Thursday, December 29, 2016

Tương lai của Vietsovpetro là một dấu hỏi

Một mỏ dầu tại thềm lục địa Việt Nam. (Hình: Tuổi Trẻ)
VIỆT NAM – Liên doanh khai thác, thăm dò dầu khí giữa Việt Nam và Nga, thường gọi tắt là Vietsovpetro được thành lập cách nay 35 năm (1981). Dẫu chỉ khi thác tài nguyên để bán nhưng Vietsovpetro đang lụn bại.
Vietsovpetro vừa chính thức công bố, năm nay, liên doanh này chỉ thu về được $1.7 tỷ và chỉ có thể nộp cho ngân sách của Việt Nam $683 triệu. Đây là con số thấp chưa từng thấy.
Năm ngoái, doanh thu bán dầu của Vietsovpetro là $2.19 tỷ, khoản tiền mà liên doanh này nộp cho ngân sách của Việt Nam là $998.4 triệu. Tính ra, so với năm ngoái, doanh thu bán dầu của Vietsovpetro giảm $490 triệu. Khoản mà Vietsovpetro nộp cho ngân sách Việt Nam giảm $315.4 triệu.
Giống như Tập Đoàn Dầu Khí Việt Nam (PVN), Vietsovpetro bảo rằng, cả doanh thu, lợi nhuận, lẫn khả năng đóng góp cho ngân sách Việt Nam sụt giảm vì giá dầu trên thế giới giảm sâu, giá bán trung bình cho cả năm chỉ khoảng $45/thùng, thấp hơn $9/thùng so với giá bán trung bình của năm ngoái ($54/thùng). Đó là chưa kể sản lượng tự nhiên của các mỏ đang suy giảm, hệ thống khai thác xuống cấp nhanh vì đã sử dụng nhiều năm.
Cũng theo Vietsovpetro thì do kinh doanh khó khăn, năm nay, liên doanh này đã sa thải 500 người, thu nhập trung bình của những người còn lại tiếp tục giảm thêm 20% so với năm ngoái.
Đầu năm nay, Vietsovpetro từng loan báo rằng, kết thúc năm ngoái, liên doanh lâu đời này mất cân đối tài chính $200 triệu.
Có lẽ cần nhắc lại rằng, xuất cảng dầu thô là một trong những nguồn thu chính của Việt Nam nhưng trong vài năm gần đây, giá dầu thô trên thị trường thế giới liên tục sụt giảm. Cũng vì vậy, cả PVN lẫn Vietsovpetro cùng lao đao.
Cuối tháng trước, Tổng Cục Thống Kê của Việt Nam từng loan báo, nguồn thu từ xuất cảng dầu thô có thể sẽ chỉ đạt khoảng 60% mức dự trù sẽ thu được từ nguồn này.
Hồi đầu tuần này, khi tổng kết về tình hình Việt Nam trong năm 2016, ông Nguyễn Xuân Phúc, thủ tướng Việt Nam, cho rằng, năm nay có chín nan đề. Đứng đầu nhóm nan đề đó là nguồn thu cho ngân sách từ lĩnh vực khai khoáng sụt giảm mạnh.
Chưa có số liệu cuối cùng nhưng năm nay, chắc chắn Việt Nam lại bội chi vài trăm ngàn tỷ đồng (số liệu thống kê của mười tháng đầu năm cho thấy, Việt Nam chỉ mới thu được 72% mức ngân sách dự trù phải thu cho cả năm, trong khi bội chi của mười tháng đầu năm là 188,000 tỷ).
Để bù đắp sự thiếu hụt do nguồn thu sụt giảm trầm trọng, chính quyền Việt Nam đẩy mạnh việc vay nợ. Năm nay, chính quyền Việt Nam đã vay thêm ít nhất 281,000 tỷ đồng thông qua phát hành trái phiếu, tăng 53% so lượng trái phiếu đã phát hành năm ngoái. Bên cạnh đó, chính quyền Việt Nam cố gắng tăng thêm nguồn thu bằng cách gia tăng thu tiền sử dụng đất và bán các doanh nghiệp nhà nước. Tuy nhiên theo một số chuyên gia kinh tế, những giải pháp đó chỉ có thể giúp bù đắp thiếu hụt trong khoảng hai năm là… hết! (G.Đ)

No comments:

Post a Comment