Không tháo nổi chiếc “vòng kim cô” học để thi, ngành GD nước Việt chắc chắn vẫn có thể bị rớt, không qua nổi cánh cửa hội nhập văn minh.
Ấn tượng nhất với xã hội tại phiên chất vấn kỳ họp QH vừa qua có lẽ là Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) Phùng Xuân Nhạ. Ông nhận được câu hỏi của 49 ĐB, 18 ĐB đã tranh luận với câu trả lời của ông. Số lượng câu hỏi và số ĐB tranh luận lại với Bộ trưởng GD và ĐT cho thấy độ “nhạy cảm” của giáo dục (GD)- một lĩnh vực rộng lớn liên quan đến số phận hàng triệu người Việt trẻ tuổi, liên quan đến hạnh phúc hoặc nỗi thất vọng của mọi gia đình, ra sao.
Mỗi câu hỏi của các ĐBQH về các chủ đề GD cho thấy nỗi lo lắng của chính họ, không chỉ là đại diện cho dân, mà còn là của các bậc ông bà, cha mẹ. Những câu trả lời của ông Bộ trưởng GD và ĐT cũng rất chân thành. Nhưng người viết bài lại thấy GD sẽ khó mà trở thành nguồn lực phát triển của quốc gia, chừng nào còn luẩn quẩn trong một cái “vòng kim cô”. “Vòng kim cô” đó là gì?
“Ú òa” và “sức dầu gió”
Chú ý theo dõi, những câu hỏi và quan tâm nhiều nhất của các ĐB vẫn xoay quanh chuyện dạy thêm học thêm, thi trắc nghiệm, học sinh học quá tải v..v… vừa bi lại vừa hài. Bi vì những câu hỏi đặt ra cho ngành GD thật ra rất xưa cũ, đã từng là câu hỏi của cả XH gần 30 chục năm qua, nhưng nay vẫn tiếp tục được đặt ra. Điều này cho thấy ngành GD có vẻ như hồn nhiên chơi trò “ú òa”, bởi chưa bao giờ trả lời dứt điểm và thỏa mãn cho XH những vấn đề này, bằng quan niệm và giải pháp của ngành mình.
Tỷ như câu hỏi của ĐBQH Nguyễn Thị Quyết Tâm (t/p HCM), Cao Thị Xuân (Thanh Hóa) về vấn nạn dạy thêm: Không cấm dạy thêm học thêm là đúng, nhưng phải cấm tình trạng lợi dụng dạy thêm học thêm gây bức xúc xã hội. Một số thầy cô không dạy hết nội dung chương trình ở lớp mà để về nhà dạy, hoặc là khi kiểm tra học sinh thì lại kiểm tra kiến thức dạy thêm.
Tỷ như câu hỏi của ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận), của ĐBQH Nguyễn Anh Trí (Hà Nội), Hồ Thị Minh (Quảng Trị) nhức nhối trước hiện tượng 191.000 sinh viên ra trường, thất nghiệp vì không xin được việc làm, gây lãng phí nguồn lực. Đại biểu Phạm Quang Dũng (Nam Định) còn thẳng thắn: Ngành GD nhiều năm cải cách mà chất lượng GD vẫn tệ như vậy, thua cả những năm 60-70 của thế kỷ trước. Chúng tôi là những người sử dụng lao động, bây giờ sinh viên ra trường không viết nổi cái công văn, cái giấy mời. Chúng tôi phải đào tạo lại 3-5 năm sau thì mới tạm được.
Và hài vì có ĐB hỏi về thi trắc nghiệm nhưng dường như không hiểu những quy định tối thiểu về đề thi trắc nghiệm. Tỷ như ĐB Nguyễn Thị Nguyệt Nga (Hải Dương): Các cháu đi thi về nói với tôi rằng chỉ thích thi trắc nghiệm. Phòng thi của các cháu chọn ra một bạn học giỏi nhất, cho bạn đó sức dầu gió rất nhiều, để khi trả lời trắc nghiệm thì cứ phương án một bạn ấy ho một tiếng, phương án hai thì ho hai tiếng, cả phòng thi sẽ tích theo các phương án mà bạn ấy ho.Trong quy chế thi không ai cấm thí sinh… ho. Như vậy đây có phải là phương án tốt hay không?
