Bích Hạnh
LTS – Tác giả bài viết này là cô giáo Nguyễn Thị Bích Hạnh, người mà vào tháng 6, 2009, lúc đang dạy văn tại trường chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, Quảng Nam, bị cho nghỉ việc với cáo buộc “xuyên tạc đường lối của Ðảng và vi phạm quan điểm nội dung giáo dục trong việc cập nhập khai thác, truyền bá trang web phản động, phản giáo dục.” Thời gian ấy, trong lúc giảng dạy, cô khuyến khích học trò bớt chơi game mà nên dành thời gian tìm kiếm tri thức trên mạng; chẳng hạn vào các website talawas, Hợp Lưu, Tiền Vệ,… Cô giáo Bích Hạnh cũng là vợ của nhà tranh đấu Thái Văn Tự, người từng trốn thoát trong vụ chính quyền đàn áp các hoạt động tôn giáo tại Nghệ An, với cáo buộc “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân.” Tác giả Bích Hạnh viết bài này nhân kỷ niệm 5 năm ngày cưới, cũng là 5 năm ngày hai vợ chồng xa cách ngay sau ngày đám cưới.
Tôi còn nhớ rất rõ, khi còn là sinh viên năm nhất, vào một chiều mưa cuối tháng 9, ở thư viện Ðại Học Ðà Lạt, tôi đã đọc bài thơ Màu Tím Hoa Sim của nhà thơ Hữu Loan trong nỗi xúc động sâu xa. Trong đó, có một đoạn thơ đã khắc sâu vào tâm khảm tôi, vì tình yêu, tình người rất thật, rất đẹp của nhà thơ trong thời tao loạn, mà ở đó, mỗi số phận cá nhân đều chứa trong lòng nó những bi kịch của lịch sử:
“…Ngày hợp hôn
nàng không đòi may áo mới
Tôi mặc đồ quân nhân
đôi giày đinh
bết bùn đất hành quân
Nàng cười xinh xinh
bên anh chồng độc đáo
Tôi ở đơn vị về
Cưới nhau xong là đi
Từ chiến khu xa
Nhớ về ái ngại
Lấy chồng thời chiến binh
Mấy người đi trở lại
Nhỡ khi mình không về
thì thương
người vợ chờ
bé bỏng chiều quê”
(Trích đoạn Màu Tím Hoa Sim)
nàng không đòi may áo mới
Tôi mặc đồ quân nhân
đôi giày đinh
bết bùn đất hành quân
Nàng cười xinh xinh
bên anh chồng độc đáo
Tôi ở đơn vị về
Cưới nhau xong là đi
Từ chiến khu xa
Nhớ về ái ngại
Lấy chồng thời chiến binh
Mấy người đi trở lại
Nhỡ khi mình không về
thì thương
người vợ chờ
bé bỏng chiều quê”
(Trích đoạn Màu Tím Hoa Sim)
Và, thật không ngờ, mười hai năm sau, bài thơ Màu Tím Hoa Sim của nhà thơ Hữu Loan đã “vận” vào đời tôi như một định mệnh tuyệt đẹp và đau thương của kiếp người.
Cách đây năm năm, vào một đêm của ngày 29 tháng 9, 2011, ngày hợp hôn, không đòi may áo mới, tôi âm thầm, lặng lẽ rời khỏi nhà trong mưa để đến nhà thờ giáo xứ Yên Lý cách nhà tôi chừng 18 km để làm lễ cưới.
Thánh lễ của tôi diễn ra bí mật vào lúc đêm khuya thanh vắng trong ánh nến lung linh với tất cả chín người, gồm: Linh Mục Trần Ðình Lai – quản xứ Yên Lý lúc đó, tôi và chồng tôi, hai người làm chứng, một chú giúp lễ và ba người bạn thân của vợ chồng tôi.
Sau lễ cưới, mọi người người ngồi lại với nhau trong sự ngậm ngùi, rồi ai nấy ra về trong đêm khuya. Tôi và anh Thái Văn Tự – chồng tôi, đã lặng lẽ chọn một căn phòng trong nhà xứ Yên Lý làm phòng tân hôn.
Ðến trưa hôm sau, tôi rời khỏi nhà xứ Yên Lý một mình, để về nhà. Lúc rời đi, tôi cứ nghĩ, là sẽ về nhà để mẹ khỏi lo lắng, rồi quay trở lại. Nhưng thật không ngờ, đó cũng là lần cuối cùng tôi còn được ở bên cạnh chồng tôi.
Chiều hôm đó, có một người gọi điện thoại báo tin cho tôi, chồng tôi đã rời khỏi nhà thờ Yên Lý.
Sau lễ cưới bí mật, tôi sống với tâm trạng bất an tột độ. Bất an vì không biết chồng đang ở đâu? Bất an vì bị công an rình rập, hăm dọa.
Vì không tìm ra tung tích của chồng tôi nên công an bám theo tôi từng bước. Có những ngày, khi vừa bước chân ra đường, tôi bị những kẻ lạ mặt bám theo, rồi dọa giết.
