Theo BBC-7 giờ trước
Một văn bản của nhà cầm quyền Việt Nam ở Thành phố Hồ Chí Minh gửi trụ trì một ngôi chùa Phật giáo ở địa phương hôm 16/7 viết ‘không có cơ sở để điều chỉnh quy hoạch giữ lại' ngôi chùa và 'không còn lựa chọn khác’.
Trước đó, hôm 9/7, vị trụ trì ngôi chùa Liên Trì ở TP Hồ Chí Minh xác nhận với BBC về việc chính quyền ra thông báo quyết định cưỡng chế thu hồi đất cơ sở này từ ngày 8 đến 20/7.
Chùa Liên Trì tọa lạc tại phường An Khánh, Quận 2, là một trong các cơ sở còn sót lại của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất từ trước 1975, Giáo hội không được Chính quyền Việt Nam hiện nay thừa nhận.
Hòa thượng Thích Không Tánh, trụ trì tại chùa Liên Trì, từng bị Tòa án Nhân dân TP. Hồ Chí Minh tuyên phạt hồi năm 1995 cùng với Hòa thượng Thích Quảng Độ, một nhân vật bất đồng chính kiến nổi tiếng, với mức án mỗi người 5 năm tù về tội 'phá hoại chính sách đoàn kết' và 'lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước'.
Văn bản đóng dấu ‘Khẩn’ do ông Nguyễn Hoài Nam, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Quận 2 ký gửi Hòa thượng Thích Không Tánh và Thượng tọa Thích Đồng Minh hôm 16/7 ghi:
“Đối với cơ sở thờ tự chùa Liên Trì, từ năm 2009 đến nay, các cấp quận 2 đã nhiều lần tiếp xúc, vận động, thuyết phục về bồi thường, trợ giúp và tái bố trí, vật dụng chính sách tối đa”.
“Diện tích được tái bố trí lớn hơn diện tích đang sử dụng tại khu quy hoạch dân cư có đầy đủ cơ sở hạ tầng, tiền bồi thường đủ để xây dựng lại khang trang hơn”.
“Tuy nhiên, [nhà chùa] không có sự hợp tác, không đạt được kết quả nên [chính quyền] buộc phải áp dụng biện pháp hành chính để di dời”.
“Việc phải áp dụng biện pháp hành chính di dời là không mong muốn, không còn lựa chọn nào khác”.
“Ủy ban Nhân dân quận 2 tiếp tục đề nghị nhà chùa thực hiện việc tự di dời cơ sở thờ tự, nếu có yêu cầu gì trong việc di dời thì đề nghị có ý kiến bằng văn bản”, văn bản viết.
'Buồn rầu'
Hôm 17/7, trả lời BBC, Hòa thượng Thích Không Tánh nói:
“Nhà chùa đang rất bối rối, các tăng sư rất buồn rầu, sinh bệnh mấy ngày nay. Phần vì các Phật tử đổ dồn về nhận lại tro cốt người thân theo khuyến cáo của chính quyền. Phần vì cách đây mấy ngày, chính quyền đã cử người đến dự tính áp tải các tăng sư và tượng Phật ra khỏi chùa trước ngày 20/7”.
“Do Liên Trì không phải là chùa tư nhân mà là trụ sở của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất tại Thủ Thiêm, nhà chùa vẫn giữ lập trường không chấp nhận di dời dù có được bồi thường bao nhiêu tiền”.
Hôm 8/7, Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư Khu đô thị mới Thủ Thiêm phát đi thông báo về việc mời người dân liên hệ cơ sở thờ tự chùa Liên Trì để nhận lại các hũ tro cốt, di ảnh của người thân.
“Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư Khu đô thị mới Thủ Thiêm thông báo cho các hộ gia đình và cá nhân là thân nhân của các hũ tro cốt, di ảnh đang gửi thờ tại cơ sở thờ tự chùa Liên Trì thuộc Khu đô thị mới Thủ Thiêm đến liên hệ cơ sở thờ tự chùa Liên Trì để nhận lại các hũ tro cốt, di ảnh”, thông báo được báo Công An TP Hồ Chí Minh đăng tải.
“Trường hợp các hộ gia đình và cá nhân là thân nhân có nhu cầu gửi hũ tro cốt, di ảnh thờ tại các chùa khác trên địa bàn quận 2, đề nghị liên hệ Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quận 2 để được hỗ trợ và hướng dẫn cụ thể”.
Trước đó, hôm 23/6, hàng chục nhà hoạt động và Phật tử đã đến chùa Liên Trì ở TP Hồ Chí Minh sau khi có tin 'nơi này bị chính quyền cưỡng chế'.
Hội đồng Liên Tôn Việt Nam, một tập hợp các nhân vật thuộc nhiều tổ chức tôn giáo khác nhau tại Việt Nam, trong thông cáo hôm 23/6 viết:
"Việc giải tỏa Chùa Liên Trì của nhà cầm quyền đã có dự tính từ lâu nhằm triệt hạ những cơ sở tôn giáo độc lập không chịu nằm dưới sự kiểm soát của chính quyền. Tuy nhiên, do áp lực của công luận của quốc tế, họ đã tạm thời chưa thực hiện chờ cơ hội thuận tiện."
Tại thời điểm ấy, Hòa thượng Thích Không Tánh nói với BBC:
“Có thể một trong những lý do khiến chính quyền tìm mọi cách cưỡng chế, giải tỏa chùa là vì lâu nay vẫn diễn ra các hoạt động ‘ngoài luồng’ như phát quà cho thương phế binh của chế độ cũ, trợ giúp dân oan mất đất hay họp mặt các cựu tù chính trị hoặc các hội đoàn xã hội dân sự”.
“Phía công an nói là không thích những việc này và nhiều lần đề nghị nhà chùa không tiếp tục làm. Tuy vậy, chúng tôi thấy đây là những việc nhân đạo, ích lợi cho xã hội nên không thể không ủng hộ”.
Ngoài Chùa Liên Trì còn có hai cơ sở của Công giáo là Nhà thờ Thủ Thiêm và Tu viện Mến Thánh giá cũng nằm trong diện bị giải tỏa ở Thủ Thiêm.
No comments:
Post a Comment