Thursday, August 18, 2016

Rác thải ở Đà Nẵng và Tòa nhà hành chính - Quan liêu hay lãng phí tiền dân?

Thiên Điểu-19-08-2016

(VNTB) - Vấn nạn ô nhiễm môi trường từ sau vụ đầu độc biển của Formosa đang ngày càng nóng và lan rộng khắp mọi nơi trên đất nước Việt Nam. Vấn đề không đơn giản từ tác hại đã xảy ra mà quan trọng hơn là câu hỏi về nguy hại trong tương lai sẽ thế nào vẫn chưa có câu trả lời trong cách quản lý và xử lý từ các cơ quan nhà nước.



Vụ Formosa đầu độc biển Việt Nam ngày càng như bóng ma ám ảnh khắp nơi khi người dân và báo chí liên tục phát hiện chất thải của Formosa được tẩu tán, chôn lấp ở rất nhiều nơi. Có nơi không phải là bãi rác rất gần ngay bên ngoài hàng rào nhà máy, công viên, trang trại, đất hoang đầu nguồn.. Có cả những địa chỉ là doanh nghiệp xử lý chất thải hẳn hoi nhưng chỉ nhận về, “xử lý” bằng cách phân loại rồi đem bán tiếp (Phú Thọ) dù cách xa Formosa hàng trăm kilomet.


Ngày 16/8/2016, báo laodong.com.vn có bài viết “Vụ chôn lấp chất thải nghi độc hại tại Đà Nẵng: Lấy 3 mẫu chất thải nghi độc hại để xét nghiệm”. Liên quan trực tiếp là Công ty TNHH MTV Dịch vụ Môi trường Ánh Dương (Cty Ánh Dương) tại tổ 171 khối phố Khánh Sơn, phường Hòa Khánh Nam (quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng).


Một chi tiết đặc biệt đáng chú ý là một người dân (tên H..)  cho biết: “Bà Nguyễn Đặng Mỹ Uyên – Giám đốc Cty Ánh Dương nói các chất thải này được lấy từ khu công nghiệp Hòa Khánh và bà Uyên còn nói chất thải này được vận chuyển từ một công ty ở phía Bắc đem vào. Vì bà Uyên nghĩ rằng rác thải này không độc hại nên đã nhận về Cty để xử lý”. Nó cho thấy rất rõ một sự thật là Công ty này hoàn toàn không có chuyên môn gì về xử lý chất thải. Nó cũng chỉ ra một nghi vấn rất dễ hiểu rằng chất thải “từ phía Bắc đem vào” chắc chắn có vấn đề khi tìm lời giải cho câu hỏi: Tại sao chất thải từ tận ngoài Bắc lại phải vượt hàng trăm kilomet tới Đà Nẵng xử lý ? Đương nhiên, chất thải “ngoài Bắc” kia là từ đâu hoàn toàn không khó để điều tra trong khi CA cho biết “đã lấy mẫu đi xét nghiệm” mà chưa có thông tin nào về nguồn phát tán.


Một chi tiết cần biết rằng: Chính bãi rác của Công ty này vào tháng 10/2015 đã bị dân phản ánh và đích thân Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh đã tới thị sát, sau đó đến tháng 5/2016,  ông Anh đi kiểm tra lại thì kết quả được đánh giá là “kiến nghị của bà con đã được xử lý, không còn mùi hôi..”  ( môi trường đã tốt, an toàn ?). Nhưng chỉ sau 2 tháng thì bây giờ lại bị người dân tố chôn chất thải độc hại, gây ô nhiễm và cơ quan Công an vào cuộc lấy mẫu đem đi xét nghiệm.


Câu chuyện bãi rác Khánh Sơn chỉ là một trong vô vàn các bãi rác, các dự án, nhà máy thải chất độc gây ô nhiễm môi trường ở khắp Việt Nam. Nó có nguyên nhân khá sâu xa liên quan cơ chế quản lý, chính sách và lợi ích nhóm.


