Phạm Trần (Danlambao) - Quyền thông tin và được thông tin của dân bị Ban Tuyên giáo đảng Cộng sản hạn chế, vo tròn bóp méo và đổi trắng thay đen cho hợp với khẩu vị nhà nước đang gia tăng mỗi ngày ở Việt Nam.
Chủ trương này không mới, nhưng Lãnh đạo đảng đã ăn ngủ không yên khi thấy các mạng “báo lề dân” tiếp tục tràn ngập các tin và bài viết làm lu mờ các thông tin một chiều của báo, đài nhà nước.
Bằng chứng đã thấy trong các thông tin về thảm họa môi trường Vũng Áng (Hà Tĩnh), từ tháng 4/2016 và nhiều vụ việc khác.
Người dân trong nước, ngày càng nhiều, cũng đã xa dần các “báo lể đảng” để được thông tin nhanh và chính xác hơn của “báo lề dân”
Vì vậy hai báo Nhân Dân (của Đảng) và Quân đội Nhân dân (của Bộ Quốc phòng) đã được lệnh đi tiên phong trong chiến dịch chống các mạng xã hội của công dân để bảo vệ thông tin cho đảng.
Với tựa đề “Xử lý thông tin trong “chợ trời thông tin”, Công Minh viết trên Quân đội Nhân dân (QĐND) ngày 03/10/2016: "Đã có quá nhiều bài học cho thấy, internet và mạng xã hội dù là cái kho tin đồ sộ, dù mạng xã hội sản sinh ra nhiều cái gọi là “nhà báo công dân” nhưng thông tin mạng không thể thay thế thông tin báo chí chính thống."
Nhưng trong trường hợp Việt Nam thì cái gọi là “báo chí chính thống” đã đóng góp gì cho công cuộc xây dựng đất nước và giáo dục công dân?
Có nhiều việc để chứng minh nền báo chí này đã làm được ít việc có ích nhưng nhiều việc có hại cho dân mà vẫn được ăn một phần không nhỏ ngân sách quốc gia do dân đóng thuế.
Hãy lấy vụ Trịnh Xuân Thanh, nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng công ty xây lắp dầu khí Việt Nam, nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang) bỏ trốn ra nước ngoài là một tỷ dụ.
Tin trong nước loan truyền ông Thanh đã làm thua lỗ khoảng 3.500 tỷ đồng, tuy báo chí nước ngoài nói con số thiệt hại thực tế có thể lên tới 5.700 tỷ đồng. Nhưng các báo nhà nước đã không dám tự ý mở cuộc điều tra cho ra trắng đen mà chỉ biết trông chờ vào tin phổ biến của chính phủ.
Một tin trong nước cho biết: "Ông Trịnh Xuân Thanh được cho là rời khỏi Việt Nam khoảng cuối tháng 7. Khi đó ông đã gửi đơn đến tỉnh ủy Hậu Giang xin nghỉ phép từ 25 đến 29/7. Ngày 19/8, ông Thanh gửi đơn lần 2 xin nghỉ một tháng (3/8-2/9) để đi nước ngoài trị bệnh và không rõ tung tích từ đó."
Toàn bộ hệ thống đảng và nhà nước đã vào cuộc điều tra để bắt ông Thanh (50 tuổi), nhưng ông Đinh Thế Huynh, ủy viên Bộ Chính trị, thường trực Ban Bí thư xác nhận với cử tri Đà Nẵng ngày 4/10/2016 rằng ông Thanh đã trốn qua Âu Châu.
Các báo đã đồng loạt đưa tin, nhưng không có báo nào dám hỏi “làm thế nào mà ông Huynh biết chắc ông Thanh đang ở Châu Âu, hay đích danh nước nào?”
Sự lệ thuộc vào thông tin của nhà nước của “báo lề đảng”, một lần nữa đã chứng minh nền báo chí này không có tự do, ngay cả trong lĩnh vực điều tra tham nhũng từ khi có Luật phòng, chống tham nhũng năm 2005.
Báo chí đảng cũng chẳng dám đứng về phía dân khi cả nước rộ lên phong trào nông dân đi khiếu kiện oan sai, chống cưỡng chế đất đai và tịch thu tài sản.
Những người mang danh “nhà báo” đã đứng ở đâu khi nhân dân xuống đường tuần hành chống Trung Quốc xâm lấn biển đảo? Một số người còn về hùa với các dư luận viên để im lặng hoặc xuyên tạc nhiều cuộc tập trung chống Tầu xâm lược của người dân yêu nước tại Đền Vua Lý Thái Tổ hay Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ ở Hà Nội.
