Thursday, September 29, 2016

Hỉ nộ ái ố Sài Gòn mưa

Hòa Ái, phóng viên RFA 2016-09-29  
baomoi.com.jpg
 Mưa ngập đường phố Sài Gòn hôm 26/9/2016.  Photo courtesy of baomoi.com
Mùa mưa năm 2016 ở Sài Gòn mà các cơn mưa trong hai chiều ngày 26 và 27 tháng 9, được cho là lớn kỷ lụt trong vòng 40 năm qua, với những hỉ nộ ái ố của hàng triệu cư dân thành phố.
“Trời ơi chưa bao giờ nhà em mà nước ngập như vầy! Trời ơi, mấy anh cấp nước ơi mấy anh cấp nước! Trời ơi, mấy anh thoát nước ơi mấy anh thoát nước! Em lạy mấy anh.”
Vừa rồi là tiếng kêu than của một nam cư dân Sài Gòn trong một video clip với hình ảnh người đàn ông này lội bì bõm xung quanh ngôi nhà của mình và của hàng xóm trong một hẻm nhỏ bị ngập nước lênh láng, chỉ sau trận mưa hơn một giờ đồng hồ vào chiều 26 tháng 9. Đoạn video được loan truyền trên khắp các trang mạng xã hội trong sự đồng cảm của cộng đồng mạng.
Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, được nhiều người hâm mộ qua ca khúc “Tháng Sáu Trời Mưa” với những ca từ “Trời không mưa, anh cũng lạy Trời mưa”, vào sáng 27 tháng 9 chia sẻ trên trang Facebook cá nhân hình ảnh ngôi biệt thự triệu đô bị ngập nặng cùng lời ta thán rằng “Chúng ta đang ở thời đại nào mà cơ sở hạ tầng và hệ thống tiêu thoát nước không đủ sức đương đầu với một cơn mưa?”
Đi trên đường mà nước mênh mông, đâu có biết ở dưới chỗ nào có lỗ cống, ổ gà…Cứ vừa đi vừa sợ vì lỡ như sụp ổ gà thì nguy hiểm.
- Chị Trinh, Quận Tân Phú
Hai trận mưa vào chiều 26 và 27 tháng 9 năm 2016 được Cơ quan Khí tượng Việt Nam cho là lớn kỷ lục trong vòng 40 năm ở Thành phố Hồ Chí Minh. Hình ảnh báo chí nhà nước và các trang mạng xã hội cho thấy cả thành phố chìm trong biển nước, nhiều tuyến đường chìm sâu trong nước, ngay cả những nơi cao trong thành phố như Quận Nhất, hay sân bay Tân Sơn Nhất cũng bị ngập. Bức hình một con chuột cố bám víu vào hàng rào lưới B40 với cái đầu ngoi ngóp trên mặt nước, mà ai đó đã chụp, được chia sẻ khắp nơi với nhiều tâm trạng nhưng tựu trung vẫn là lời kêu cứu. Chị Trinh, cư ngụ ở Quận Tân Phú, kể lại với Đài RFA tình cảnh hàng triệu cư dân thành phố “ướt như chuột lột” lúc giờ tan tầm trong các cơn mưa lớn vừa qua, trong đó có chị:
“Mình cũng biết mưa lớn như vậy là sẽ ngập. Mình cũng đợi mưa tạnh khoảng nửa tiếng đồng hồ rồi mới đi về, nhưng không ngờ nước không rút kịp. Chỗ cao không ngập nhưng nhiều chỗ trũng ngập sâu lắm. Đi trên đường mà nước mênh mông, đâu có biết ở dưới chỗ nào có lỗ cống, ổ gà…Cứ vừa đi vừa sợ vì lỡ như sụp ổ gà thì nguy hiểm. Nhiều chỗ nước nhiều quá mà xe lớn như xe buýt hay ô tô chạy ngang thì sóng chập chờn khiến xe nghiêng qua ngả lại, người nào yếu thì thế nào cũng té. Về đến nhà thì thấy nước tràn vào tới trong phòng luôn, đồ đạc trôi tùm lum mà dơ lắm. Dọn cả buổi mới xong. Vừa lạnh, vừa đói, vừa mệt nữa.”
Những người dân Sài Gòn như chị Trinh mà chúng tôi tiếp xúc cho biết các cơn mưa từng đi vào thơ, ca, nhạc, họa theo lịch sử hơn 300 trăm năm của thành phố nay trở thành nỗi kinh hoàng mỗi khi mưa trút xuống. Họ chia sẻ biết làm gì hơn ngoài sự kiên nhẫn chịu đựng tình trạng ngập úng ngàng càng trầm trọng vào mỗi mùa mưa ở Sài Gòn.
Một trong những cảnh chịu đựng của người dân Sài Gòn mà Hòa Ái ghi nhận qua cơn mưa kỷ lục vào chiều 26 và 27 tháng 9 là nhiều người trong lúc chờ nướt rút để có chỗ ngả lưng nằm ngủ, phải xắn quần đến gối, đứng xem tin tức xoay quanh tình hình ngập lụt trong thành phố với các thông tin đáng chú ý như cả ngàn xe gắn máy bị nhấn chìm dưới mực nước cao 2 mét tại một hầm gửi xe ở trung tâm Quận Nhất, những chiếc xe trôi phăng phăng trong dòng nước cuốn trên đường Võ Văn Ngân hay các y tá rủ nhau bắt lươn trong hành hành lang Bệnh viện Trưng Vương tại Quận 10…
Những cái cống chống ngập lụt nhưng công trình làm mấy năm nay cũng chưa xong thì làm sao có được hệ thống để thoát nước được?
- Ông Dương, Gò Vấp 
Trả lời câu hỏi của Hòa Ái về cảm nhận như thế nào trước lời phát biểu của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Thanh Phong rằng ông chia sẻ với người dân trong cơn mưa ngập lịch sử cũng như lời phân trần dù Thành phố rất nỗ lực chống ngập nhưng có những chuyện không thể giải quyết được, ông Dương, cư ngụ ở Gò Vấp nói:
“Những dự án đang triển khai theo nhu cầu cấp bách của dân sinh là có nhưng họ thi công quá là lâu. Họ cứ kéo dài hoài. Những cái cống chống ngập lụt nhưng công trình làm mấy năm nay cũng chưa xong thì làm sao có được hệ thống để thoát nước được? Qua tình huống (mưa) hôm nay thì các ông lãnh đạo có lẽ cần gấp rút hơn nữa. Các lãnh đạo phải lắng nghe những điều người dân đang nói.”
Điều người dân muốn nói với giới chức lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh, trong đó có những thính giả Đài Á Châu Tự Do, là suốt một thập niên qua, Thành phố đã đầu tư hơn 24 ngàn tỷ đồng cho các dự án chống ngập cùng lời tuyên bố của lãnh đạo trong tương lai sẽ không ngập; vậy tương lai đó là bao giờ khi mà các chuyên gia lên tiếng rằng thiết kế tổng thể hệ thống thoát nước của thành phố đến năm 2020 là thiếu kiến thức chuyên môn?
Trong khi chờ đợi các thông tin minh bạch từ giới chức lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh thông báo đến người dân về các biện pháp khẩn trương chống ngập cho thành phố và qua những hỉ nộ ái ố trong các trận mưa lớn gây ngập lụt ở Sài Gòn, người dân Sài Thành an ủi nhau có lẽ dân chúng ở các vùng lũ lụt về thành phố lập nghiệp ngày càng nhiều, vì thế dòng lũ mến thương con người ở những vùng quê đó cũng kéo về hội tụ cho đỡ nhớ thương.

No comments:

Post a Comment