HÀ NỘI (NV) – Sẽ có khoảng 371,000 người mất việc khi chính quyền Việt Nam nâng mức nộp bảo hiểm xã hội. Chưa kể hàng loạt tác động bất lợi khác và giới lãnh đủ vẫn là những người lao động nghèo.
Giống như nhiều quốc gia khác, tại Việt Nam, bảo hiểm xã hội là một kênh nhận đóng góp từ các nơi sử dụng nhân lực và cá nhân đang đi làm rồi chi trợ cấp nhằm hỗ trợ cho những người thất nghiệp, hưu trí,…
Do hàng loạt sai lầm trong việc hoạch định chính sách lao động và an sinh xã hội (cho nghỉ hưu quá sớm, mức đóng góp quá thấp trong khi lương hưu trả cho các viên chức của hệ thống công quyền và sĩ quan của lực lượng vũ trang quá cao, cho chính quyền Việt Nam vay đến 5% tổng nợ quốc gia và bị nợ đến nay chưa trả,…), người ta dự đoán, bốn năm nữa, Quỹ Bảo Hiểm Xã Hội Việt Nam bắt đầu thâm thủng và đến 2034 sẽ vỡ!
Ðể tránh thảm trạng này, chính quyền Việt Nam đề ra hai giải pháp chính, một là nâng tuổi nghỉ hưu đối với nữ giới từ 55 lên 60 và đối với nam giới từ 60 lên 62. Tăng mức nộp bảo hiểm xã hội,…
Cho dù phải có giải pháp nhằm bảo vệ và duy trì Quỹ Bảo Hiểm Xã Hội Việt Nam nhưng các chuyên gia cảnh cáo, việc nâng tuổi nghỉ hưu trong bối cảnh tỉ lệ thanh niên thất nghiệp càng ngày càng cao sẽ khiến khả năng thanh niên tìm được việc làm giảm nhiều hơn. Mặt khác, nâng mức nộp bảo hiểm xã hội sẽ đẩy các doanh nghiệp đến chỗ phải cho nghỉ việc hàng loạt để giữ cho chi phí không tăng, khả năng cạnh tranh không giảm.
Hồi giữa tuần này, Viện Nghiên Cứu Phát Triển Mekong (MDRI) tổ chức một cuộc tọa đàm về “tác động của việc điều chỉnh mức nộp bảo hiểm xã hội đối với người lao động và doanh nghiệp.” Theo đó, mức mà các doanh nghiệp đang phải trích nộp cho đủ thứ quỹ được thiết lập nhằm bảo đảm an sinh xã hội đã tương đương 24% tổng quỹ lương, nếu nâng mức nộp bảo hiểm xã hội lên cao hơn thì các doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp ngoại quốc đang hoạt động tại Việt Nam chỉ còn cách giảm người để hạn chế chi phí gia tăng.
Cũng vì vậy, ngay sau khi nâng mức nộp bảo hiểm xã hội, trong giai đoạn đầu, số lượng người mất việc sẽ khoảng 371,000 người. Về lâu dài, doanh nghiệp khó mà kềm giữ chi phí, thành ra giá sản phẩm, dịch vụ sẽ tăng, khả năng cạnh tranh tất nhiên sẽ suy giảm, kéo theo sự suy giảm của tốc độ tăng trưởng kinh tế.
Ông Nguyễn Việt Cường, viện phó MDRI, cảnh báo thêm rằng, việc nâng mức nộp bảo hiểm xã hội sẽ khiến các doanh nghiệp phải tính toán cách thức đối phó. Cách dễ nhất để tránh tác động của việc nâng mức nộp bảo hiểm xã hội là chuyển đa số nhân viên, công nhân của họ từ lao động chính thức sang lao động làm việc theo thời vụ. Tình trạng việc làm của nhiều người sẽ trở thành bấp bênh, mất hết các loại phúc lợi.
