Vịnh Cam Ranh có vai quyết định đối với cục diện Biển Đông, Hoàn Cầu (TQ) trích lời báo chí phương Tây.
Sáng 23/5, thời điểm Tổng thống Mỹ Barack Obama bắt đầu chuyến thăm chính thức Việt Nam, truyền thông Trung Quốc lên khá nhiều tin bài đề cập trực tiếp hoặc gián tiếp đến sự kiện này.
Trong đó, bài viết của Thời báo Hoàn Cầu thể hiện thái độ lo ngại trước sự đánh giá cao của thế giới đối với vị thế đang ngày càng được nâng cao của Việt Nam thông qua chuyến thăm củaTổng thống Obama.
Đặc biệt, tờ báo có khuynh hướng diều hâu này tỏ thái độ hằn học trước khả năng Việt - Mỹ tăng cường hợp tác, cũng như việc báo chí thế giới đề cao vai trò Vịnh Cam Ranh thời gian gần đây.
"Nếu bạn ngồi ở Lầu Năm Góc, chỉ có một quốc gia có thể trở thành đối tác quân sự và là nhân tố quan trọng trên vấn đề Biển Đông, đó chính là Việt Nam", Hoàn Cầu dẫn bình luận của hãng truyền thông Deutsche Welle (Đức) hôm 22/5.
Cũng theo nguồn này, trong các quốc gia liên quan đến Biển Đông, thực lực quân sự củaPhilippines - một đồng minh quân sự của Mỹ quá yếu. Indonesia và Trung Quốc lại không có tranh chấp lãnh thổ. Malaysia và Brunei cũng né tránh xảy ra xung đột với Trung Quốc.
Hoàn Cầu dẫn lời tờ báo Đức cho rằng, đối với Washington, chỉ có Việt Nam mới là đối tác tiềm năng quan trọng để cân bằng với Trung Quốc.
Bài viết trên Hoàn Cầu đặc biệt nhấn mạnh vào vai trò của Cam Ranh. Tờ này dẫn thông tin từ New York Times: "Bóng ma của cuộc chiến tranh Việt Nam cuối cùng đã phai nhòa tại cảng chiến lược Cam Ranh... Vịnh Cam Ranh có ý nghĩa chiến lược cực kỳ quan trọng trong vấn đề Biển Đông".
Nếu nhận được quyền lợi "có thể ra vào thường xuyên" tại vịnh này (nằm ở phía Tây) và kết hợp với căn cứ quân sự ở Philippines (nằm ở phía Đông), Mỹ sẽ hình thành thế gọng kìm vững chãi để kìm hãm thế lực của Trung Quốc trên Biển Đông, Hoàn Cầu nhận định.
Sau khi đưa ra những nhận định cho thấy rõ sự lo ngại, Hoàn Cầu trở lại bản chất "tiểu nhân đắc chí" khi mượn lời của một trang báo tư nhân nhỏ của Hàn Quốc mà tự mãn cho rằng:
"Do Trung Quốc sẽ cực lực phản đối nên Việt Nam sẽ có bước đi cẩn trọng trong vấn đề này.Nếu vì vấn đề Vịnh Cam Ranh mà mất đi mối quan hệ kinh tế với Trung Quốc, Việt Nam có thể sẽ tổn hại ít nhiều".
Tờ này cũng cho hiển thị những ý kiến bình luận mang tính hiếu chiến, diều hâu của độc giả để bổ sung cho quan điểm của mình. Một trong số đó lớn tiếng hô hào "Trung Quốc phải có chế tài kinh tế với Việt Nam".
Một ý kiến khác huênh hoang trơ trẽn rằng "Trung Quốc đã cơ bản hoàn thiện 'Vạn lý trường thành' trên Biển Đông, nên không cần lo ngại Cam Ranh".
Theo Thế giới trẻ
No comments:
Post a Comment