Thursday, October 6, 2016

Cá Hồ Tây chết và các hồ Hà Nội ô nhiễm

Hòa Ái, RFA 2016-10-05 
Theo báo chí VN, chính quyền thành phố Hà Nội đang huy động vớt hơn 200 tấn cá chết ở Hồ Tây để đưa đi chôn lấp.
 Theo báo chí VN, chính quyền thành phố Hà Nội đang huy động vớt hơn 200 tấn cá chết ở Hồ Tây để đưa đi chôn lấp. Courtesy of VNEconomy
Hiện tượng hàng loạt cá chết nổi trắng Hồ Tây trong những ngày vừa qua khiến cư dân thủ đô và những người quan tâm lo ngại tình trạng ô nhiễm ở các hồ thuộc phạm vi thành phố phải chăng đang ở mức báo động?

Cá chết hàng loạt bất thường ở Hồ Tây

Phó Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Một thành viên Đầu tư Khai thác Hồ Tây, ông Phạm Văn Đông cho báo giới trong nước biết bắt đầu phát hiện nhiều loại tôm cá nổi trên mặt hồ sau cơn mưa lớn vào hôm 30 tháng 9 và đến chiều mùng 2 tháng 10 số lượng cá chết vớt được khoảng 4 tấn. Ông Đông nhấn mạnh rằng hiện tượng cá chết từng xảy ra ở Hồ Tây nhưng chưa bao giờ nhiều và bất thường như lần này.
Trước tình trạng cá Hồ Tây chết được cho là nghiêm trọng chưa từng có, chính quyền Hà Nội điều động lực lượng nhân viên lên đến cả ngàn người để thu gom cá chết và mang đi chôn lấp ở bãi rác Nam Sơn. Tính đến cuối ngày 3 tháng 10, Văn phòng Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn thông báo đã có 76 tấn cá chết được xử lý.
Hồ Tây lần này là lần đầu tiên em thấy cá chết nhiều như vậy. Không biết ngày mai họ thu dọn hết chưa, nhưng hiện tại ngày hôm nay em thấy nhiều lắm, bẩn và bốc mùi hôi thối.
-Một cư dân ở Hà Nội
Một cư dân ở Hà Nội, vào lúc 8 giờ 30 tối mùng 3 tháng 10, nói với Đài Á Châu Tự Do về những gì đang diễn ra ở khu vực Hồ Tây:
“Hồ Tây lần này là lần đầu tiên em thấy cá chết nhiều như vậy. Không biết ngày mai họ thu dọn hết chưa, nhưng hiện tại ngày hôm nay em thấy nhiều lắm, bẩn và bốc mùi hôi thối. Những người xung quanh khu vực đó phải tránh chỗ khác vì không chịu được mùi hôi thối đó.”
Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ vào sáng mùng 4 tháng 10, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội, ông Nguyễn Đức Chung báo cáo số lượng cá chết được thu gom và xử lý lên tới 200 tấn và đã đưa vào Hồ Tây 30 máy bơm sục khí tạo ô-xy cùng các chế phẩm cải tạo môi trường nước. Ông Chung cho biết thêm bắt đầu từ sáng mùng 4 tháng 10 mùi tanh nồng đã giảm, không còn thấy xác cá nổi trên mặt hồ và người dân trở lại sinh hoạt bình thường. Ông Chủ tịch Thành phố Hà Nội cũng cam kết với Chính phủ tiếp tục điều tra nguyên nhân để công khai cho dân chúng được rõ trong thời gian sớm nhất.

Nguyên nhân cá chết do đâu?

