Theo BBC-29 tháng 9 2016
Đại diện Sứ quán Đức nói với báo chí Việt Nam rằng họ chưa có thông tin ông Trịnh Xuân Thanh đang ở đâu nên chưa đặt ra câu hỏi về việc dẫn độ nhân vật này.
Việt Nam trước đó loan báo khởi tố và truy nã quốc tế với ông Trịnh Xuân Thanh vì sai phạm làm thua lỗ gần 3.300 tỷ tại Tổng công ty Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.
Có tin đồn ông Thanh có thể đã trốn sang Đức.
Nhưng sáng 28/9, tại một cuộc họp báo ở Hà Nội, Phó Đại sứ - Trưởng phòng lãnh sự - Trưởng Phòng Kinh tế, TS Wolfang Manig, nói Đức không có thông tin.
Phóng viên Việt Nam đã hỏi nếu ông Thanh bị bắt tại Đức, hai nước sẽ làm gì để dẫn độ ông này.
Việt Nam và Đức chưa ký kết hiệp định hợp tác về dẫn độ tội phạm.
Nhưng TS Wolfang Manig trả lời, theo các tờ báo Việt Nam, rằng hiện không rõ ông Thanh đang ở đâu, vì vậy chưa đặt ra câu hỏi về việc dẫn độ.
Buổi họp báo vốn nhằm đánh dấu Quốc khánh Đức.
Ông Trịnh Xuân Thanh nguyên là Phó chủ tịch tỉnh Hậu Giang, cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị PVC.
Ngày 15/9, công an Việt Nam khởi tố vụ án hình sự "cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng", để điều tra khoản thua lỗ gần 3.300 tỷ tại Tổng công ty Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.
Tối 16/9, Bộ Công an phát lệnh khởi tố và truy nã quốc tế với ông Trịnh Xuân Thanh.
Cáo buộc sai phạm
Ông Trịnh Xuân Thanh được truyền thông Việt Nam nêu tên từ tháng Sáu, khi ông còn là Phó chủ tịch Hậu Giang và bị tố cáo được đưa đón bằng xe tư nhân Lexus LX570 giá 5 tỷ đồng, nhưng gắn biển xanh.
Ông cũng bị cáo buộc gây ra tình trạng thua lỗ ở PVC, nơi ông từng là lãnh đạo, nhưng vẫn được thuyên chuyển, bổ nhiệm.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu kiểm tra các sự việc trên.
Đến tháng Bảy, Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng Cộng sản kết luận ông có trách nhiệm cho việc thua lỗ khi ông lãnh đạo PVC giai đoạn 2007-2013.
Ủy ban này cũng nói việc ông Thanh “vẫn đề nghị” để chuyển về Bộ Công Thương và sau đó tỉnh Hậu Giang là thể hiện “thiếu trung thực, thiếu trách nhiệm và thiếu gương mẫu”.
Sau đó, ông Thanh không được giới thiệu tái cử Phó chủ tịch Hậu Giang và bị hủy tư cách đại biểu Quốc hội.
Khoản lỗ ở PVC giai đoạn 2011-2013 bị lật lại, với chỉ đạo của Thủ tướng yêu cầu điều tra.
Ngày 7/9, trong động thái gây ngạc nhiên, ông Trịnh Xuân Thanh, người đang bị Đảng Cộng sản điều tra, đã gửi đơn xin ra khỏi Đảng, theo truyền thông Việt Nam.
Trong ngày 7/9 trên mạng internet cũng loan đi tài liệu ba trang, tự nhận là báo cáo của ông Trịnh Xuân Thanh gửi Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
Mặc dù chưa rõ độ tin cậy của tài liệu này, nhưng nó được tung ra vào đúng ngày các báo chính thống tại Việt Nam đưa tin ông Thanh xin ra khỏi Đảng.
Trong văn bản này, người ký tên Trịnh Xuân Thanh nói ông xin ra khỏi Đảng vì “không tin vào sự chỉ đạo của đồng chí Tổng bí thư”.
Người ký tên này cũng chỉ trích rằng Đảng đã “gây áp lực cho cơ quan tố tụng, cơ quan thực thi pháp luật, dùng báo chí nói sai sự thật”.
Ngày 8/9, Ban Bí thư Đảng Cộng sản bỏ phiếu kín với kết quả 100% đồng ý khai trừ ông Thanh ra khỏi Đảng.
Chiều 16/9, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đến Hậu Giang thi hành quyết định khai trừ Đảng. Đến tối, công an Việt Nam tuyên bố khởi tố và truy nã ông Thanh.
Trước đó, ngày 19/8, ông Thanh gửi đơn lần hai xin nghỉ một tháng đến đầu tháng 9 để đi nước ngoài trị bệnh. Kể từ đó, tung tích của ông trở thành câu hỏi.
No comments:
Post a Comment