Monday, August 1, 2016

Đương sự ‘xin giam’ chứ không bắt giữ bất hợp pháp

Ba người bị công an giam viết “đơn” tố cáo việc bị bắt giữ bất hợp pháp, bị tra tấn, và ép nhận tội. (Hình: Thanh Niên)
Ba người bị công an giam viết “đơn” tố cáo việc bị bắt giữ bất hợp pháp, bị tra tấn, và ép nhận tội. (Hình: Thanh Niên)
QUẢNG TRỊ (NV) – Công an Việt Nam lại tự biến mình thành đề tài để dân chúng đàm tiếu sau khi phân bua như thế trước cáo buộc đã bắt giữ ba thanh niên ở Cam Lộ, Quảng Trị, bất hợp pháp.
Tối 21 Tháng Bảy, dân chúng xã Cam An, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị, bao vây trạm công an Sòng để tìm một sĩ quan công an lạm dụng quyền lực – dí roi điện vào hai thanh niên trong xã khi cả hai phản đối chuyện vô cớ chặn xe, đòi xuất trình giấy tờ một cách tùy tiện.
Công an huyện Cam Lộ đã phải điều động nhân sự đến giải vây cho trạm công an và đó cũng là lý do ba người đàn ông, Trần Văn Cường, Bùi Minh Trang, và Bùi Minh Trường, bị bắt.
Cả ba người này bị giam năm ngày thì được thả vì công an huyện Cam Lộ không chứng minh được là cả ba đã “gây rối trật tự công cộng” và “chống người thi hành công vụ.”
Sau khi được thả, cả ba đương sự cùng tố cáo công an huyện Cam Lộ bắt giữ họ trái pháp luật (không có bất kỳ thứ giấy tờ nào liên quan đến việc được phép bắt hay tạm giam, tạm giữ). Đáng chú ý là cả ba khẳng định họ cùng bị còng vào ghế hoặc xích vào bàn, bị đánh, ép phải nhận là đã “kích động” đám đông,… nhưng họ cương quyết phủ nhận nên công an không thành công.
Theo luật tố tụng hình sự hiện hành thì việc tạm giam để điều tra phải có lệnh, biên bản. Những lệnh, biên bản này phải được viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn. Chuyện bắt giữ ba người này trong năm ngày thiếu tất cả những thứ giấy tờ bị buộc phải có đó.
Cũng vì vậy, công an huyện Cam Lộ phân bua là chỉ thực hiện “tạm giữ hành chính” đối với các đương sự. Tuy nhiên, theo luật tố tụng hình sự hiện hành thì việc “tạm giữ hành chính” chỉ có thể thực hiện trong vòng 12 tiếng, đối với một số trường hợp đặc biệt thì không được quá 48 tiếng.
Nếu đây là trường hợp đặc biệt thì trong năm ngày bị giam, ít nhất cả ba cũng đã bị bắt giữ bất hợp pháp ba ngày.
Lúc bị truy vấn về sự việc, công an huyện Cam Lô tiếp tục phân bua rằng, sở dĩ ba người này ở trong trụ sở công an huyện Cam Lộ thêm ba ngày là vì cả ba cùng có “đơn” xin ở lại trụ sở, “hợp tác” với công an, điều tra vụ “gây rối trật tự công cộng” và “chống người thi hành công vụ” xảy ra tại trạm công an. “Đơn” của cả ba xác định một cách rất rõ ràng rằng họ… “tự nguyện.”
Khi được hỏi về những tờ “đơn” xin ở lại, “hợp tác” với công an nhằm giúp công an buộc tội chính mình, cả ba người bị bắt khẳng định, họ bị ép làm những tờ đơn đó và đành chấp nhận viết “đơn” để không bị tra tấn thêm! Nhiều luật sư khẳng định có đủ dấu hiệu cho thấy công an huyện Cam Lộ đã bắt giữ người bất hợp pháp và có thể xem những tờ “đơn” mà ba người xin ở lại, “hợp tác” với công an, nhằm giúp công an điều tra – buộc tội cả ba, mà công an đang dùng để chống chế cho việc bắt giữ người bất hợp pháp, chính là một loại bằng chứng, chứng tỏ tố cáo của cả ba về việc bị công an tra tấn, ép nhận tội là có cơ sở.

Trước sự chỉ trích kịch liệt của công chúng, tuy chưa đưa ra kết luận đúng sai, viện trưởng viện kiểm sát huyện Cam Lộ thừa nhận, không có quy định nào cho phép công an giam giữ công dân khi họ có “đơn” tự nguyện ở lại trụ sở của công an để “phục vụ điều tra.” (G.Đ.)
31-07-2016

No comments:

Post a Comment