“Nhà” của một gia đình nghèo tại Việt Nam. Năm nào chính quyền Việt Nam cũng khoe thành tích phát triển và theo sau đó là mức độ nghiêm trọng của các thảm trạng xã hội càng ngày càng lớn. (Hình: Internet)
VIỆT NAM – Trong 4 năm tới, nợ của Việt Nam có thể sẽ ngốn đến 80% – 90% GDP, đó là ước đoán của ông Nguyễn Xuân Thành, chuyên gia kinh tế đang điều hành FETP – chương trình đào tạo chuyên viên về chính sách, một hình thức viện trợ về giáo dục của Hoa Kỳ ở Việt Nam.
Tại hội thảo về “Triển vọng kinh tế Việt Nam” diễn ra hồi giữa tuần này, do chi nhánh tại Việt Nam của Ngân Hàng HSBC và Hiệp Hội Doanh Nghiệp Hồng Kông tại Việt Nam đồng tổ chức, ông Thành nhấn mạnh, thông thường, nợ nần của các quốc gia chỉ chiếm chừng 30% GDP nhưng tỉ lệ này ở Việt Nam đã chạm mức 65% GDP.
Cho dù chính quyền Việt Nam đã áp dụng nhiều biện pháp nhằm giảm nợ nần nhưng ông Thành nhận định, những biện pháp đó khó khả thi vì trong khi các nguồn thu cho ngân khố giảm thì chi tiêu của hệ thống công quyền vẫn tăng chóng mặt.
Ông Thành nhấn mạnh, ở góc độ vĩ mô, kinh tế Việt Nam đang đối mặt với hai thách thức quan trọng. Về ngắn hạn thì đó là tỉ lệ nợ xấu – nợ không có khả năng thu hồi của hệ thống ngân hàng – quá cao và hiệu quả hoạt động của hệ thống này quá kém. Về trung hạn thì đó là thâm hụt ngân sách quá lớn, nợ nần tăng không ngừng và dường như chính quyền Việt Nam không kiềm giữ được.
Càng ngày các chuyên gia kinh tế của Việt Nam càng tỏ ra bi quan về tương lai của kinh tế Việt Nam. Cuối tháng trước, khi tham dự buổi góp ý cho đề án gia tăng khả năng cạnh tranh của Việt Nam, do Viện Nghiên Cứu Quản Lý Kinh Tế tổ chức, nhiều chuyên gia kinh tế của Việt Nam, nhận định, nguồn lực dành cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đã kiệt.
Một số chuyên gia này nhấn mạnh, do quản lý tồi, chính sách viển vông, nông nghiệp – một trong những trụ cột của kinh tế Việt Nam đã bị “dồn đến chân tường,” nông dân trên toàn Việt Nam, từ đồng bằng sông Hồng đến đồng bằng sông Cửu Long nay không còn đường sống.
Nhiều chuyên gia khuyến cáo, muốn giải quyết vấn nạn kinh tế thì trước hết phải giải quyết những vấn nạn ngoài kinh tế, ví dụ như sự cồng kềnh và hoạt động thiếu hiệu quả của hệ thống công quyền. Theo họ, số người hưởng lương từ ngân sách vẫn càng ngày càng lớn và dân chúng không còn sức để nuôi “các ông, các bà” này. Trong khi kinh tế suy sụp vì chính sách thì chính sách vẫn tiếp tục được soạn thảo bởi một đội ngũ hình thành từ những cá nhân mua quan, bán tước, thiếu cả tư cách lẫn năng lực.
Lúc đó, ông Lê Xuân Bá, cựu viện trưởng Viện Nghiên Cứu Quản Lý Kinh Tế, nhấn mạnh, cải cách bộ máy công quyền là phải cải cách trên diện rộng, chấm dứt việc dùng công quỹ để trả lương cho cán bộ các tổ chức, đoàn thể chính trị như: Đoàn Thanh Niên Cộng Sản, Tổng Liên Đoàn Lao Động, Hội Liên Hiệp Phụ Nữ,… Tuy nhiên ông Bá không đề cập đến việc chấm dứt dùng công quỹ để trả lương cho các viên chức của đảng CSVN – tổ chức chính trị cồng kềnh, ngốn nhiều tiền nhất.
Bàn tới cải tố cơ chế, một chuyên gia khác tên là Võ Đại Lược tin rằng các kế hoạch, nỗ lực cải tổ sẽ không hiệu quả vì Việt Nam chưa thiết lập được cơ chế kiểm soát quyền lực. Cơ chế hiện nay dung dưỡng tệ nạn mua quan, bán tước và như thế thì làm sao hệ thống công quyền có thể tuyển dụng được nhân tài (?).
Ông Nguyễn Đình Cung, viện trưởng Viện Nghiên Cứu Quản Lý Kinh Tế, cam kết, chắc chắn bản thảo của đề án nhằm gia tăng khả năng cạnh tranh của Việt Nam sẽ phải ghi nhận một cách rõ ràng rằng, Việt Nam chưa thay đối suy nghĩ và nhận thức, vẫn chần chừ, do dự trong việc cải tổ, chuyển nền kinh tế từ kế hoạch hóa tập trung sang thị trường. Đó cũng là lý do nền kinh tế thị trường tại Việt Nam méo mó, trở thành chỗ dung dưỡng cho tham nhũng, các băng nhóm, việc phân bổ nguồn lực bị sai lệch, lãng phí, kém hiệu quả. (G.Đ)
No comments:
Post a Comment