Thủ tướng Mã Lai Najib Razak và thủ tướng Trung Quốc họp với nhau ở Bắc
Kinh ngày 1 Tháng Mười Một. (Hình: Jason Lee-Pool/Getty Images)
Hôm Thứ Năm 3 Tháng Mười Một, sau khi nghe tin về các thỏa thuận riêng giữa Malaysia và Trung Quốc về cách giải quyết tranh chấp chủ quyền biển đảo trên Biển Đông khi ông thủ tướng Mã Lai Najib Razak đến Bắc Kinh ký kết nhiều thỏa hiệp, Bộ Ngoại Giao Hà Nội cho phát ngôn viên phản ứng nêu lập trường của Việt Nam, gián tiếp bày tỏ sự thất vọng.
“…Việc giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế và thông qua các biện pháp hòa bình, cụ thể hơn là các tiến trình giải quyết tranh chấp ở Biển Đông trên tinh thần tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 cũng như các tiến trình ngoại giao và pháp lý khác.”
Ông Lê Hải Bình, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao CSVN, được báo chí trong nước thuật lời phát biểu, lặp lại lập trường của Hà Nội không thay đổi về cách giải quyến tranh chấp chủ quyền biển đảo.
Dịp này, ông Lê Hải Bình cũng lặp lại cho biết “lập trường nhất quán của Việt Nam” là “các vấn đề tranh chấp liên quan đến song phương thì giải quyết qua kênh song phương. Còn các vấn đề liên quan đến đa phương, có nhiều bên thì phải giải quyết thông qua nhiều bên.”
Khi đến thăm viếng Trung Quốc một tuần lễ từ ngày đầu Tháng Mười Một, ông Razak và chính phủ của ông đã ký kết một loạt 14 hiệp ước cũng như bản ghi nhớ với Bắc Kinh nhiều mặt từ kinh tế đến quân sự, trị giá hơn $34 tỷ. Trong đó, gồm cả việc Malaysia sẽ mua của Trung Quốc bốn hộ tống hạm.
Ca ngợi các thỏa hiệp này, tờ Hoàn Cầu Thời Báo hí hửng nói rằng đây là dấu hiệu cho thấy Mỹ ngày càng mất dần ảnh hưởng ở ASEAN, nơi Mỹ đang cố lôi kéo các nước ASEAN thành một liên minh chống lại chủ trương bá quyền bành trướng mà nhiều nhà phân tích thấy đang có ý muốn nuốt trọn Biển Đông.
Theo tin các hãng thông tấn, điều làm Việt Nam quan tâm nhất của chuyến thăm viếng Bắc Kinh của ông Razak là Malaysia cam kết sẽ cùng với Bắc Kinh đàm phán song phương để giải quyết tranh chấp Biển Đông.
Hà Nội cùng quan điểm với Mỹ là các tranh chấp chủ quyền lãnh thổ khi có nhiều nước cùng có tuyên bố về một khu vực thì phải đàm phán đa phương. Hà Nội cũng từng vận động các thành viên ASEAN để thành một liên minh chung đối diện với Bắc Kinh với tiếng nói tập thể mạnh mẽ hơn, có trọng lương hơn. Nhưng nay lại thêm hành động xé lẻ của Malaysia.
Chỉ hai tuần lễ trước, khi đến Bắc Kinh, Tổng Thống Philippines Rodrigo Duterte cũng nói rõ rằng ông phản đối sự can thiệp của các nước khác vào Biển Đông: “Tôi không muốn các nước khác tham gia vào đàm phán mà chỉ muốn nói chuyện trực tiếp với Trung Quốc.”
Tranh chấp chủ quyền quần đảo Trường Sa và các vùng biển phụ cận, ngoài Trung Quốc và Đài Loan, còn có Việt Nam, Philippines, Brunei và Malaysia. Bây giờ, chỉ còn thấy có Việt Nam muốn đàm phán đa phương với Trung Quốc trong khi Brunei là một nước nhỏ chỉ thỉnh thoảng tuyên bố chủ quyền một phần nhỏ mà cũng không hề thấy có hành động gì khác. (TN)
No comments:
Post a Comment