Saturday, November 5, 2016

Việt Nam: Máu đổ, người chết, mới xét giao đất

 
 Trang bị của công ty Long Sơn cho “lực lượng bảo vệ rừng” của mình. Mũ cứng, khiên, gậy và cả dao vứt ở hiện trường được gom lại sau vụ nổ súng ngày 23 Tháng Mười. (Hình: Báo Pháp Luật TP.HCM)

VIỆT NAM (NV) – Nếu không có đất, mỗi gia đình ở xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông sẽ được cấp 1.000 mét vuông đất làm nhà, hai héc ta đất sản xuất, 30 héc ta đất rừng để trồng rừng.
Đó là dự định của chính quyền tỉnh Đắk Nông vừa được ông Lê Diễn, bí thư tỉnh Đắk Nông loan báo thông qua một cuộc phỏng vấn với tờ Pháp Luật TP.HCM.

Dự định vừa kể nảy sinh không từ những toan tính vì “quốc kế, dân sinh.” Nó nhằm xoa dịu công luận sau khi có ba người chết, 15 bị thương và một số cá nhân mất tự do vì phản kháng sự phi lý của các dự án giao rừng.

Kể từ khi “giao rừng” cho các doanh nghiệp, cá nhân thực hiện những “dự án nông-lâm nghiệp” là “chủ trương lớn của đảng, nhà nước,” nhiều người nghèo từng “đổ mồ hôi, sôi nước mắt,” chịu đựng đủ thứ thiếu thốn, cực nhọc khi khai hoang, lập vườn, lập rẫy đột nhiên trắng tay vì vườn, rẫy của họ vốn là đất rừng, giờ được đảng, nhà nước chính thức giao cho nơi khác, người khác sử dụng. Việc “giao rừng” cho các doanh nghiệp và cá nhân vốn vô lý, tùy tiện nhưng đảng, nhà nước chưa bao giờ thèm xem xét chủ trương bất nhân và đáng ngờ này.

Hôm 23 Tháng Mười, “giao rừng” đã tạo thêm một thảm án ở xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông.

Năm 2008, một công ty có tên là Long Sơn được giao 1,000 héc ta đất rừng. Từ đó, công ty này liên tục tổ chức thu hồi đất được giao cho mình. Vì đất mà công ty Long Sơn được “giao” là nhà, là vườn, là rẫy của nhiều gia đình nên họ kêu cứu nhiều lần nhưng chính quyền từ địa phương tới trung ương không cứu xét.

Đó là lý do xung đột giữa công ty Long Sơn và dân chúng địa phương xảy ra liên tục. Công ty Long Sơn liên tục giành phần thắng vì có tiền tổ chức “lực lượng bảo vệ rừng” hùng hậu và sắm các phương tiện hỗ trợ chuyên dùng như xe ủi để thực hiện các đợt giải tỏa, thu hồi đất. Theo báo chí Việt Nam thì có rất nhiều người trong số dân chúng địa phương bị đánh trọng thương, một số tàn phế vĩnh viễn khi chống lại “lực lượng bảo vệ rừng” của công ty Long Sơn.

Ngày 23 Tháng Mười, công ty Long Sơn tổ chức một đợt giải tỏa, thu hồi đất nữa. Khi xe ủi bắt đầu ủi một vườn điều, tiến hành giải tỏa thu hồi đất lần thứ ba thì có khoảng năm người dân dùng súng tự chế bắn vào “lực lượng bảo vệ rừng” của công ty Long Sơn. Ba nhân viên trong “lực lượng bảo vệ rừng” của công ty Long Sơn chết tại chỗ, 15 nhân khác bị thương nặng.

Vụ phản kháng trở thành scandal. Báo chí nhập cuộc. Chuyện đầu tiên mà báo chí phát giác là công ty Long Sơn thuê cả những đứa trẻ nghèo, chưa thành niên vào “lực lượng bảo vệ rừng” của mình. Chúng được khuyến khích đập phá, tấn công và một trong những đứa trẻ này đã uổng mạng. Một trong những “sát thủ” đã liên lạc với báo giới, trần tình về việc tại sao ông ta bị đẩy đến chỗ giết đồng loại và nhờ báo giới sắp đặt để đầu thú với Bộ Công An Việt Nam chứ không chịu trình diện công an tỉnh Đắk Nông.

Cũng vì vậy mà nhiều tình tiết liên quan đến chuyện dân chúng bị o ép ra sao khi chính quyền tỉnh Đắk Nông giao đất cho công ty Long Sơn bị phơi bày…

Các viên chức từ xã, huyện đến tỉnh nay xác định công ty Long Sơn sai khi tự tiện tổ chức giải tỏa, thu hồi đất. Không viên chức nào giải thích tại sao công ty Long Sơn có thể công nhiên làm sai suốt tám năm và mắt họ nằm ở đâu, tai họ ở vị trí nào khi dân liên tục kêu oan suốt chừng đó năm.

Công ty Long Sơn giờ đã trở thành đối tượng bị điều tra. Ngoài những nông dân bị đẩy đến chỗ phải nổ súng và những cá nhân được biệt đãi giao hàng ngàn héc ta rừng sẽ phải đối diện với “công lý.” Chưa có dấu hiệu nào cho thấy sẽ có viên chức nào phải chịu trách nhiệm.

Ngoài bí thư tỉnh Đắk Nông sắm vai “đèn giời” soi xét một chuyện giống như… ngoài phạm vi trách nhiệm của mình, ông Ngô Thanh Danh, phó bí thư tỉnh Đắk Nông, cũng vừa mới khẳng định với báo giới rằng “trách nhiệm là của chính quyền địa phương, tỉnh chủ trương không bao che ai cả, tập thể, cá nhân nào có trách nhiệm đều phải bị xử lý.”

Cần lưu ý là trước khi làm phó bí thư tỉnh Đắk Nông, ông Danh là bí thư huyện Tuy Đức – nơi công ty Long Sơn đã tiến hành các vụ giải tỏa thu hồi đất suốt tám năm qua.

Người ta mới nghe ông Đức nhận định về chủ trương “giao rừng.” Theo đó, hiệu quả của các dự án nông lâm nghiệp không cao, “rừng thì mất, đất thì bị lấn chiếm, mua bán trái pháp luật gây ra nhiều hệ lụy, di dân tự do đến Tây Nguyên ngày càng nhiều, áp lực lớn trong xóa đói, giảm nghèo, học tập, chữa bệnh, đi lại, ảnh hưởng không nhỏ đến quản lý đất đai, quản lý rừng, quản lý địa bàn, quản lý dân cư…” Ông Đức nói thêm là cần thực hiện nghiêm một nghị quyết của Quốc Hội Việt Nam về việc gia tăng quản lý đất đai có nguồn gốc từ nông trường, lâm trường quốc doanh. (G.Đ)

No comments:

Post a Comment