Liêu Thái/Người Việt
VIỆT NAM (NV) – Trong lúc này, sau lũ lụt ở Bắc miền Trung, đồng nghĩa với cái đói bao nhiêu, thì nỗi buồn vì thiếu gạo, thiếu quần áo lại là nỗi buồn, nỗi lo khôn nguôi của người dân vùng biên cương Tây Bắc của Việt Nam.
Tây Bắc là vùng miền núi phía tây của miền Bắc Việt Nam, có chung đường biên giới với Lào và Trung Quốc. Về mặt hành chính, vùng Tây Bắc gồm 6 tỉnh với diện tích trên 5.64 triệu ha với 3.5 triệu dân bao gồm: Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai và Yên Bái.
Tây Bắc có thể nói là biên cương chứ không cần phải nói là biên giới hay giáp giới gì. Bởi hơn bao giờ, người dân vùng Tây Bắc luôn trong tình trạng đề phòng kẻ ngoại xâm và sống cực khổ, chịu đựng mọi thứ. Trong khi đó, nhìn sang bên kia biên giới, đời sống khác xa, nhìn lại bên này, cái đói treo lơ lửng.
Không cần đâu cho xa, chưa nói đến các bản làng ở tận thâm sơn cùng cốc, những nơi ấy khó đến, chỉ cần đi xuôi theo dòng Nậm Thi, qua những huyện dọc biên giới Việt – Trung của tỉnh Lào Cai, có một điều dễ nhận biết và phân biệt nhất là bên ni, nhà Việt Nam, dân thiểu số Việt Nam nghèo xác xơ, bên kia, Trung Quốc giàu nứt đố đổ vách, hai bên cách nhau một con sông nhỏ, hẹp và sâu hoắm, thượng nguồn sông Hồng.
Những gia đình người H’Mong bên ni Nậm Thi, nằm rải rác, lẻ loi qua các huyện Bát Xát, Bảo Yên, Bảo Thắng, Bắc Hà, SaPa đang vào mùa giáp hạt, mùa thiếu gạo mà thực phẩm chính bây giờ là ngô (bắp) và sắn (khoai mì) để cầm hơi và đợi mùa lúa chín. Thường thì Tháng Mười Một đến Tháng Chạp âm lịch là thời vụ gặt hái, những đám ruộng bậc thang chuyển sắc vàng, cái đói giảm dần, cái bụng no đến Tết.
Hỏi ra, mới biết hầu hết người dân miền núi phía Bắc đều có hai mùa giáp hạt giống nhau, một mùa vào Tháng Tư, Tháng Năm âm lịch và một mùa vào Tháng Chín, Tháng Mười âm lịch. Nhưng có vẻ như mùa Tháng Tư, Tháng Năm âm lịch được nhắc đến nhiều hơn bởi lúc này, đường sá khô ráo, cánh báo chí có thể đi rảo lên thăm bản làng, đến mùa mưa, Tháng Chín, Tháng Mười thì không có báo chí nào dám lên tới bản, ngay cả người trong bản còn khó đi ra ngoài.
Như lời ông Bạ, trưởng thôn ở Bảo Yên, nói: “Mùa giáp hạt Tháng Chín, Tháng Mười mới đáng sợ chứ mùa giáp hạt Tháng Tư, Tháng Năm thì không đáng sợ bằng. Tháng này còn đi làm bên ngoài để kiếm ăn được. Tháng Chín, Tháng Mười thì đói khủng khiếp lắm.”
“Hiện tại, các anh thử đi từ đây qua bên Lạng Sơn, Bắc Kạn thì các anh sẽ nhìn thấy ngay mức độ đói khổ của bà con miền núi. Chủ yếu là dựa vào mấy hạt gạo cứu trợ của nhà nước để cầm hơi thôi. Nhưng không đáng kể đâu, không đủ cầm hơi đâu!”
“Vậy mình lấy gì để cầm hơi nếu như gạo chính phủ không về kịp hoặc không về hả ông?”, tôi hỏi.
