Việt Nam chưa buông TPP
VOA-29.11.2016
Giữa lúc Tổng thống đắc cử Donald Trump của Mỹ đang chuẩn bị kết liễu hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương, chính phủ Việt Nam vẫn duy trì kế hoạch thúc đẩy 30 dự luật vốn được xây dựng để tuân thủ hiệp định TPP, trong đó có các luật về lao động, kinh doanh, ngoại thương và doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Bloomberg dẫn lời ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Việt Nam, phát biểu rằng “Chúng tôi sẽ tiếp tục tiến hành những gì chúng tôi có kế hoạch làm. Chúng tôi cần cải thiện công nghệ và quản trị doanh nghiệp. Điều đó rất quan trọng”.
Lâu nay Việt Nam được xem là một trong những nước có thể hưởng lợi nhiều nhất từ TPP, với triển vọng tiếp cận được nhiều thị trường hơn cho các loại hàng hóa sản xuất ở Việt Nam, từ quần áo, giày dép cho đến hàng điện tử.
Tuy vậy khi TPP bị đình trệ, Việt Nam không mất tất cả mọi thứ. TPP đã giúp tạo đà cho những thay đổi về cơ cấu ở đất nước có hơn 90 triệu dân này.
Ông Phạm Trọng Nghĩa, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật của Quốc hội, nói với Bloomberg rằng TPP đã nâng cao nhận thức của những thành phần chủ chốt như quan chức chính phủ, các chủ lao động, công đoàn, người lao động và công chúng về tác động của thương mại tự do. Các chủ doanh nghiệp dường như cũng muốn duy trì đà cải cách do TPP tạo ra.
Ông Alan Pham, kinh tế gia trưởng của VinaCapital, công ty quản lý quỹ đầu tư lớn nhất Việt Nam, nói TPP có thể là một lộ trình cho Việt Nam khi đất nước hội nhập hơn vào kinh tế toàn cầu. Ông nói: “Có TPP hay không, Việt Nam sẽ vẫn cải cách. Hiệp định này rất có ích để chính phủ và doanh nghiệp Việt Nam biết cần tiến hành những bước gì để thực sự trở thành một phần trong nền kinh tế toàn cầu”.
Hồi tháng trước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói ngay cả khi TPP thất bại, Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục hội nhập quốc tế nhiều hơn với 12 hiệp định thương mại tự do khác đã ký.
TPP gồm 12 nước trong đó có Việt Nam, Mỹ, Canada, Nhật, Úc và một số nước khác, nhưng không có Trung Quốc. Khối này được cho là sẽ chiếm khoảng 40% sản lượng kinh tế toàn cầu hay 30 nghìn tỷ đôla nếu hiệp định TPP có hiệu lực.
Theo Bloomberg, VietnamNet
No comments:
Post a Comment