Cách đây khoảng 7-8 năm, khi  rộ lên phong trào lập Công ty xử lý môi trường, xử lý rác thải… Nguyên nhân khá đơn giản chỉ vì đây là ngành nghề mới, đang rất cần thiết khi bùng nổ các khu công nghiệp và quan trọng nhất là rất dễ vay vốn ưu đãi (lập dự án đầu tư bãi rác, xử lý môi trường, chất thải.v.v.). Sau khi vay vốn thì khá nhiều Doanh nghiệp sử dụng vốn vào các mục đích khác, dẫn đến công nghệ và chuẩn đầu tư cho xử lý rác không đạt yêu cầu, tiếp tục gây ô nhiễm môi trường bởi chính hoạt động xử lý môi trường (!) Tất nhiên, đa số các Doanh nghiệp ăn nên làm ra trong ngành này là sân sau của quan chức với đủ các kiểu quan hệ  chằng chịt từ góp vốn, tặng cổ phần tới bảo kê, chia chác các hợp đồng..

Thực trạng rất rõ là hầu hết các Doanh nghiệp ngành này có chuyên môn liên quan xử lý môi trường mà Công ty Ánh Dương nói trên chỉ là một ví dụ nhỏ. Mặc dù xử lý môi trường là ngành nghề không thuộc diện ngành nghề có điều kiện khi Đăng ký kinh doanh nên không cần chứng minh năng lực (vì có thể thuê 100%). Nhưng xử lý chất thải thì khác - dù nó cũng là một việc trong công tác xử lý môi trường nhưng nó đòi hỏi Doanh nghiệp phải có chuyên môn để thực hiện việc tự giám sát hoạt động do chính Doanh nghiệp thực hiện. Ở nước ngoài thì đây là ngành nghề bị kiểm soát rất chặt ngay từ khi ĐKKD. Ở Việt Nam thì ngược lại, do luật không chặt chẽ, không cụ thể, rõ ràng nên từ khi thẩm tra hồ sơ thành lập Doanh nghiệp đến giám sát hoạt động đều hời hợt. Cấp phép xử lý môi trường chung chung, xử lý chất thải có điều kiện cũng không chặt chẽ, chỉ hoạt động xử lý chất thải y tế, chất thải công nghiệp đặc biệt độc hại.. mới thuộc danh mục có điều kiện. Cái đáng đòi hỏi thì không đòi hỏi, cái không đáng thì lại vẽ ra đủ thứ lằng nhằng, nên mới có tình trạng DN xử lý chất thải không đủ năng lực được cấp phép rồi làm bừa như Công ty Ánh Dương nói trên. Nhập rác thải về với suy nghĩ rất đơn giản “không độc hại” rồi chọn cách xử lý là "đem chôn". Đơn giản như quét rác trong nhà đổ ra đường hoặc đổ ra trước cửa nhà người khác !

Về phía quản lý nhà nước thì từ lãnh đạo tới cán bộ  giám sát, kiểm tra trực tiếp cũng không có chuyên môn nên chỉ biết "kiểm tra bằng mắt" (!) Câu chuyện quan chức - tới cả hàm Bộ trưởng - vốc nước dưới ao hồ lên ngửi, dỡ cái lu lên kiểm tra lăng quăng, xách cặp lượn quanh bãi rác.v.v. rồi kết luận đạt hay không đạt, dẫn đến tình trạng ô nhiễm vẫn tiếp tục tái diễn là vì như vậy.

Cũng tại Đà Nẵng, câu chuyện tòa nhà hành chính của thành phố này được đầu tư 2,000 tỷ nay phải tính cách di dời nhân viên, đầu tư trụ sở mới.. vì “không đảm bảo sức khỏe” do thiết kế bọc kính hoàn toàn. Thực chất vẫn là Doanh nghiệp làm ẩu (trong việc tòa nhà hành chính Đà Nẵng là đơn vị thiết kế, thi công..) nhưng bộ máy nhà nước quan liêu, không đủ năng lực thẩm tra, giám sát dẫn đến thất thoát, nguy hại và tốn kém (ảnh hưởng sức khỏe, phải di dời, đầu tư khắc phục, xây dụng công trình khác) .v.v.

Phương cách xử lý vẫn không có gì thay đổi. Với bãi rác thì tiếp tục kiểm tra, điều tra sau khi bị dân tố cáo.. Với Tòa nhà hành chính thì vẫn nghe các cấp dưới bàn, sẵn sàng đổ tiền đầu tư công trình khác trong khi nếu chỉ vì yếu tố bọc kính, kém thông thoáng thì việc khắc phục, sửa chữa vốn không phải là quá khó hay quá tốn kém.

Quan liêu từ thủ tục hành chính (qui định, luật lệ..) tới quan liêu trong phương pháp xử lý thực tế là vấn nạn  “ô nhiễm” cho mọi ô nhiễm phát sinh chứ không không phải chỉ ở chất độc.

No comments:

Post a Comment