HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Theo tính toán của giới hữu trách ở Việt Nam, phải tuyển đến 600 người để vận hành tuyến metro Cát Linh – Hà Đông, dài 13 cây số. Trung bình, mỗi cây số sẽ cần đến 46 người.
Đây là dự án metro đầu tiên tại Việt Nam. Lẽ ra dự án này phải hoàn tất vào năm 2012 nhưng đến nay, vẫn còn dở dang. Người ta hy vọng đến cuối năm nay mới có thể đưa tuyến metro này vào khai thác thương mại!
Đây là dự án được xem là điển hình cho hợp tác Việt – Trung về vốn, nhà thầu, công nghệ nhằm phát triển kinh tế – xã hội. Trong quan hệ hợp tác bám sát phương châm “16 chữ vàng” (láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai) và “tinh thần bốn tốt” (láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt) vì “có cùng ý thức hệ và thể chế chính trị” này, Việt Nam luôn luôn “ngậm đắng, nuốt cay.”
Năm 2014, nhà thầu Trung Quốc hứa sẽ hoàn tất công trình này vào Tháng Sáu, 2015, nhưng đến lúc đó thì có thông báo là thời điểm khánh thành được dời đến cuối năm.
Đến cuối năm 2015, có tin phải đến hết quý 1 năm 2016 công trình mới hoàn tất và cho chạy thử, nhưng trong năm 2016, sự kiện đáng chú ý nhất liên quan tới tuyến metro Cát Linh – Hà Đông là Việt Nam phải ký một hiệp định để vay thêm tiền từ Trung Quốc nhằm hoàn tất dự án này.
Ngoài sự nổi tiếng vì chậm trễ tới mức không thể tưởng tượng, công trình này còn lẫy lừng vì thiếu an toàn, kém chất lượng. Hiện đã có ít nhất sáu vụ tai nạn do cần cẩu bị sập, cần cẩu đứt cáp làm rớt lúc thì cọc thép, lúc thì dầm thép, đè chết và làm người đi đường trọng thương, giàn giáo đột nhiên sập xuống khi đang đổ bê tông.
Dự án còn gây phẫn nộ vì sự tráo trở của nhà thầu Trung Quốc, đòi nâng vốn đầu tư dự án từ $553 triệu lên $892 triệu. Tuy yêu sách này phi lý, nhưng bất chấp sự can gián của chuyên gia nhiều giới, chính quyền Việt Nam vẫn vay thêm của Trung Quốc $339 triệu để đáp ứng đòi hỏi của nhà thầu!
Khi đến thăm Trung Quốc hồi Tháng Chín năm ngoái, thủ tướng Việt Nam đề nghị thủ tướng Trung Quốc “sớm triển khai khoản vay bổ sung cho dự án xây dựng tuyến metro Cát Linh – Hà Đông, bảo đảm tiến độ, chất lượng, đưa công trình này vào sử dụng theo đúng dự kiến là… năm 2018!”
Theo báo chí Việt Nam, tổng vốn đầu tư cho dự án này chỉ tăng thêm $250.62 triệu chứ không phải là $339 triệu như chính quyền Việt Nam từng đồng ý hồi Tháng Bảy, 2015! Lúc đó, ông Nguyễn Hồng Trường, thứ trưởng Bộ Giao Thông – Vận Tải Việt Nam, thú nhận, sở dĩ “lộ trình” thực hiện tuyến metro liên tục thay đổi vì tất cả mọi thứ đều phụ thuộc hoàn toàn vào nhà thầu Trung Quốc.
Có một điểm đáng chú ý là vì Việt Nam vay tiền của Trung Quốc để làm nên ngoài việc phải dùng nhà thầu Trung Quốc xây dựng hạ tầng, Việt Nam còn phải mua những thứ còn lại của họ.
Theo ông Trường, chi phí cho việc mua hệ thống đường ray, hệ thống thông tin – tín hiệu và 13 đoàn tàu là $200 triệu.
Tin mới nhất liên quan đến dự án này là việc vận hành sẽ cần đến 600 người, và phía Việt Nam đã tuyển, gửi 200 người sang Trung Quốc nhờ đào tạo.
Tin vừa kể làm nhiều người choáng váng, có người thắc mắc, chỉ một tuyến metro dài 13 cây số mà cần chừng đó lao động, thế thì khi hoàn tất 300 cây số metro ở Hà Nội như dự kiến sẽ cần bao nhiêu. Chẳng lẽ phải tuyển 10,000 người?
Rồi tại sao trong khi những tuyến metro ở các quốc gia Đông Nam Á khác được tự động hóa gần như hoàn toàn thì tuyến metro Cát Linh – Hà Đông lại cần nhiều nhân lực đến vậy. Phải chăng công nghệ Trung Quốc quá lạc hậu và nếu vậy thì việc gì phải vay Trung Quốc hơn $800 triệu? (G.Đ.)
No comments:
Post a Comment