Cần nhắc lại rằng, tỉ lệ phải đóng góp cho Quỹ Bảo Hiểm Xã Hội tại Việt Nam vốn đã từng được xem là cao đến phi lý. Các doanh nghiệp đang phải đóng cho Bảo Hiểm Xã Hội Việt Nam đến 18% trên tổng quỹ lương, còn cá nhân thì phải đóng cho bảo hiểm xã hội đến 8% trên tổng thu nhập. Chưa kể, ngoài bảo hiểm xã hội, tính trên tổng quỹ lương, các doanh nghiệp còn phải nộp thêm 3% cho bảo hiểm y tế, 2% cho hệ thống công đoàn nhà nước, 1% cho bảo hiểm thất nghiệp.
Những cá nhân đang đi làm cũng không khá hơn, họ bị ép phải đóng đến 10.5% tổng thu nhập. Ngoài việc phải nộp 8% tổng thu nhập cho bảo hiểm xã hội, những cá nhân đang đi làm phải nộp 1.5% cho bảo hiểm y tế, 1% cho bảo hiểm thất nghiệp và 1% cho hệ thống công đoàn nhà nước.
Hồi giữa năm nay, ông Trương Văn Cẩm, tổng thư ký Hiệp Hội Dệt May Việt Nam, khẳng định, chính sách hiện hành tại Việt Nam về bảo hiểm xã hội và phí công đoàn đã ngốn của cả doanh giới lẫn người đang đi làm đến 35%.
Mức này dẫn đầu Ðông Nam Á, cao hơn các quốc gia khác từ ba đến bảy lần. Lúc đó, ông Cẩm nhấn mạnh, do tiền lương tối thiểu tăng liên tục, bảo hiểm xã hội và phí công đoàn thì dựa trên lương nên “gánh” đó càng lúc càng nặng, doanh giới không thể kham nổi nữa!
Ðó cũng là lý do số doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế càng ngày càng nhiều. Khoản nợ càng lúc càng lớn. Năm ngoái, sau một cuộc thanh tra về việc đóng bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế, Thanh tra của chính phủ Việt Nam cho biết, chỉ thanh tra 1,261 doanh nghiệp không đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế “trong một thời gian dài” thì khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế mà những doanh nghiệp này còn thiếu đã lên tới 1,440 tỉ đồng.
Tổng số tiền mà các doanh nghiệp còn thiếu Bảo Hiểm Xã Hội Việt Nam có lúc từng được ước đoán là 8,000 tỉ đồng. Có lúc được ước đoán là chừng 11,000 tỉ đồng.
Ðó cũng là lý do cả chính quyền lẫn Bảo Hiểm Xã Hội Việt Nam lên án việc doanh giới không đóng đủ bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế là thiếu đạo đức, vô trách nhiệm. Tuy nhiên theo yêu cầu của nhiều giới, kết quả thanh tra hoạt động của Bảo Hiểm Xã Hội Việt Nam khiến người ta thấy cơ quan này cũng thiếu đạo đức và vô trách nhiệm không kém.
Năm 2014, cơ quan kiểm toán của chính quyền Việt Nam từng công bố kết quả một cuộc kiểm toán Bảo Hiểm Xã Hội Việt Nam, theo đó, tính đến năm 2013, việc lấy tiền trong Quỹ Bảo Hiểm Xã Hội cho các doanh nghiệp nhà nước vay đã làm Quỹ Bảo Hiểm Xã Hội mất trắng 1,052 tỉ đồng. Chưa kể so với năm 2007 thì đến năm 2013, chi phí cho việc quản lý quỹ này đã tăng gấp năm lần, tương đương 3% tổng thu.
Chưa biết Quỹ Bảo Hiểm Xã Hội Việt Nam sẽ còn hay vỡ nhưng bất kể quỹ này thế nào thì những người đang làm việc quần quật cũng chỉ mất chứ chẳng được gì. (G.Ð)
No comments:
Post a Comment