Wednesday, February 22, 2017

Phản biện báo Nhân Dân: Cần nhìn thẳng - đó là cái nhìn cong

Mẫn Nhi-22-02-2017
(VNB) -  “Cần nhìn thẳng vào sự thật để không dung túng cái xấu” là tựa đề rất kêu của tác giả Lê Võ Hoài Ân trên báo Nhân Dân vào ngày 14/02 [1]. Nội dung khẳng định việc bắt tạm giam người theo Điều 258, Điều 88 thời gian vừa qua là hợp lý. Từ bao giờ, một cá nhân mang tên Đặng Hữu Nam và hành vi của y đại diện cho cả một phong trào đấu tranh nhân quyền?


Đánh tráo khái niệm

Nhưng sự thật là, người viết đã cố gắng để nặn chữ, do đó, sử dụng những trường hợp bắt người vì lý do lên tiếng đòi tự do, nhân quyền với một hành vi – vi phạm luật Hình sự Việt Nam.

Liệu rằng có sự liên quan nào giữa Điều 258, Điều 88 – trực tiếp liên quan đến sự mập mờ nhằm mục đích dập tắt tự do ngôn luận, tự do hội họp của Đảng cầm quyền với Điều 138  về tội trộm cắp hình sự? Để từ đó, tác giả quy nạp ngược lại rằng, sự đòi hỏi trả tự do cho những người bị bắt vì tội tuyên truyền chống Nhà nước và lợi dụng quyền tự do dân chủ là “đòi hỏi phi lý”.

Chẳng những vậy, lợi dụng việc đối tượng Đặng Hữu Nam có hành vi trộm cắp để đánh phá, đả kích, bôi nhọ nhân phẩm của những nhà đấu tranh công lý khác. Từ bao giờ, một cá nhân mang tên Đặng Hữu Nam và hành vi của y đại diện cho cả một phong trào đấu tranh nhân quyền?

Thậm chí, những người đấu tranh cho nhân quyền Việt Nam còn phê phán mạnh đối tượng Đặng Hữu Nam, tán thành việc bắt giữ y theo quy định của Pháp luật. Không đâu xa, TS. Phạm Chí Dũng – Chủ tịch Hội nhà báo Độc lập Việt Nam đã nêu quan điểm của mình trong một bài viết mang tên “Vụ ông Đặng Hữu Nam bị bắt: Hãy cắt bỏ một khối u!”. Theo đó, tác giả không những nhắc lại đúng hành vi và tội trạng của ông Đặng Hữu Nam, mà còn phê phán các hiện tượng sử dụng yếu tố “đấu tranh dân chủ” để “ăn” tiền đồng bào hải ngoại của không ít cá nhân vụ lợi. Cũng tại trang Việt Nam Thời Báo, cũng đã đăng tải bài viết phê phán của tác giả Mẫn Nhi đối với đối tượng này, theo đó, chẳng những tác giả khẳng định “không thể đánh đồng Đặng Hữu Nam với giới hoạt động nhân quyền Việt Nam”, mà còn  “đòi hỏi xử lý theo đúng pháp luật, đơn giản hành vi đó là đáng lên án”.

Thế nên thật lạc lõng khi tác giả Hoài Ân buông một câu nhận định đầy tính chất đánh đồng rằng, các tổ chức như HRW, CPJ,... đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam,…  lên tiếng đối với trường hợp Trần Thị Nga, Nguyễn Văn Oai, Nguyễn Văn Hóa, còn Đặng Hữu Nam thì họ… tảng lờ!

Làm sao có thể lên tiếng cho trường hợp Đặng Hữu Nam khi ông ta bị bắt vì thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, nhằm mưa lợi cho cá nhân. Trong khi những người còn lại bị bắt vì lên tiếng liên quan đến quyền con người mà Việt Nam đã ký kết, giao ước quốc tế, và đã ghi rõ trong Hiến pháp 2013?

Nếu đây không phải là đánh tráo khái niệm nhằm mục đích đả kích, áp đặt quan điểm thì còn có thể gọi nó là gì?