Rồi khi có số đông đảo nguyên lãnh đạo, lão thành cách mạng và trí thức trong cả nước, kể cả Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi còn sinh thời, đứng lên đòi Chính phủ ngưng dự án phiêu lưu Bauxite trên Tây Nguyên thì đã có những người làm báo ăn bùa nhà nước sẵn sàng làm tay sai chống chế cho kế hoạch thua lỗ này.
Công lý và phá hoại?
Bây giờ đến chuyện thảm họa môi trường và biển chết ở 4 tỉnh miền Trung (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Huế-Thừa Thiên) do Formosa Hà Tĩnh gây ra từ tháng 4/2016, cũng đã có báo xuyên tạc những việc làm chính đáng của các nạn nhân.
Bằng chứng như bài viết có tựa đề “Đập tan âm mưu làm loạn của phần tử xấu lợi dụng sự cố Formosa”, ngày 1/10/2016 của Phóng viên Huy Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV, Voice of Vietnam)
Huy Nam viết: "Âm mưu kích động, lôi kéo tuần hành, tụ tập gây mất trật tự tại Kỳ Anh (Hà Tĩnh) đã bị người người dân, chính quyền phát hiện và ngăn chặn kịp thời.
Lợi dụng sự cố môi trường biển do Công ty Formosa Hà Tĩnh gây ra, thời gian qua, một số phần tử xấu, cơ hội đã lôi kéo, kích động người dân vùng bị ảnh hưởng tại Thị xã Kỳ Anh tuần hành, tụ tập gây mất trật tự an toàn giao thông. Tuy nhiên, mục đích xấu này đã bị người dân phát hiện, tẩy chay.
Theo ông Nguyễn Quốc Hà, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thị xã Kỳ Anh, ngay sau khi xảy ra sự cố môi trường biển, gây cá chết hàng loạt tại Hà Tĩnh, tình hình an ninh trật tự trên địa bàn Thị xã có những diễn biến phức tạp. Lợi dụng sự bức xúc trong nhân dân từ sự cố, một số thế lực thù địch, phần tử xấu, cơ hội dùng các thủ đoạn để lôi kéo, kích động nhân dân. Từ khi xảy ra sự cố môi trường đến nay, đã có 3 lần các phần tử xấu lôi kéo người dân tụ tập trên quốc lộ 1A, đoạn qua địa bàn Thị xã Kỳ Anh.
Gần đây nhất là vào chiều 26/9 nhiều người dân tụ tập tại Quốc lộ 1A, đoạn qua phường Sông Trí gây ắc tắc giao thông. Ông Nguyễn Quốc Hà cho biết, đứng sau những người dân tụ tập là các phần tử xấu, kích động nhằm gây chia rẽ khối đại đoàn kết. Tuy nhiên, sau khi được chính quyền giải thích, chỉ ra mục đích xấu của các phần tử cơ hội thì người dân đã hiểu: “Giai đoạn đầu một số phần tử xấu, đối tượng đã lôi kéo, xúi giục. Nhưng sau khi hệ thống chính trị của Tỉnh, thị xã và cơ sở phân tích, tuyên truyền bằng các kênh, người dân từng bước hiểu rõ được bản chất của các đối tượng này. Chính quyền đã có chỉ đạo vừa theo dõi, nhắc nhở rà soát, phân loại đối tượng để có xử lý nghiêm minh”.
Đáng chú ý là bài viết của Huy Nam đã được báo điện tử Tuyên Giáo của Ban Tuyên giáo đảng lấy đăng lại còn viết thêm rằng: "Đại diện chính quyền Thị xã Kỳ Anh cho biết, trước thực trạng lôi kéo người dân của một số phần tử xấu, kích động, các ngành chức năng đã cử cán bộ xuống địa bàn đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân cảnh giác trước các luận điệu xuyên tạc. Giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn là mục tiêu, mong muốn chung của chính quyền cũng như người dân Thị xã Kỳ Anh.
Ông Trần Văn Thanh, ở xã Kỳ Lợi, Thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh, người gắn với nghề biển 30 năm nay cho biết, sau khi xảy ra hiện tượng cá chết, nhất là kết luận nguyên nhân từ nhà máy của Công ty Formosa, một số phần tử xấu đã có ý dụ dỗ, lôi kéo các ngư dân trong xã phản đối chính quyền."