“Nói gạo chính phủ là nói vậy thôi, chứ hầu hết người dân biên giới vào mùa mưa thì già ngồi bó gối ở nhà, trẻ đi vác gỗ thuê, đi xuống phố làm thuê. Mà mùa mưa khó kiếm việc lắm, nhưng vẫn cứ đi. Làm được vài trăm ngàn đồng thì vác một bao gạo về nhà rồi lại đi tiếp. Người ở nhà chủ yếu dựa vào gạo của trai trẻ. Chỉ có những gia đình góa bụa mới đói khổ thực sự. Những gia đình này được bà con trong bản mỗi người góp một vài ký gạo để chia cho họ. Người trong bản tuy nghèo nhưng sống có cái tình…”
Để tìm hiểu thêm về cái đói giáp hạt ở Tây Bắc, chúng tôi bắt xe sang Bắc Kạn và Lạng Sơn, hai tỉnh nằm nằm tương đối gần nhau và một tỉnh nằm giáp giới Trung Quốc, tỉnh biên cương của người Tày, Nùng, một tỉnh nằm tít tận Đông Bắc núi rừng miên mang và chủ yếu người Tày, Nùng và H’Mong. Đang thời điểm giáp hạt ở nơi đây.
Lần này, chúng tôi tìm đến khu làng dưới chân núi Mẫu Sơn, ghé bản Dị, xã Hữu Khánh, huyện Lộc Bình, Lạng Sơn, nơi được cho là đã “xóa đói” cơ bản, không còn người đói (thông tin của báo chí trong nước).
Nhưng có vẻ như khác xa những gì chúng tôi được biết, những ngôi nhà trình tường trông có vẻ khá giả vì người đồng bào thiểu số ở đây còn một số gia đình có cơm độn ngô hoặc độn sắn để ăn. Ngược lại, một số bản khác chỉ có ngô, sắn, đời sống cơ cực không thể tưởng. Ông Lúc, một người cao niên trong bản đưa chúng tôi về nhà, mời mấy ly rượu ngô và kể thật: “Ở đây đói lắm, nghèo lắm!”
“Chỉ có nương rẫy nhưng bây giờ đang mùa giáp hạt nên chẳng có gạo đâu. Gia đình tôi thuộc diện giàu nhất ở đây mà vẫn thiếu gạo, vay nhà nước mua một đàn dê về nhưng đợt trước trời chuyển lạnh đột ngột, dê con còn yếu nên không chịu nổi, lăn ra chết gần hết, giờ nợ mấy chục triệu đồng rồi!”
“Mấy thanh niên trong làng đi làm thuê hết rồi, chủ yếu là lên mấy cửa khẩu để vác hàng thuê. Nhưng bây giờ làm ăn khó lắm, vì người Tày, Nùng ở Bắc Kạn họ cũng sang đây bốc hàng thuê nên có cạnh tranh mệt lắm. Mà không ra ngoài đó làm thì cũng chẳng biết đi đâu mà làm nữa. Vì mùa mưa mà! Thanh niên ở đây cứ đi ra ngoài đó, ăn ở vật vạ vậy đó, khi nào người ta gọi bốc hàng thì bốc, kiếm được vài đồng thì mua gạo gởi về quê.”
“Họ bốc hàng gì ông có biết không?”
“Chủ yếu là bốc trái cây, hàng hóa, thực phẩm từ Trung Quốc sang Việt Nam vậy đó. Mấy thứ hàng tiểu ngạch gì đó cũng không rõ lắm. Nhưng nghe nói mỗi ngày bốc tới mấy chục tấn chứ không ít đâu! Gần đây thì bốc cá nước ngọt họ nuôi đâu bên Cam Túc gì đó rồi chuyển sang Việt Nam, bán khắp miền Bắc…”
Hỏi là hỏi cho biết thanh niên ở đây đã đi làm gì để kiếm gạo trong mùa giáp hạt vậy thôi. Chứ chúng tôi cũng đã đến cửa khẩu Tân Thanh, Hữu Nghị, rồi vài cửa khẩu nhỏ nữa ở Lạng Sơn. Hàng hóa từ Trung Quốc đổ bộ sang Việt Nam nhiều miễn bàn. Ở đây người đi bốc vác chủ yếu là thanh niên dân tộc thiểu số, vì kiếm không ra việc nên họ chỉ có một trong hai lựa chọn: Hoặc là đi vác gỗ thuê cho lâm tặc trên các đỉnh núi, hoặc là đi bốc hàng ở các cửa khẩu. Và để cứu nồi cơm gia đình mùa giáp hạt, họ không còn lựa chọn nào khác.
Nhưng cho dù có cố gắng đến mấy thì điệp khúc rau rừng, cơm độn sắn, cơm độn ngô và những ngày hết gạo thì ăn sắn, ăn ngô vẫn cứ là điệp khúc bền bỉ của người đồng bào thiểu số vùng biên cương!
No comments:
Post a Comment