Sunday, July 17, 2016

Đất nước thời "lạm phát" quan

Lã Yên

Ảnh: Khiều
Một đất nước mà quan nhiều hơn dân, bảo tại sao không nghèo, không nợ, dân không khổ. Một đất nước có nhiều tiến sĩ làm quan nhưng vẫn cứ mãi tụt hậu so với bước tiến của nhân loại (Hà Nội cán bộ phường cũng có bằng tiến sĩ). Phải thừa nhận không dân nước nào khỏe như người dân Việt Nam, trông gầy còm ốm nhom thế nhưng vẫn đủ sức làm để đóng thuế nuôi bộ máy hành chính khổng lồ, Đảng và các đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội (2,8 triệu công chức, 11 triệu người hưởng lương từ ngân sách).
Nước Mỹ thu nhập bình quân đầu người 51.248,21 USD, Việt Nam thu nhập bình quân đầu người 2.200 USD. Nhưng 160 dân Mỹ nuôi 1 công chức, còn Việt Nam 40 người dân phải nuôi 1 công chức.
Theo phản ánh của báo Giáo dục, Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa có đến 8 phó giám đốc (đã có 6 mới bổ nhiệm thêm 2). Trước đó, báo cáo của sở nội vụ tỉnh Thanh Hóa cho biết, cấp huyện đang xảy ra tình trạng thừa phó phòng, cụ thể: TP. Thanh Hóa dư thừa 53 Phó phòng, Huyện Triệu Sơn thừa 32 Phó phòng, Huyện Thiệu Hóa thừa 20 Phó phòng, Huyện Tĩnh Gia thừa 17 Phó phòng, Huyện Yên Định thừa 12 Phó phòng, Huyện Quảng Xương thừa 7 Phó phòng, Huyện Thạch Thành thừa 17 Phó phòng. Cấp xã, phường dư thừa 161 phó chủ tịch.
Theo quy định tại Thông tư liên tịch số 14/2015/TTLT-BNNPTNT-BNV, ngày 25/3/2015 (có hiệu lực kể từ ngày 1/5/2015), Điều 3 về cơ cấu tổ chức quy định rõ: “Số lượng Phó Giám đốc Sở không quá 3 người”. Nghĩa là sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Thanh Hóa hiện tại có 6 phó giám đốc đã dư 3 nay lại bổ nhiệm thêm 2 là cớ làm sao?
Gây sốc nhất là Thành phố Thanh Hóa dư tới 53 phó phòng. Thật không thể tin nổi, chuyện thật mà cứ ngỡ như đùa.
Không biết nhiều cấp phó vậy sẽ phân bổ công việc thế nào.
Nhắc đến Thanh Hóa, chợt nhớ năm 2012, một câu chuyện đã làm kinh động đến cả Trung ương, người dân cả nước bàng hoàng.
Đó là, chuyện một xã có 500 cán bộ - xã Quảng Vinh (huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa), xã có 15 thôn, hơn 2.000 hộ với 9.500 người. Trong đó số hộ nghèo có tới 30,6%. Tất cả phụ cấp cho những cán bộ cấp thôn đều được tính bằng thóc Người dân làm ra 5 tạ thóc thì mất 1 tạ phí. Trong báo cáo giải trình với Thủ tướng, Chủ tịch UBND Thanh Hóa nói nguyên nhân là do cơ chế - Theo quy định của Trung ương số lượng cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa như sau: Cán bộ cấp xã là 6.648 người, công chức cấp xã là 6.552 người, người hoạt động không chuyên trách là 29.520 người, trong đó ở cấp xã là: 11.394 người, ở thôn là 18.126 người. Tổng số 42.720 người (Theo dân trí, 11/07/2012). Nghĩ mà kinh.
Trở lại câu chuyện một Sở có 8 cấp phó, dựa vào đâu mà Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa bổ nhiệm thêm hai cấp phó trong khi đang thừa 2 người? Chắc rằng việc bổ nhiệm một Phó giám đốc sở, Chủ tịch tỉnh ông Nguyễn Đình Xứng không thể tự quyết nếu không được thường vụ tỉnh ủy đồng ý. Nghĩa là bí thư tỉnh ủy phải biết. Tại sao không ai phản đối biết rỏ đó là sai.
Không chỉ ở Thanh Hóa, phố núi Gia Lai mới đây cũng nổi lên giữ kỷ lục về việc cơ quan có nhiều lãnh đạo nhất, Theo phản ánh từ báo Dân trí, Sở Xây dựng Gia Lai có 33 cán bộ, nhân viên thì trong đó có tới 17 người là cán bộ. Gồm 1 Giám đốc, 4 Phó Giám đốc, 12 Phó, Trưởng phòng. Sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch có 45 cán bộ, nhân viên nhưng có đến 21 lãnh đạo (1 Giám đốc, 5 Phó Giám đốc, 15 Phó, Trưởng phòng).
Việc thừa cấp phó không phải có một vài hiện tượng mà dường như là phổ biên, Thành phố Hà Nội thừa 27 phó phòng, Hà Tĩnh lãnh đạo cấp sở ban ngành cũng thừa 17 cấp phó, Quảng Ngãi cũng dư khoảng 20 Phó chủ tịch xã, Nghệ An, vừa qua sở nội vụ tỉnh này cũng vừa phát hiện thừa gần 200 Phó Chủ tịch xã.
Không chỉ ở địa phương, ngay cả ở Trung ương cũng lạm phát cấp phó, 22 Bộ nhưng có đến 135 thứ trưởng, đứng đầu là Bộ Tài Chính và Bộ GTVT với 7 người thứ trưởng.
Chỉ mới thống kê qua thôi nhưng con số đủ để làm chấn động mọi người. Bởi từ cổ chí kim, ngay cả thời phong kiến, thực dân đô hộ, chưa bao giờ có chuyện lạ đời như vậy, từ Trung ương đến địa phương, nơi nào cũng thừa "quan". Có lẽ những người viết lịch sử phải chép lại để con cháu đời sau biết có một thời như thế.
Trong lúc Chính phủ đang thực hiện chủ trương đẩy mạnh việc tinh giảm biên chế, tinh gọn bố máy hành chính nhưng ở các địa phương toàn đi ngược lại, chổ này lập phòng ban mới, chổ kia bổ nhiệm thêm chức danh. Biết là có 30% công chức "cắp ô" chỉ hưởng lương chứ không làm việc nhưng không sao loại bỏ được. Xem ra việc giảm biên chế lại như cái vòng tròn luẫn quẩn.
Đất nước quan nhiều thì dân sẽ khổ, nước sẽ nghèo. Chắc chắn là vậy. Lúc này cần phải có giải pháp quyết liệt mới giải quyết tận gốc vấn đề. Có vậy, dân mới dễ sống một chút.
Sử cũ chép rằng, Trần Khánh Dư tuy là một tướng có tài nhưng ông cũng nổi tiếng về tính "con buôn", ông từng nói với vua Trần rằng "Tướng là chim ưng, dân lính là vịt, dùng vịt để nuôi chim ưng thì có gì là lạ?".
Xét về tình hình hiện nay của đất nước đúng là thế.
16/07/2016

No comments:

Post a Comment