VŨNG TÀU (NV) – Hàng chục nhà máy chế biến hải sản xả thải hôi thối trực tiếp ra sông Cửa Lấp, một nhánh của sông Dinh đổ ra biển ở thành phố Vũng Tàu gây ô nhiễm trầm trọng, khiến sinh hoạt của người dân và các khu du lịch khốn đốn.
Mô tả của phóng viên báo Người Lao Động, ngày 27 Tháng Hai, đi qua những con đường ở phường 12, thành phố Vũng Tàu, đặc điểm dễ nhận thấy là mùi hôi thối bốc lên từ những đầm chứa nước, những dòng kênh “chết.” Nước ở đây đều có chung một màu đen cộng với rác thải sinh hoạt nổi lềnh bềnh, đây cũng là những con đường hiện có hàng chục cơ sở chế biến hải sản hoạt động ngày đêm.
Tại khu vực đường Bờ Đê dọc chân cầu Cửa Lấp, hàng trăm ống nước, ống xả được lắp đặt kéo thẳng ra sông, độ ô nhiễm nghiêm trọng tới mức bằng mắt thường cũng có thể nhận thấy nước sông đục ngầu, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc. Bên cạnh đó, hàng ngàn tấm lợp phơi cá của người dân được đặt bên trên những hố nước đen ngòm, đủ thứ rác ngay ven đường đê. Người dân thản nhiên rửa cá rồi đổ nước ra các kênh, chảy xuống sông.
Bà Đinh Thu Hường, ngụ huyện Long Điền, thường xuyên đi qua đoạn đường này, nói: “Vào mùa mưa, từ đoạn xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền đến gần khu vực vòng xoay Cửa Lấp, nước mưa cộng với nước thải bốc mùi hôi thối, ai đi qua đều phải mang khẩu trang.”
Còn bà Lê Thị Lan, sống tại khu vực Cửa Lấp, cho biết: “Nhà phải đóng cửa suốt ngày vì sợ mùi ám vào quần áo, đồ đạc. Chưa kể, đến mùa mưa thì rất nhiều ruồi, muỗi.”
Nói với phóng viên báo Người Lao Động, ông Phan Văn Mạnh, phó giám đốc Sở Tài Nguyên Môi Trường cho biết, nguyên nhân chính gây ô nhiễm nhiều năm qua đã từng được các cơ quan chức năng tỉnh nhận định là do nguồn nước thải chưa qua xử lý của các cơ sở chế biến hải sản xả thẳng ra sông.
“Cơ quan chức năng đã từng tiến hành nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra các cơ sở chế biến hải sản và xử phạt khi phát hiện các lỗi, chủ yếu như không xây hệ thống xử lý nước thải hoặc có nhưng không vận hành mà xả thải trực tiếp ra sông, thậm chí có cơ sở không có giấy phép nhưng vẫn ngang nhiên hoạt động,” ông Mạnh nói.
Để chấm dứt tình trạng ô nhiễm nơi đây là buộc phải di dời các nhà máy chế biến hải sản ra khỏi khu vực dân cư đang sinh sống. Năm 2015, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã duyệt “đề án xử lý ô nhiễm môi trường khu vực Cửa Lấp và kế hoạch xây dựng khu chế biến hải sản tập trung tại gò Ông Sầm,” diện tích khoảng 390 ha.
Thế nhưng tới nay, dự án này vẫn chưa tiến hành khiến tình trạng ô nhiễm trên mức báo động. (Tr.N)
No comments:
Post a Comment