Kèm theo bài của Huy Nam còn có bản tin ngắn của VOV viết: "Trong quý 3/2016, số lao động thất nghiệp gia tăng đột biến. Một trong nhưng nguyên nhân là do sự cố môi trường biển miền Trung do Formosa gây ra."
Ban đầu, có người cũng đã nghe theo, nhưng sau khi nhận ra mục đích của các đối tượng là gây rối trật tự, nên mọi người đã phản đối. Ông Trần Văn Thành nói: "Sau khi được tuyên truyền, hiểu rõ vấn đề, người dân chấp hành chủ trương chính sách của Nhà nước chứ không đi theo những phần tử phản động lợi dụng để làm ảnh hưởng an ninh trật tự trên địa bàn. Mong muốn của người dân là các cấp các ngành quan tâm ổn định phát triển kinh tế. Không ai muốn gây mất trật tự trên địa bàn vì trước hết là ảnh hưởng đến chính mình."
Chửi vào mặt VOV
Nhưng sự thật đã khác trong nội dung bài tường thuật của Phóng viên Đức Hùng của báo VietNamExpress (của Bộ Khoa học-Công nghệ)
Đức Hùng viết: "Do cuộc sống bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển Formosa, hơn 500 ngư dân Hà Tĩnh, Nghệ An đã đâm đơn kiện đòi bồi thường.
TAND thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh) thông báo đến trưa nay đã tiếp nhận tổng cộng hơn 500 đơn của người dân ở huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) và xã Kỳ Hà (thị xã Kỳ Anh) cùng khởi kiện Công ty TNHH Gang Thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh. Gần 40 đơn khác bị tòa từ chối tiếp nhận vì cho rằng chưa đủ thủ tục.
Từ chiều 26/9, hàng trăm người dân đã tập trung ở trụ sở tòa án để gửi đơn kiện, tuy nhiên thời điểm đó tòa mới tiếp nhận hơn 200 đơn. Trong nội dung khởi kiện, đa số ngư dân yêu cầu Formosa bồi thường thiệt hại trong khai thác hải sản, làm muối, làm mắm… do ảnh hưởng từ sự cố môi trường biển.
Một lãnh đạo UBND thị xã Kỳ Anh cho VnExpress biết, chiều 26/9 khi thấy 13 ôtô 24 chỗ chở gần 300 người dân ở huyện Quỳnh Lưu đi vào thị xã, nhiều người dân ở xã Kỳ Hà đã hòa vào cùng. Dòng người đi nộp đơn kéo dài hơn 200m.
Ông Nguyễn Quốc Hà, Chủ tịch UBND thị xã Kỳ Anh cho hay sáng nay cán bộ TAND tỉnh và Sở Tư pháp Hà Tĩnh đã vào hỗ trợ giúp thị xã Kỳ Anh trong việc này. Về nguyên tắc, khi công dân có đơn kiện, cơ quan chức năng phải tiếp nhận. Sau 5 ngày, nhà chức trách sẽ trả lời có thụ lý hay không.
Theo Phó giám đốc Sở Tư pháp Văn Đình Minh, đây là lần đầu tiên tại Hà Tĩnh có đông người tham gia kiện cùng một doanh nghiệp
Một luật sư cho biết, nếu tòa thụ lý, mỗi đơn kiện sẽ được xét xử riêng biệt.”
Tuyệt nhiên, trong bài tường thuật của Đức Hùng, có soi đèn hay vạch là tìm sâu cũng không thấy có những chữ như: "một số thế lực thù địch, phần tử xấu, cơ hội dùng các thủ đoạn để lôi kéo, kích động nhân dân" như "Phóng viên" Huy Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV, Voice of Vietnam) đã gán cho ông Nguyễn Quốc Hà, Chủ tịch UBND thị xã Kỳ Anh. Hay là Huy Nam đã bịa ra theo chỉ thị của ban Tuyên Giáo?
Báo công an viết gì?
Cũng viết về vụ người dân kéo nhau đi kiện, Phóng viên Văn Tình của báo Công an Online viết trong số báo ra ngày 28/09/2016: "(CAO) Cho rằng Formosa đã gây ô nhiễm môi trường làm ảnh hưởng đến đánh bắt, nuôi trồng và chế biến hải sản, hàng trăm ngư dân ở Nghệ An và Hà Tĩnh kéo đến UBND thị xã Kỳ Anh nộp đơn kiện công ty này để đòi bồi thường thiệt hại.