Khi biết mình đang có thai, lại luôn bị theo dõi, bị khủng bố tinh thần, để bảo toàn sinh mạng cho hai mẹ con, lúc đó tôi rời khỏi quê, đến xin tá túc ở mái ấm của cha Quang Uy, dòng Chúa Cứu Thế ở Sài Gòn. Tôi đã sống ở mái ấm của cha Quang Uy với thân phận của một người phụ nữ bị bỏ rơi hoàn toàn và phải nhờ đến lòng xót thương của những tấm lòng thiện hảo của người khác.
Nhưng bàn tay quan phòng của Chúa vẫn luôn che chở và ban phát nhiều ơn lành xuống trên tôi.
Tôi sinh được một cậu con trai, lấy họ Nguyễn của mẹ vì tôi không có đăng ký kết hôn và đặt tên con là Thiên Ân. Cho đến khi Thiên Ân gần một tuổi, tôi mới rời khỏi mái ấm của cha Quang Uy và về quê, với lòng biết ơn sâu nặng. Biết ơn vì cha Quang Uy đã không ngại nguy hiểm để cưu mang hai mẹ con tôi trong chuỗi ngày gian nguy, khốn khó.
Suốt gần năm năm qua, Thiên Ân đã lớn lên và trưởng thành về đức tin và đạo hạnh trong sự chăm sóc và dạy dỗ của mẹ. Nhiều lần, trong những đêm khuya khó ngủ, bất chợt, Thiên Ân hỏi mẹ: “Mẹ ơi, bao giờ cha về? Bao giờ thì con được có cha như các bạn hở mẹ?” Tôi trả lời con: “Mẹ cũng không biết được con ạ. Bao giờ đất nước có hòa bình thật sự thì cha con sẽ về và gia đình ta sẽ đoàn tụ. Lúc đó, cha con sẽ đưa con đi chơi, đi thả diều trên quê nội, rồi đi đuổi bắt chuồn chuồn châu chấu.” Con trai tôi chìm trong giấc ngủ tuổi thơ với ước mơ thật hồn nhiên, rồi sẽ có một ngày hai cha con được gặp lại nhau trong một không gian yên bình trên quê hương Việt Nam yêu dấu.
Nhưng bao lâu thì ước mơ giản dị của con trai tôi sẽ trở thành hiện thực? Làm người tốt ở Việt Nam thật khó lắm thay! Nếu muốn sống thật và làm chứng cho sự thật, thì phải chấp nhận bị đuổi việc như tôi, để nhiều năm sau, phải sống trong cảnh bị o ép tứ bề. Nếu muốn làm việc tốt để thay đổi xã hội thì phải chấp nhận ngồi tù như những người bạn của tôi, hay chấp nhận bị truy nã như chồng tôi, rồi bỏ đi biệt xứ không về.
Suốt hơn năm năm qua, tôi đã đón, đã thăm rất nhiều tù nhân trong nhóm 14 thanh niên Công Giáo trở về. Mỗi lần thăm gặp một tù nhân trở về nhà, thì cũng như con tôi từng trăn trở lúc đêm khuya, tôi tự hỏi lòng mình: “Bao giờ chồng tôi trở về?”
Ðất nước tôi không có chiến tranh, loạn lạc, mà sao mỗi năm, khi Tết đến, Xuân về, chồng tôi vẫn đầy nỗi khắc khoải ưu tư với nỗi lòng nhớ thương quê nhà da diết như thời binh đao, khói lửa: “Con biết bây giờ mẹ chờ tin con, khi thấy mai đào nở vàng bên nương.”
Ðất nước tôi đã có hòa bình như lời đảng nói, mà sao cha con, vợ chồng tôi vẫn không thể đoàn tụ với nhau để sống một cuộc sống bình thường như bao nhiêu gia đình khác trên đời?
Ðất nước tôi có tự do sáng tác mà một nhà thơ như Hữu Loan từ mấy chục năm trước bị ngược đãi, bị trù dập, đến nỗi phải sống chôn mình ở chốn quê nghèo, đèo heo gió hút nhưng vẫn không được sống yên ổn.
Ðất nước tôi từ thế hệ của nhà thơ Hữu Loan đến thế hệ của tôi và thế hệ kế tiếp là con trai tôi, đã đi qua một chặng đường lịch sử “hào hùng” với thời gian cả mấy chục năm nhưng thân phận những con người lương thiện và vô tội vẫn phải từng ngày oằn mình hứng chịu những bất trắc khôn lường mang tên thời cuộc.
Nhiều năm về trước, khi đọc bài thơ Màu Tím Hoa Sim của Hữu Loan, tôi biết rằng, nhà thơ Hữu Loan là nạn nhân của chiến tranh và nạn nhân của thời cuộc.
Còn bây giờ, khi nhìn vào lịch sử và cuộc sống hiện tại của chính mình, tôi ý thức rõ hơn rằng, tôi và những người dân Việt Nam là nạn nhân của chế độ cộng sản. Nạn nhân của một chế độ không cho con người được quyền cất lên tiếng nói của công lý, của sự thật. Nạn nhân của một chế độ độc tài, độc đảng, độc quyền và độc ác, đã tước đoạt và giết chết những tình cảm cao đẹp nhất của con người.
Và càng ngày, tính khốc liệt của nó càng dữ dội và càng gay cấn. Và như thế, đất nước tôi hiện tại không có chiến tranh mà tính hủy diệt nó còn khốc liệt hơn cả chiến tranh.
No comments:
Post a Comment