Một chủ trương không còn mới, nhưng cơ sở GD nào đó đã không nắm được nguyên tắc đề thi trắc nghiệm (có rất nhiều mã đề, và học sinh ngồi cạnh nhau không cùng một mã). Vậy thì tiếng ho của trò vô tình “tố cáo” ngành GD ở các địa phương hiểu và triển khai chủ trương thi trắc nghiệm… ra răng?
Cho dù Bộ trưởng GD và ĐT Phùng Xuân Nhạ khá cầu thị, khi ông liên tục nhận trách nhiệm, hứa hẹn, nhưng làm sao những vụ việc GD nhức nhối đó có thể được “hóa giải” nếu bản chất của ngành GD hiện nay không gỡ nổi “vòng kim cô” khắc nghiệt của chính mình. Đó là “học để thi”- mà không phải “học để làm”? Liệu Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ có nhìn ra được cái “vòng kim cô” này không? Hay ông cũng lại… đồng cảm?
Chính cái “vòng kim cô” học để thi, khiến cho trẻ em từ lứa tuổi tiểu học đã phải học thêm học nếm rất cực, đến mức XH từng thốt lên: Trẻ em bị đánh cắp tuổi thơ. Dù ngành GD từng ban hành những văn bản hành chính nghiêm cấm. Bởi nếu không học thêm, dạy thêm, ngành lấy đâu thành tích điểm số cao? Để giáo viên chủ nhiệm báo công với hiệu trưởng? Để hiệu trưởng báo công với giám đốc sở? Để giám đốc sở báo công với chủ tịch tỉnh? Cái vòng báo công liên hoàn từ cấp thấp đến cấp cao, nó đã … “hành’ không thương tiếc đứa trẻ ở lứa tuổi đẹp nhất.
Ai có lỗi khi tự đeo “vòng kim cô” này cho ngành mình? Hay chính ngành GD?
“Vòng kim cô” học để thi đó cũng rất tinh vi mà đầy khiếm khuyết ở ngay bậc đào tạo nguồn nhân lực XH: Tuyển sinh “đầu vào” ĐH thì chen chúc, khắc nghiệt, nhưng các trường lại không kiểm soát được quá trình đào tạo, lại rất thiếu “hành” (thực hành, nghiên cứu, lao động sản xuất), tất yếu sẽ dẫn đến “đầu ra” không đáp ứng thị trường lao động, mặc dù điểm tốt nghiệp có thể rất cao.
Một ngành GD, dù có thể đưa đến con số đào tạo sinh viên/ đầu người không quá kém trong khu vực bằng các loại hình trường, vẫn có thể là một ngành GD “tụt hậu” và lãng phí so với nhu cầu thị trường lao động ngay trong nước, cũng bởi sự khác nhau ở hai chữ: Học “để thi” hay học “để làm” này đây!
Hơn 70 năm đã qua, tròn 30 năm đất nước đổi mới cơ chế quản lý, nhưng ngành GD vẫn còn phải tiếp tục… “sức dầu gió”.
Hiện tượng con đường mòn ấy
Cũng tại phiên chất vấn Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ không ít ĐB đặt câu hỏi về Đề án Ngoại ngữ 2020 và Bộ trưởng GD đã phải thừa nhận đề án này thất bại. Đến năm 2020 chắc chắn ngành không thể đạt được mục tiêu đã đề ra, do những mục tiêu đề án đều quá cao so với điều kiện, và thực tiễn các trường, các địa phương.
