Em Bụi (Danlambao) - Blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh - Mẹ Nấm bị bắt khẩn cấp vào sáng ngày 10/10/2016, với cáo buộc "tuyên truyền chống nhà nước" theo điều 88 bộ luật hình sự. Người ký quyết định bắt tạm giam 4 tháng đối với blogger Mẹ Nấm là Nguyễn Văn Minh - Phó Viện trưởng viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Khánh Hòa.
Tuy nhiên, từ ngày 10/10/2016 cho tới ngày 10/2/2017 (sau 4 tháng tạm giam) gia đình không được thăm gặp hay có bất cứ thông tin gì về blogger Mẹ Nấm.
Sau ngày 10/2/2017 bà Nguyễn Tuyết Lan - mẹ Blogger Mẹ Nấm tới cơ quan điều tra mới biết Mẹ Nấm bị gia hạn thêm 3 tháng nữa (từ 7/2/2017 - 7/5/2017) người ký quyết định vẫn là ông Nguyễn Văn Minh - Phó Viện trưởng viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Khánh Hòa.
Như vậy, theo điều 120 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003, sau quyết định tạm giam lần 1 và lần 2, VKSND có thể gia hạn tạm giam tối đa thêm 3 lần nữa, mỗi lần không quá 4 tháng nếu áp dụng trường hợp "đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng". Sau đó, nếu tiếp tục áp dụng "trường hợp cần thiết với tội xâm phạm an ninh Quốc gia" thì Viện trưởng VKSND tối cao có quyền ký thêm quyết định gia hạn tạm giam 1 lần nữa (không quá 4 tháng).
Nếu cơ quan an ninh điều tra Bộ công an áp dụng như vậy với blogger Mẹ Nấm thì thời gian tạm giam tối đa để điều tra có thể kéo dài đến 19 tháng. (tính từ thời điểm Mẹ Nấm bị bắt 10/10/2016)
Trích:
“Điều 120 BLTTHS 2003 quy định thời hạn tạm giam để điều tra:
- Không quá 2 tháng đối với tội ít nghiêm trọng;
- Không quá 3 tháng đối với tội nghiêm trọng;
- Không quá 4 tháng đối với tội rất nghiêm trọng và tội đặc biệt nghiêm trọng.
Việc gia hạn tạm giam được quy định như sau:
- Đối với tội phạm ít nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam một lần không quá 1 tháng.
- Đối với tội phạm nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam hai lần, lần thứ nhất không quá 2 tháng và lần thứ hai không quá 1 tháng.
- Đối với tội phạm rất nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam hai lần, lần thứ nhất không quá 3 tháng, lần thứ hai không quá 2 tháng.
- Đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam ba lần, mỗi lần không quá 4 tháng.
- Như vậy, đối với tội phạm ít nghiêm trọng thời hạn tạm giam để điều tra tối đa có thể là 3 tháng, đối với tội phạm nghiêm trọng tối đa có thể là 6 tháng, đối với tội phạm rất nghiêm trọng tối đa có thể là 9 tháng, còn đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng tối đa có thể lên đến 16 tháng.
- Riêng đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, trong trường hợp thời hạn gia hạn tạm giam lần thứ hai quy định tại điểm 3 khoản 3 Điều 120 đã hết và vụ án có nhiều tình tiết phức tạp mà không có căn cứ để thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp tạm giam thì Viện trưởng VKSNDTC có thể gia hạn tạm giam lần thứ ba.
- Trường hợp cần thiết đối với tội xâm phạm an ninh quốc gia thì Viện trưởng VKSNDTC có quyền gia hạn thêm một lần nữa không quá 4 tháng (Khoản 5 Điều 120).”
Theo luật số 94/2015/QH13 của Quốc hội cộng sản: Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam thì từ ngày 1/7/2016 người bị tạm giam được quyền thăm gặp người thân ít nhất 1 tháng 1 lần, được gặp người bào chữa...
Tuy nhiên, tính tới thời điểm này, Blogger Mẹ Nấm đã bị tạm giam 4 tháng 13 ngày nhưng gia đình chỉ được phép gửi đồ vào cho Mẹ Nấm chứ không hề biết bất cứ thông tin gì về con mình mặc dù nhiều lần bà Lan yêu cầu thăm gặp.
Việc giam giữ một công dân và lấy lý do gia hạn để điều tra và "tạm giam" tối đa đến 16 tháng là một hành động chà đạp lên mọi nguyên tắc pháp lý của quốc tế, thể hiện bản chất rừng rú của luật pháp CSVN.
Việc không cho gặp luật sư, tùy tiện cấm không cho người nhà thăm gặp người chưa bị kết án, bị "tạm giam" đã nói lên bản chất vô nhân và phơi bày bộ mặt tàn ác của tập đoàn cai trị.
Blogger Mẹ Nấm - Nguyễn Ngọc Như Quỳnh chỉ là một trong rất nhiều nạn nhân đã bị cộng sản bỏ tù không xét xử theo lối "tạm giam" và gia hạn thành nhiều lần "tạm giam" như thế này.
23.02.2017
No comments:
Post a Comment