HÀ NAM (NV) – Thêm một người bị kết án chung thân với cáo buộc giết người được “tạm đình chỉ” thi hành án mà gia đình kiên nhẫn kêu oan khắp các cửa công quyền của chế độ suốt 24 năm qua.
Ông Trần Văn Vót được “Tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù” tính từ ngày 7 Tháng Mười Hai, 2016 của bán án tù chung thân ông đã bị áp đặt từ năm 1993 đến nay, tội danh giết người. Không riêng gì gia đình ông, ngay cả gia đình có người chết (gọi là “bị hại”) trong một vụ nổ lựu đạn xảy ra vì tranh chấp đất đai giữa hai làng ở huyện Lý Nhân tỉnh Hà Nam, cũng góp phần kêu oan cho ông Vót.
Hệ thống tư pháp của chế độ Hà Nội từ trên xuống dưới đều cả quyết ông Trần Văn Vót “không oan” dù chỉ căn cứ trên lời khai nhận của ông ta sau những trận tra tấn thừa chết thiếu sống của điều tra viên CSVN.
Ông Vót bị bệnh lao phổi nặng, “đa kháng thuốc, tăng huyết áp tiên lượng rất nặng” cho nên ông được thả cho về nhà để chờ chết và chế độ Hà nội được tiếng “nhân đạo.” Trước đó, ngày 19 Tháng Mười, 2016, tòa án tối cao ở Hà Nội họp báo để thông tin về vụ án của ông Vót, nói rằng “Kết quả rà soát của liên ngành các cơ quan tư pháp Trung ương cho thấy có đủ cơ sở khẳng định ông Vót không bị oan như đơn kêu oan ông và gia đình trong những năm qua.”
Vụ án Trần Văn Vót và một số người khác bắt nguồn từ vụ tranh chấp đất đai dẫn đến xô xát giữa hàng trăm người dân hai khu vực Thanh Nga và Nhân Phúc thuộc xã Phú Phúc, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam hồi năm 1992. Trong chuyện này, có một ai đó ném quả lựu đạn vào đám đông làm một người tên Trần Hoa Việt, dân Nhân Phúc, thiệt mạng và 21 người khác bị thương.
Năm tháng sau khi vụ án xảy ra, ông Trần Văn Vót bị bắt và bị cáo buộc giết người liên quan đến vụ nổ lựu đạn vừa kể. Từ đó đến nay, không riêng gì cá nhân ông Vót và gia đình ông ta, cả gia đình “bị hại” tức cả người chết và bị thương, cùng hàng trăm người dân xã Phú Phúc vẫn đi kêu oan cho ông Vót và một số người khác cũng bị kết án tù.
Trong các lá đơn kêu oan, họ đã liệt kê hàng loạt các điểm mâu thuẫn như hôm xảy ra vụ án, ông Trần Văn Vót, Trần Ngọc Thanh có chứng cứ ngoại phạm nhưng không được tòa xem xét. Tại các phiên xử, các bị cáo khai đều khai rằng bị bức cung, nhục hình ở trại giam nên mới nhận tội. Trong phiên xử, họ đồng loạt kêu oan nhưng không được chấp nhận. Tòa án kết tội chỉ căn cứ vào lời khai của các bị cáo khác mà không có chứng cứ. Có nhiều người làm chứng cho việc các bị cáo bị oan nhưng lại không được các cơ quan tố tụng cứu xét.
Trong một phiên họp ở quốc hội, bà đại biểu Trần Thị Quốc Khánh đặt nghi vấn việc cơ quan tố tụng của chế độ đã vi phạm Bộ luật hình sự và Bộ luật tố tụng hình sự khi điều tra xét xử.
Ông Trần Văn Vót được tạm tha cho về nhà chờ chết chỉ là một số rất ít có thể đếm trên vài đầu ngón tay trong hàng ngàn hàng vạn vụ án tại Việt Nam mà các bản án đều chỉ căn cứ vào kết quả tra tấn nhục hình.
Theo thống kê của bộ công an, trong ba năm (từ 2011- 2014) có khoảng 226 người bị chết bất thường tại nơi bị tạm giam, tạm giữ. Lý do của những cái chết đầy nghi vấn này được giải thích rằng, nạn nhân chết do “tử tự, chết do tập thể dục quá sức…” Nhưng dư luận cho rằng họ đã bị tra tấn ép cung chết. Nhiều gia đình nạn nhân đã đi khiếu nại từ địa phương đến trung ương vì thi thể thân nhân của họ đầy đấu tích tra tấn nhục hình, nhưng đều bị đẩy cho chìm xuồng. (TN)
No comments:
Post a Comment