Chiều 6/10/2016, cơ quan Thanh Tra Chính Phủ bất ngờ công bố quyết định thanh tra tại Tổng công ty cổ phần xây lắp Dầu Khí Việt Nam (PVC), thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), nơi ông Trịnh Xuân Thanh từng là Phó Tổng giám đốc rồi Chủ tịch Hội đồng quản trị.
Đây lại là cuộc thanh tra đột xuất, không nằm trong kế hoạch thanh tra năm 2016 của Thanh tra Chính phủ nhưng được thực hiện “theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ”.
Thanh tra Chính phủ được giao nhiệm vụ làm rõ các vi phạm trong việc đầu tư, thực hiện các dự án của PVC giai đoạn 2008-2013, xác định rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan, trong đó có trách nhiệm của người đứng đầu và đề xuất xử lý, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 10.
Vì sao lại có cuộc thanh tra bất ngờ này?
Ngày 3/8/2016, quan chức Trương Hòa Bình - phó thủ tướng thường trực - đã có văn bản chỉ đạo Bộ Công An “khẩn trương thực hiện ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, chỉ đạo cơ quan chức năng điều tra làm rõ các vi phạm dẫn đến thua lỗ gần 3,300 tỉ đồng giai đoạn 2012-2013 tại PVC, báo cáo tổng bí thư và thủ tướng chính phủ”. Tuy nhiên cho đến nay vẫn chưa có bất kỳ thông tin nào về “cơ quan chức năng điều tra làm rõ”, trừ việc ngày 15-9, Cơ quan cảnh sát điều tra, Bộ Công An đã ra Quyết định số 51/C46(P12) khởi tố vụ án hình sự vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại PVC”. Sau đó khi Trịnh Xuân Thanh ung dung biến mất ngay trước mũi công an, và nổ ra vụ Gió – Thanh, làm mất thể diện tổng bí thư Trọng quá đỗi, cơ quan cảnh sát điều tra mới khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với 4 bị can: Vũ Đức Thuận, nguyên Ủy viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc PVC; Nguyễn Mạnh Tiến. Phó Tổng giám đốc PVC; Trương Quốc Dũng, nguyên Phó Tổng giám đốc PVC; Phạm Tiến Đạt, nguyên Kế toán trưởng PVC.
Còn bây giờ, có lẽ do quá sốt ruột trước tiến độ “chậm như rùa” của cơ quan điều tra, tổng bí thư Trọng có thể đã phải trực tiếp yêu cầu thủ tướng Phúc sử dụng cơ quan thanh tra chính phủ để “tham chiến”, cho dù cơ quan thanh tra không có chức năng khởi tố hay truy tố vụ án,bị can mà chỉ có thể chuyển hồ sơ cho công an để làm tiếp khâu điều tra.
Như vậy, Thanh tra chính phủ là lực lượng thứ ba mà ông Trọng đã dùng đến trong vòng 4 tháng, sau Ủy ban Kiểm tra trung ương kiểm tra ở Hậu Giang và Bộ Công An “điều tra PVC” mà chưa cho một kết quả rõ rệt nào.
Sự việc Thanh tra chính phủ thanh tra bất ngờ PVC lại xảy ra hai tuần sau khi tổng bí thư Trọng “tự nguyện” tham gia vào Thường vụ đảng ủy công an trung ương. Hiển nhiên, một câu hỏi được đặt ra: không biết trong cơ quan đảng mới này, ông Trọng đã giám sát và chỉ đạo ra sao, mà đến giờ ông phải dùng cơ quan thanh tra chính phủ như thể làm thay cho cả Bộ Công An?
Ngẫm lại, chỉ mới có “ruồi” Trịnh Xuân Thanh mà ông Trọng đã phải loay hoay đến 4 tháng chưa đi đến đâu, không biết với những “hổ” phía sau ông Thanh thì sự vụ “chống tham nhũng” còn gian nan đến đâu…
Lê Dung / SBTN
No comments:
Post a Comment