Friday, October 14, 2016

Biển Ðông: Trung Quốc lại dạy dỗ và cảnh cáo lân bang

Một tàu tuần duyên của Nam Hàn tại Hoàng Hải. Nam Hàn loan báo đã ra lệnh cho lực lượng tuần duyên nổ súng nếu tàu đánh cá của Trung Quốc xâm nhập. (Hình: Getty Images)
BẮC KINH (NV) – Trung Quốc muốn Úc phát biểu và hành động hết sức cẩn trọng đối với vấn đề Biển Ðông. Ðó là nội dung chính trong thông cáo về cuộc hội đàm giữa Tướng Phạm Trường Long, phó chủ tịch Quân Ủy Trung Ương của Trung Quốc với Tướng Mark Binski, tư lệnh Không Quân Úc, do Bộ Quốc Phòng Trung Quốc phát hành.
Ðây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc dùng giọng điệu như vậy với Úc – quốc gia tuy là đồng minh của Hoa Kỳ, từng nhiều lần lên tiếng ủng hộ quan điểm của Hoa Kỳ về Biển Ðông, nhiều lần khẳng định sẽ thực hiện các cuộc tuần tra tại Biển Ðông để chứng minh nỗ lự bảo vệ luật pháp quốc tế và quyền tự do lưu thông – song cũng rất dè dặt với Trung Quốc vì kinh tế Úc đang phụ thuộc rất lớn vào quan hệ thương mại với Trung Quốc.
Sự càn rỡ của Trung Quốc đã vượt khỏi khả năng hình dung của nhiều người và nhiều giới.
Cuối tháng trước, Trung Quốc từng cảnh cáo Singapore với giọng điệu tương tự. Thậm chí hồi đầu tháng này, viên thiếu tướng tên là Kim Nhất Nam, giáo sư một trường võ bị của Trung Quốc còn cho rằng, Trung Quốc cần sớm có biện pháp buộc Singapore phải trả giá cho việc dám đứng ra vận động “quốc tế hóa vấn đề Biển Ðông,” khiến tình trạng đối đầu giữa Trung Quốc với Hoa Kỳ tại biển Ðông thêm căng thẳng và vì vậy đã gây tổn hại nghiêm trọng cho lợi ích của Trung Quốc.
Từ khi công khai ủng hộ “phán quyết về Biển Ðông” và kêu gọi công đồng quốc tế tham gia gìn giữ hòa bình, sự ổn định ở khu vực Ðông Nam Á bằng cách gia tăng các cuộc tuần tra bảo vệ quyền tự do lưu thông tại Biển Ðông, Singapore liên tục bị Trung Quốc chỉ trích kịch liệt, bị cảnh cáo là sẽ phải trả giá.
Singapore hiện là điều phối viên quan hệ giữa ASEAN và Trung Quốc. Sự giận dữ của Trung Quốc đối với Singapore tăng vọt sau khi Singapore nhấn mạnh tại hội nghị thượng đỉnh châu Phi diễn ra hồi tháng trước rằng, các bên có liên quan đến tranh chấp chủ quyền tại Biển Ðông phải tôn trọng “phán quyết về Biển Ðông.”
Chẳng riêng Biển Ðông, Trung Quốc đang vừa gây hấn, vừa dạy dỗ các quốc gia khác có lãnh hải tiếp giáp với các vùng biển của Trung Quốc.
Chẳng hạn Trung Quốc vừa khuyến cáo Nam Hàn phải bình tĩnh và hành xử hợp lý ở Hoàng Hải – vùng biển phía Tây bán đảo Triều Tiên. Tuần trước, hai tàu đánh cá vỏ thép của Trung Quốc đã đâm chìm một tàu tuần duyên của Nam Hàn vì bị đuổi ra khỏi lãnh hải Nam Hàn. Nam Hàn đã triệu đại sứ Trung Quốc tại Nam Hàn đến để phản đối song không những không xin lỗi, Trung Quốc còn khuyên Nam Hàn bình tĩnh. Lối hành xử trịch thượng này đã khiến chính phủ Nam Hàn hết sức phẫn nộ.
Ông Lee Choon Jae, tư lệnh phó Tuần Duyên Nam Hàn loan báo, Lực Lượng Tuần Duyên Nam Hàn đã được phép sử dụng vũ khí để đối phó với những tàu đánh cá của Trung Quốc xâm nhập và đánh bắt trái phép lãnh hải Nam Hàn ở Hoàng Hải. Trung Quốc không phủ nhận Nam Hàn có chủ quyền ở vùng biển mà tàu đánh cá của mình đã đâm chìm tàu tuần duyên của Nam nhưng nhấn mạnh đó là khu vực mà ngư dân hai bên có thể… khai thác chung!
Càng ngày, số quốc gia công khai tỏ ra bất bình với thái độ và cách hành xử của Trung Quốc càng nhiều, đặc biệt là những lân bang của Trung Quốc. Tuy nhiên vì kinh tế của quốc gia nào cũng bị chi phối bởi quan hệ thương mại với Trung Quốc nên việc ứng xử với Trung Quốc thiếu sự cứng rắn và nhất quán.
Chẳng hạn, Úc và Singapore vừa đạt được một thỏa thuận, theo đó, Singapore sẽ chi 1.7 tỉ Mỹ kim để mở rộng các trung tâm huấn luyện của Singapore ở bang Queensland-Úc. Nhờ vậy thời gian huấn luyện Hải Quân và Thủy Quân Lục Chiến của Singapore tại Úc sẽ tăng gấp ba lần, từ 6 tuần thành 18 tuần/năm. Số lượng quân nhân được Singapore gửi sang huấn luyện tại Úc cũng sẽ tăng từ 6,600 lên 14,000/năm.
Trong khi nhiều người tin rằng, bối cảnh khu vực Ðông Nam Á và hiện trạng Biển Ðông là lý do dẫn tới thỏa thuận vừa kể thì cả thủ tướng Singapore lẫn thủ tướng Úc cùng khẳng định, không nên xem việc Singapore và Úc gia tăng hợp tác quân sự là nhằm chống Trung Quốc. Cả hai quốc gia đều không chống bất kỳ quốc gia nào trong khu vực.
Không chỉ Nam Hàn mà Nhật cũng đang thực thi hàng loạt biện pháp nhằm chống tàu đánh cá Trung Quốc xâm nhập, đánh bắt trái phép tại lãnh hải của Nhật ở biển Hoa Ðông.
Theo đài truyền hình NHK thì 70% ngư trường của Nhật đang bị các tàu đánh cá Trung Cộng khai thác thường xuyên một cách tận tình. Cũng vì vậy, Nhật đã cho đóng hàng loạt tàu tuần duyên loại mới vừa có khả năng giám sát cao hơn, vừa… chịu đựng va chạm tốt hơn để đối phó với các tàu đánh cá Trung Quốc. Ðến 2018, cả nhân sự lẫn số tàu tuần duyên của Nhật hoạt động tại biển Hoa Ðông sẽ tăng gấp bốn lần so với hiện nay.
Cho dù ai cũng biết, ngoài việc khuyến khích ngư dân khai thác tài nguyên biển của những quốc gia khác, Trung Quốc còn muốn dùng các tàu đánh cá như công cụ để thực hiện chiến lược hàng hải của mình nhưng nỗ lực đối phó, ngăn chặn chỉ đến mức như vừa kể. (G.Ð)

No comments:

Post a Comment