Ảnh: CafeF
Năm 2016 kết thúc không chỉ bằng tình trạng khốn quẫn về nợ công, nợ xấu và cạn kiệt ngân sách, mà ngay cả nguồn vốn ODA cho Việt Nam cũng bị các tổ chức tài chính quốc tế siết lại.
Trong năm 2016, một hiện tượng đặc biệt đã xảy ra: dù được xem là “chỉ đạo quyết liệt và mạnh mẽ”, nhưng tỷ lệ giải ngân các dự án ODA đã ký trong 11 tháng đầu năm 2016 chỉ đạt ở con số 72.2% kế hoạch. Có tới 12 bộ, ngành và một số địa phương giải ngân chưa đạt 50% kế hoạch.
Theo tính toán của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), nếu tình hình giải ngân không được cải thiện, hàng năm Việt Nam sẽ mất khoảng 100 triệu USD chi phí cơ hội.
Một trong những nguyên nhân chính về giải ngân ODA chậm là ngân sách Việt Nam không đủ để cung ứng vốn đối ứng – thường chiếm khoảng 15-20% tổng vốn vay – theo điều kiện của hợp đồng vay vốn ODA.
Vào những năm trước khi tiền ngân sách còn tương đối dồi dào, nhiều bộ ngành và tỉnh thành còn được quyền tự phân bổ ngân sách trong dó có vốn đối ứng cho các dự án ODA. Tuy nhiên từ cuối năm 2015 khi bắt đầu xảy ra triệu chứng các cơ quan đảng ở Cà Mau và Bạc Liêu hết sạch tiền, căn bệnh sạch túi đã lan nhanh sang các bộ ngành và địa phương khác.
TP.HCM dù được coi là “bò sữa” của trung ương, nhưng năm 2016 cũng bị trung ương cắt giảm nguồn thu ngân sách đến 5%, tức tỷ lệ thu ngân sách mà thành phố này còn được giữ lại chỉ còn 18%, tất nhiên không đủ để chống ngập và thậm chí để trả lương, chưa nói đến việc cung cấp vốn đối ứng cho các dự án ODA.
Trong khi đó, rất nhiều địa phương như Khánh Hòa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa… đã quá bê bối với loại dự án chi xài vô tội vạ xây dựng trụ sở hành chính và tượng đài từ hàng ngàn đến hàng chục ngàn tỷ đồng. Do đó dễ hiểu là khi dự án ODA cần đến vốn đối ứng, nhiều địa phương đã không còn bất kỳ khoản tiền nào để đắp vào.
Từ tháng 7/2017 trở đi, Việt Nam sẽ phải vay ODA với lãi suất không còn ưu đãi những vài chục năm trước, mà ngang giá với thị trường quốc tế, cùng thời gian vay không còn ân hạn như trước đây. Nguồn vốn ODA đã vay sẽ phải chuyển sang điều khoản trả nợ nhanh gấp đôi, hoặc tăng lãi suất lên 2-3.5%/năm. Đối với các cơ quan nhà nước, điều này dấy lên lo ngại nếu không đẩy nhanh việc giải ngân 22 tỷ USD vốn vay ODA, áp lực gia tăng nợ công sẽ rất lớn, cả về thời gian và lãi suất.
Hình ảnh hiện thời không khác mấy mỡ treo miệng mèo. Tuy được quảng cáo vẫn còn đến 22 tỷ USD nguồn ODA, nhưng Việt Nam không những phải trả lãi suất cao từ năm 2017, mà còn phải móc tiền ngân sách để trả một phần lãi do chậm giải ngân dự án ODA.
Từ nhiều năm qua, ODA đã trở thành một trong những quốc nạn về tham nhũng. Tỷ lệ thất thoát bình quân tại nhiều dự án ODA được đồn đoán khoảng 20 – 25%. Nhưng đó chỉ là mức “hợp pháp”. Thậm chí tỷ lệ “lại quả” ODA còn vọt đến 40% – được chứng thực bởi một dự án xây dựng trường tiểu học ở Hà Tĩnh và giai đoạn 2009 – 2010.
Lê Dung / SBTN
No comments:
Post a Comment