Wednesday, December 7, 2016

Tiền chính phủ Việt Nam vay dân tiếp tục gia tăng

Kinh tế suy thoái, ngân sách thất thu, bội chi liên tục, liên tục vay để chi tiêu và để trả nợ, Việt Nam càng ngày chìm càng sâu trong nợ. (Hình: TBKTSG)
HÀ NỘI (NV) – Trong 11 tháng vừa qua, chính phủ Việt Nam vay thêm 400 ngàn tỉ đồng. Ngoài 115 ngàn tỉ (khoảng 5.1 tỉ Mỹ kim) vay của ngoại quốc, 275 ngàn tỉ vay qua phát hành trái phiếu ở Việt Nam.
Dù lún sâu trong nợ nhưng vì ngân sách thất thu trầm trọng, trong khi chi tiêu tăng không ngừng, chính phủ Việt Nam chỉ còn một cách là tích cực vay mượn để duy trì hoạt động của hệ thống công quyền.
Nếu so giá trị khối lượng trái phiếu đã phát hành tại Việt Nam trong cả năm trước với giá trị khối lượng trái phiếu đã phát hành tại Việt Nam trong 11 tháng vừa qua thì năm nay, khoản chính phủ Việt Nam vay qua hình thức phát hành trái phiếu đã tăng thêm 44%.
Bộ Tài Chính Việt Nam xác nhận, đối tượng chính tiêu thụ trái phiếu do chính phủ Việt Nam phát hành vẫn là hệ thống ngân hàng thương mại – kênh tiếp nhận tiền do dân chúng gửi để lấy lãi. Nói cách khác, hệ thống này đang giữ vai trò trung gian trong chuyện chính phủ Việt Nam vay mượn dân chúng để chi tiêu.
An ninh tài chính của Việt Nam càng ngày càng bấp bênh.
Hồi cuối tháng trước, chính phủ Việt Nam thú nhận chỉ mới thu được 72% mức ngân sách dự trù phải thu cho cả năm. Trong khi đó, bội chi của mười tháng đầu năm đã là 188,000 tỉ.
Một trong những nguồn thu chính của Việt Nam là xuất cảng dầu thô nhưng giá dầu thô trên thị trường thế giới không những không lên mà còn xuống. Theo Tổng Cục Thống Kê của Việt Nam, nguồn thu từ xuất cảng dầu thô giảm thêm 43% so với cùng kỳ năm ngoái nên dù chỉ còn hai tháng nữa là hết năm song chỉ mới đạt được 56% mức dự trù sẽ thu được từ nguồn này.
Tượng tự, do tác động của các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết, một nguồn thu quan trọng khác cho ngân sách của Việt Nam là thuế xuất-nhập cảng cũng sụt giảm trầm trọng. Ðến cuối tháng 10, nguồn thu từ thuế xuất-nhập cảng chỉ mới đạt được 65% mức dự trù.
Ðể bù đắp thiếu sự thiếu hụt do nguồn thu sụt giảm trầm trọng, ngoài việc đẩy mạnh việc vay nợ, chính quyền Việt Nam cố gắng tăng thêm nguồn thu bằng cách gia tăng thu tiền sử dụng đất và bán các doanh nghiệp nhà nước. Tuy nhiên theo một số chuyên gia kinh tế, những giải pháp này chỉ có thể giúp bù đắp thiếu hụt trong khoảng hai năm là… hết!
Giữa lúc chính quyền Việt Nam đang tìm nhiều cách để thu hút quỹ đầu tư ngoại quốc tham gia mua cổ phần các doanh nghiệp nhà nước để có thể thu về vài tỉ Mỹ kim, giải quyết sự nguy ngập về tài chính thì chưa có quỹ đầu tư ngoại quốc nào nhảy vào với số vốn từ 100 triệu Mỹ kim trở lên.
Cổ phần ế thì phải bán rẻ. Thu ít tiền thì khó giảm được bội chi và hạn chế vay nợ. Ðiều đó đồng nghĩa sẽ chìm sâu hơn trong nợ.
Quốc Hội Việt Nam từng xác định, chính phủ Việt Nam không được để nợ nần vượt quá 50% GDP nhưng trong bối cảnh như vừa kể, tháng trước, Quốc Hội Việt Nam đã cho phép chính phủ Việt Nam nâng mức nợ nần lên 54% GDP.
Hồi tháng 11 năm 2014, e ngại trước tình trạng nợ nần tăng vọt, ngân sách liên tục bội chi, Quốc Hội Việt Nam từng ban hành một nghị quyết, yêu cầu, từ 2015, chính phủ Việt Nam không được phát hành trái phiếu ngắn hạn và phải giảm mức vay đảo nợ (vay nợ mới để trả nợ cũ). Song đến cuối năm 2015, sau khi chính phủ Việt Nam dọa rằng, nếu không “đa dạng hóa kỳ hạn” (thực chất là cho phép tiếp tục bán trái phiếu ngắn hạn) thì không kiếm đủ tiền để chi tiêu và thực hiện các mục tiêu do chính Quốc hội Việt Nam đề ra. Cuối cùng, Quốc Hội Việt Nam đồng ý sửa Luật Quản Lý Nợ Công, cho phép phát hành trái phiếu quốc tế để lấy tiền trả các khoản vay trong nước, sửa nghị quyết để nới lỏng cơ chế cho phép vay vốn bằng trái phiếu – điều này có nghĩa là tiếp tục đồng ý cho phát hành trái phiếu ngắn hạn bất kể rủi ro cho an ninh, an toàn tài chính quốc gia gia tăng vì vay vừa xong, dự án đầu tư chưa sinh lợi đã phải lo trả nợ. (G.Ð)

No comments:

Post a Comment