra các lời phản đối Bắc Kinh cũng đều tố cáo Bắc Kinh làm ngược các sự đồng thuận “cấp cao” đó.
Tuy nhiên, Tân Hoa Xã nói rằng ông Phạm Hoài Nam nói “Quân đội Việt Nam và đặc biệt là Hải quân Việt Nam sẵn sàng hợp tác với quân đội Trung Quốc để củng cố mối quan hệ đồng chí hữu hảo và đóng góp cho mối quan hệ giữa nhà nước và nhà nước, quân đội với quân đội”. (TN)
No comments:
Post a Comment