Saturday, August 13, 2016

Bộ Ngoại Giao Mỹ: Tự do tôn giáo ở Việt Nam vẫn ảm đạm



Hòa Thượng Thích Không Tánh, trụ trì chùa Liên Trì, trước ngôi chùa mà chính quyền Việt Nam liên tục dọa đập bỏ. (Hình: Phạm Lê Vương Các)
Hòa Thượng Thích Không Tánh, trụ trì chùa Liên Trì, trước ngôi chùa mà chính quyền Việt Nam liên tục dọa đập bỏ. (Hình: Phạm Lê Vương Các)
HÀ NỘI (NV) – Bộ Ngoại Giao Mỹ vừa công bố bản “Báo cáo về tự do tôn giáo toàn cầu năm 2015” trong đó liệt kê hàng loạt những vấn đề đáng ngại về tự do tôn giáo tại Việt Nam.
Giống như hiến pháp của nhiều quốc gia khác, hiến pháp của Việt Nam cũng minh định công dân có quyền tự do tín ngưỡng và tôn giáo. Tuy nhiên cách hành xử của chính quyền Việt Nam đối với quyền tự do tín ngưỡng và tôn giáo chỉ dựa trên những qui định nằm ngoài hiến pháp và nhân danh “an ninh quốc gia” để đặt định đủ thứ hạn chế.
Cho đến nay, chính quyền Việt Nam vẫn giành quyền xem xét – công nhận các cộng đồng tín ngưỡng có phải là “tổ chức tôn giáo” hay không. Tại Việt Nam hiện có 38 cộng đồng tín ngưỡng, theo 14 tôn giáo được công nhận là “tổ chức tôn giáo.” Hai trong số 38 cộng đồng tín ngưỡng “chưa được công nhận hoàn toàn!”
Ngay cả khi đã được công nhận, các tổ chức tôn giáo vẫn phải xin phép trong nhiều hoạt động. Các hoạt động liên quan tới giáo dục, y tế vẫn bị hạn chế.
Thành viên của những cộng đồng tín ngưỡng không được công nhận là “tổ chức tôn giáo” thường xuyên bị sách nhiễu, bao gồm hạn chế đi lại, hành hung, giam giũ ngắn hạn hoặc dài hạn, phạt tù,…
Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ còn lưu ý rằng, cách hành xử của chính quyền Việt Nam đối với quyền tự do tín ngưỡng và tôn giáo không đồng nhất giữa các tôn giáo, giữa các khu vực, đặc biệt khắc nghiệt đối với những tín đồ là người thiểu số cư trú tại Tây Bắc, Tây Nguyên. Hai khu vực vừa kể là nơi xảy ra nhiều vụ hành hung, phá hủy tài sản, bắt giữ chỉ vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo.
Theo Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ thì viên chức một số tỉnh đã công khai đàn áp hoạt động tín ngưỡng của các nhóm tôn giáo không chấp nhận để chính quyền Việt Nam áp đặt sự quản lý về nhân sự lãnh đạo, đào tạo. Ở nhiều tỉnh, việc thực hiện các thủ tục nhằm được công nhận là “tổ chức tôn giáo” chỉ dậm chân tại chỗ.
Tín đồ của các tổ chức tôn giáo được chính quyền “công nhận” không thể sinh hoạt chung trong những hoạt động thuần túy tôn giáo do các tổ chức tôn giáo “không được chính quyền công nhận” tổ chức cho dù có cùng tín ngưỡng (Phật giáo, Tin Lành, Cao Đài, Hòa Hảo).
Nhà thờ Thủ Thiêm, chùa Liên Trì ở quận 2, Sài Gòn đã được nêu ra như ví dụ cho tình trạng trạng cơ sở tín ngưỡng của các tôn giáo vẫn bị đe dọa bởi những “quy hoạch” bất kể tính chất của nó.
Báo cáo về tự do tôn giáo toàn cầu năm 2015 cho biết, khi gặp gỡ các viên chức chính quyền Việt Nam, cả tổng thống lẫn ngoại trưởng Hoa Kỳ đều đã từng kêu gọi tiếp tục cải thiện tự do tôn giáo ở Việt Nam. Các viên chức ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam vẫn đang hối thúc chính quyền Việt Nam để các tổ chức tôn giáo đã được công nhận hoạt động tự do hơn và tôn trọng các cộng đồng tôn giáo độc lập như Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, Cao Đài, Hòa Hảo,… chưa “đăng ký hoạt động.” (G.Đ)

No comments:

Post a Comment