“Hiện tượng lại đi lặp lại”

Tác giả cho rằng, sự bênh vực đối với các cá nhân đấu tranh nhân quyền cũng như phê phán cách hành xử nhà nước Việt Nam là phi lý, và được lặp đi lặp lại nhiều lần.

Thực tế cho thấy, tần suất của việc trên là ngày càng dày đặc, vì số người bị tống giam vào tù với các điều luật đi ngược lại “quyền tự do tư tưởng, tự do thu nhận, quảng bá tin tức và truyền đạt ý kiến” đầy tính chất mơ hồ, dễ bị lạm dụng để bắt bớ những người có chính kiến trong xã hội. Cùng với thế giới WWW, thì sự phô bày chính sách sai trái của nhà nước trên các lĩnh vực ngày rõ ràng, sự nhận thức của người dân tăng lên, nghiễm nhiên đi cùng với thái độ phê phán gián tiếp hoặc trực diện. Nhưng dù ở hình thức phê phán nào, thì suy cho cùng cũng là tiếng nói “bất đồng” – quy luật tồn tại khách quan trong bất kỳ một thể chế, xã hội nào. Sự khác nhau ở chỗ, tôn trọng hay không tôn trọng, dập tắt hay là tiếp nhận. Nếu chịu nhìn nhận một cách đúng đắn, thì đó là những phản biện đáng giá để thay đổi và chỉnh sửa thể chế phù hợp với quyền dân hơn; nhưng nếu cho đó là là ý kiến làm suy giảm tính chính danh của một thể chế dựa trên sự “độc tôn chân lý” và “vĩnh viễn cầm quyền” thì nó là phản động.

Hiện tượng “lặp đi lặp lại” nhiều lần cũng nên được coi là một hiện tượng rất bình thường trong một xã hội, mà nơi đó, nó cho phép chính quyền nhận thấy nổi bức xúc xã hội (cảm xúc xã hội) nằm ở lĩnh vực nào, mức độ bao nhiêu để từ đó có những điều chỉnh phù hợp nhằm giải tỏa sự căng thẳng gia tăng đó.


Đòi hỏi vì đó là quyền

Bên cạnh hai luận điểm trên, “Đòi hỏi phi lý” là điểm mà tác giả bài viết nhiều lần nhấn mạnh. Nhưng thực tế thì sao? Nó là đòi hỏi hết sức bình thường ở một nhà nước “của dân, do dân, vì dân” thực sự. Vì nó là nhằm bảo đảm tuân thủ các nghĩa vụ quốc tế của Việt Nam, bao gồm nghĩa vụ theo Công ước quốc tế về các quyền Dân sự và Chính trị. Những quan điểm đó cũng làm cho quản trị nhà nước tốt hơn, tính chính danh đảng cầm quyền tăng lên cùng với đồng thuận xã hội, làm cho cả nền móng nhà nước phát triển theo hướng hài hòa và tích cực hơn. [2]

Và sự lên tiếng bày tỏ quan ngại của các tổ chức nước ngoài cũng không phải là hình thức “can thiệp công việc nội bộ”, mà là nghĩa vụ và là trách nhiệm giám sát một quốc gia bất kỳ “để bảo đảm tuân thủ các nghĩa vụ quốc tế của Việt Nam, bao gồm nghĩa vụ theo Công ước quốc tế về các quyền Dân sự và Chính trị”.

----------------

[1] http://www.nhandan.com.vn/chinhtri/binh-luan-phe-phan/item/32061002-can-nhin-thang-vao-su-that-de-khong-dung-tung-cai-xau.html


[2] http://www.ndanghung.com/bai-viet/2014/12/10/khac-voi-nguyen-khai-phai-cho-doi-den-cuoi-doi-moi-di-tim-cai-toi-da-mat-nguyen-quang-lap-nhin-lai-chinh-minh-chinh-cai-lo-san-sinh-ra-minh-ngay-trong-giai-doan-sung-man-nhat-cua-cuoc-doi-mot-nha-v.html/

No comments:

Post a Comment