Nguyên nhân ban đầu của hiện tượng cá chết bất thường ở Hồ Tây được Chi cục Bảo vệ Môi trường thuộc Sở Tài nguyên Môi trường Thành phố Hà Nội xác định là do nồng độ ô-xy trên bề mặt nước của Hồ Tây thấp. Kết quả xét nghiệm nồng độ ô-xy trong ngày mùng 3 tháng 10 là bằng 0 và tỉ lệ amoni cao 24 lần so với mức quy định. Chị cục Bảo vệ Môi trường không loại trừ nguyên nhân thời tiết thay đổi đột ngột, mưa nắng thất thường cũng góp phần khiến cho cá Hồ Tây chết hàng loạt. Bí thư Quận ủy Tây Hồ, ông Nguyễn Văn Thắng cũng cho rằng hiện tượng thiếu ô-xy trong nước có thể do thời tiết chuyển mùa.
Trong khi đó, Tiến sĩ Khoa học Nguyễn Văn Khải lên tiếng với RFA không đồng tình tuyên bố của các cơ quan chức năng như vừa nêu:
“Tôi là người Hà Nội. Tôi sống ở Hà Nội từ năm 1955 và tôi đi khắp cả đất nước Việt Nam này cũng như rất nhiều nước trên thế giới. Trời mùa thu đẹp thế này, nhiệt độ từ 25 đến 33 độ C là cùng, nắng vàng, thỉnh thoảng có vài cơn mưa nhỏ mà bảo cá chết là do thời tiết thì đấy là sự không hiểu gì cuộc sống, ăn nói bậy bạ, trả lời công chúng như vậy có thể gọi là trả lời láo lếu. Đây chính là mùa cá phát triển nên nói như thế là phản khoa học, giống như là người ta bảo thủy triều đỏ làm chết cá ở khu vực có nhà máy thép Fomosa, nhưng thật ra không phải như vậy.”
Tiến sĩ Bùi Quang Tề, nguyên Trưởng Phòng Sinh học thực nghiệm Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy Sản I, đồng quan điểm với Tiến sĩ Nguyễn Văn Khải rằng không thể đổ lỗi cho thiên nhiên vì nước hồ mùa thu rất ôn hòa nên cá ít khi chết hàng loạt, lại thêm Hồ Tây hàng ngàn năm hiếm khi xảy ra hiện tượng cá chết như trong mấy ngày qua. Tiến sĩ Bùi Quang Tề phân tích khu vực Hồ Tây hiện nay đông dân cư nên có thể nguồn nước thải sinh hoạt và công nghiệp, có chứa chất hữu cơ chưa được xử lý, xả trực tiếp vào hồ khiến cá chết hàng loạt vì các chất hữu cơ là nguyên nhân gây thiếu ô-xy trong nước cũng như phân hủy ra các chất độc hại.
Chuyện cá chết khắp hồ, khắp sông, khắp mọi nơi. Hiện tượng cá chết ở Hồ Tây chỉ là hiện tượng như một sọt rác nhỏ hất vào đống rác vô cùng lớn ở Việt Nam mà thôi.
-TS Nguyễn Văn Khải
Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do về phương pháp lấy mẫu nước ở Hồ Tây để xét nghiệm mà Chi cục Thủy sản, thuộc Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn thực hiện với dự kiến trong một tuần nữa sẽ có kết quả, một số nhà khoa học trong nước khẳng định mẫu nước xét nghiệm phải được lấy khi cá bắt đầu chết, chứ mẫu nước xét nghiệm được lấy lúc cá chết đầy dẫy rồi thì không thể nào chính xác được. Các nhà khoa học còn đề cập đến nguyên nhân cá chết có thể bị tác động bởi tình trạng hàng tấn bùn đen đang đổ xuống sông Hồng, mà nhân viên Phòng Cảnh sát Môi trường nói với báo giới là loại bùn đen này có thể gây nguy hại môi trường không thể lường được.

Các hồ ở Hà Nội bị ô nhiễm

Theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ tập trung giải quyết vụ việc cá chết bất thường ở Hồ Tây, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội vừa ban hành Công điện số 7 nhằm khẩn trương xác định nguyên nhân và khắc phục hiện trạng, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra quản lý các hồ nước trong thành phố. Tuy nhiên, đa số cư dân thủ đô mà Đài RFA tiếp xúc đều cho rằng các biện pháp chính quyền Hà Nội thực hiện chỉ giải quyết vấn đề tạm thời, giống như cách họ đã làm khi xảy ra hiện tượng cá chết hàng loạt ở Hồ Hoàn Cầu hồi đầu tháng 6 năm nay. Nhiều người trong số họ nói với chúng tôi rằng tình trạng các hồ bị ô nhiễm đã đến mức báo động như Tiến sĩ Nguyễn Văn Khải nhận định:“Chuyện cá chết là rất nhiều, cá chết khắp hồ, khắp sông, khắp mọi nơi. Hiện tượng cá chết ở Hồ Tây chỉ là hiện tượng như một sọt rác nhỏ hất vào đống rác vô cùng lớn ở Việt Nam mà thôi.”

No comments:

Post a Comment