Đây không phải lần đầu tiên ngành GD thất bại ở một đề án cụ thể. Lịch sử phát triển GD Việt Nam đã trải qua 4-5 cuộc cải cách hoặc đổi mới GD, tuy có những kết quả nhất định, nhưng nhìn tổng thể, chưa cuộc CC hoặc đổi mới GD nào thực sự thành công và chưa bao giờ ngành GD bước ra khỏi “vòng kim cô” học để thi. Cuộc CC hoặc đổi mới GD nào cũng bắt đầu bằng chương trình, SGK và cuối cùng, cũng lại phải sửa đổi chính chương trình, SGK đó vì … quá tải. Đề án Ngoại ngữ 2020 lần này, mặc dù có đặc thù riêng là dạy tiếng nước ngoài cho học sinh, sinh viên, nhưng nếu thiếu phương tiện để thực hành, thiếu cả môi trường ngoại ngữ thường xuyên, thì sự thất bại, nếu có xảy ra, vẫn là chuyện của con đường mòn ấy.
Vì sao các cuộc CC hoặc đổi mới GD, thậm chí đến một đề án cụ thể- không thành công? Đó là công việc mổ xẻ của cả ngành GD, của các lãnh đạo có trách nhiệm.
Có điều, có một nguyên nhân không thể thiếu thuộc về cơ chế và những nguyên tắc quy định quản lý nhân sự và tài chính. Đề án dạy ngoại ngữ trên văn bản được đầu tư 9000 tỷ đồng, nhưng thực tế đến nay mới có hơn 3000 tỷ được giải ngân, các địa phương chi khoảng 1.600 tỷ. Cho dù thất bại, ngành GD nên công khai minh bạch số tiền của dự án chi tiêu ra sao, vì đây cũng là một số tiền thuế rất lớn của dân.
Mặt khác, cũng cần thấy một nghịch lý mà trên báo Giáo dục Việt Nam, Ts Nguyễn Văn Khải, ngày 15/11, nêu ra đã trở thành “truyền thống”. Đó là, ngành GD quản lý hệ thống, nhưng tiền và người thì không được quản. Mạnh vì gạo bạo vì tiền, mà ngành GD cả “gạo” (nhân sự) lẫn tiền đều không quản, thì… “nhát” phát triển cũng có phần dễ hiểu.
Đương nhiên, việc thất bại của đề án ngoại ngữ và việc không được làm chủ cả “gạo”, cả tiền là hai việc khác nhau.
Người viết bài không đưa ra dự báo gì, ngoài một dự báo chắc chắn, câu chuyện của ngành cho tới 5-10 năm sau rất có thể vẫn là… những câu hỏi cũ, cho dù ngành GD muốn lấy thi cử làm khâu đột phá. Cho dù Bộ trưởng GD Phùng Xuân Nhạ đã vượt qua bài thi vấn đáp tại nghị trường.
Nếu chấm điểm gây ấn tượng, Bộ trưởng GD có thể đã “thành công”.
Nhưng không tháo nổi chiếc “vòng kim cô” học để thi, ngành GD nước Việt chắc chắn vẫn có thể bị “rớt” không qua nổi cánh cửa hội nhập văn minh.
Có một “đốm sáng” GD đang được nhóm lên- đó là công trình dự thảo bộ sách Văn và Tiếng Việt từ lớp 1 đến lớp 9 của nhóm Cánh Buồm, do nhà giáo Phạm Toàn khởi xướng và “cầm lái” vừa ra mắt trong dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 vừa qua.
Với định nghĩa “GD phổ thông là tổ chức sự trưởng thành của thanh thiếu niên cả dân tộc”, công trình bộ sách Văn và Tiếng Việt của nhóm Cánh Buồm nhằm cung cấp cho thầy trò nhà trường phổ thông phương pháp dạy và học không phải “học để thi” mà là “học cho mình” (giáo viên tổ chức hướng dẫn và làm các thao tác mẫu ban đầu, học sinh tự làm –học, cùng nhau đánh giá kết quả). Mục tiêu mà Cánh Buồm hướng tới là thanh thiếu niên hết lớp 9 có thể vững vàng vào đời, có thể tự kiếm sống, đi học nghề, hoặc học tiếp THPT, chuẩn bị cho bậc ĐH, thực chất là sự phân luồng khôn ngoan và khéo léo.
Nhưng công trình dự thảo của Cánh Buồm có… no gió không, lại trông chờ vào sự tiếp sức của ngành GD, và vào “bến đỗ” của các trường học phổ thông ra sao?
|
Kỳ Duyên
No comments:
Post a Comment