Ngày 27-9, ông Nguyễn Quốc Hà – Chủ tịch UBND thị xã Kỳ Anh, cho biết chính quyền thị xã Kỳ Anh đang tiếp tục phối hợp với TAND tỉnh Hà Tĩnh và Sở Tư pháp tỉnh Hà Tĩnh tiếp nhận đơn của người dân kiện Formosa.
Theo đó, từ chiều 26-9 đến 27-9, chính quyền địa phương này đã tiếp nhận 539 lá đơn của người dân ở huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) và xã Kỳ Hà (thị xã Kỳ Anh) nộp để kiện Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh, yêu cầu bồi thường thiệt hại do sự cố môi trường biển xảy ra trong thời gian qua.
Theo nội dung đơn kiện, những người dân này yêu cầu Formosa bồi thường thiệt hại vì đã gây ô nhiễm môi trường biển khiến việc đánh bắt, nuôi trồng hải sản, làm muối, làm mắm bị ảnh hưởng nặng nề.
Bước đầu, qua rà soát trong số 539 đơn, chính quyền địa phương xác định có gần 40 đơn không hợp lệ do chưa đầy đủ thủ tục nên không tiếp nhận.
Ông Hà cho biết thêm: “Bất cứ công dân nào trên lãnh thổ Việt Nam, khi có việc khiếu kiện liên quan đến tất cả những lĩnh vực do thị xã Kỳ Anh quản lý thì phía chính quyền sẽ có các bộ phận chuyên môn đứng ra tiếp nhận đơn. Tiếp đó, chúng tôi sẽ căn cứ theo quy định của pháp luật xem xét thụ lý”.
Tính đến chiều 27-9, TAND thị xã Kỳ Anh tiếp nhận 506 đơn kiện hợp lệ của ngư dân.” (Văn Tình)
Bài viết của Phóng viên Văn Tình, báo Công an Online cũng không có chỗ nào ghi lại lời tố cáo đã có các “thế lực thù địch, phần tử xấu, cơ hội dùng các thủ đoạn để lôi kéo, kích động nhân dân” đi kiện Formosa!
Như vậy thì ai đã xuyên tạc việc làm chính đáng mà luật pháp cho phép của người dân Hà Tĩnh và Nghệ An khi họ kéo nhau đi nạp đơn kiện Formosa Hà Tĩnh ngày 26/09/2016?
Phóng viên Huy Nam và Đài Tiếng nói Việt Nam đã âm mưu gì khi vu oan cáo vạ các nạn nhân của thảm họa Formosa bằng thứ ngôn từ bịa đặt như: "thế lực thù địch, phần tử xấu, cơ hội dùng các thủ đoạn để lôi kéo, kích động nhân dân”?
Do đó, thiết tưởng tác giả Lam Sơn cũng phải soi gương để xem lại mặt mình xem có tư cách gì để viết trên báo Nhân Dân (ngày 04/10/2016) rằng: "Ở Việt Nam, trong khi số đông người sử dụng mạng xã hội coi đây là nơi bày tỏ ý kiến nghiêm túc về các vấn đề họ quan tâm thì lại có một số người lợi dụng mạng xã hội để công bố tin tức bịa đặt, dối trá hoặc đưa ra ý kiến tiêu cực nhằm gây bất an trong dư luận. Các thế lực thù địch cùng một số tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí cũng lợi dụng và biến mạng xã hội thành ma trận của các thủ đoạn "tuyên truyền trắng, xám, đen" để lung lạc đời sống tinh thần xã hội, tiến công vào Đảng, Nhà nước Việt Nam. Loại thông tin độc hại này đã trực tiếp làm mạng xã hội trở thành thế giới ảo theo đúng nghĩa đen, và làm cho thiện chí, sự lương thiện của hàng triệu người lành mạnh, tử tế dùng mạng xã hội như bị chìm lấp trong trận đồ bát quái giữa thật và giả, giữa trắng và đen, giữa tích cực và tiêu cực…"
Nên biết ở Việt Nam hiện đang có trên 45 triệu người sử dụng Internet và trên 30 triệu người khác dùng Facebook để trao đổi và truyền tải thông tin hàng ngày.
Do đó, giữa cái xấu và cái tốt thì những “nhà báo” của đảng cũng cần có con mắt sáng và tinh thần minh mẫn để nhận ra sự khác biệt giữa hai báo “lề dân” và “lề đảng”.
Nếu thiếu lương tâm hay chỉ có trái tim máu lạnh thì làm sao biết được có gì đáng coi trong “báo chính thống”? -/-
(10/016)
No comments:
Post a Comment