Thursday, August 18, 2016

“Ăn” của người bệnh

Theo NLĐO-18/08/2016 23:54

Tính đến ngày 17-8, Quỹ BHYT bội chi gần 3.000 tỉ đồng, trong đó chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2016 bội chi 2.200 tỉ đồng. Nỗi ám ảnh về việc thâm thủng Quỹ BHYT đã hiện thực và nạn nhân chắc chắn lại là những người bệnh.

Nguyên do của tình trạng trên đã được cơ quan BHXH chỉ rõ là do việc “vung tay quá trán” của các cơ sở khám chữa bệnh và việc kiểm soát không hiệu quả của chính cơ quan quản lý nguồn quỹ này. Làm sao có thể chấp nhận khi số người tham gia BHYT chỉ tăng 9%, tổng số lượt khám chữa bệnh tăng 12% nhưng chỉ riêng chi phí khám chữa bệnh ban đầu đã tăng 37,8%, với gần 12.670 tỉ đồng. Chi phí khám chữa bệnh tăng bất thường đã không được các cơ quan chức năng làm rõ, mà cụ thể ở đây là cơ quan BHXH. Điều này dẫn đến một viễn cảnh ảm đạm là tình trạng bội chi sẽ tiếp tục diễn ra.
Một nguyên nhân gây bội chi khác là tình trạng vi phạm, lạm dụng quỹ BHYT. Vừa qua, cơ quan BHXH đã từ chối thanh toán chi phí khám chữa bệnh của một phòng khám ở TP Cà Mau hơn 70 tỉ đồng vì lý do trên. Chỉ một phòng khám mà số tiền thâm lạm lớn đến thế thì chúng ta phần nào hình dung được “chùm khế ngọt” Quỹ BHYT bị xà xẻo ra sao.
BHYT là nguồn quỹ thu thường xuyên và nó có tác dụng cao nhất khi hằng năm được chi hết cho người bệnh sau khi trích dự phòng. Tiền từ nguồn quỹ này bị xà xẻo chính là người bệnh bị xà xẻo, đồng nghĩa với việc bao người phải đối diện với bệnh tật, với sự kiệt quệ về sức khỏe, thậm chí là đánh đổi bằng tính mạng. Chỉ vì thiếu vài chục triệu đồng, người bệnh có thể sẽ đối diện cái chết thì thử hỏi việc thâm lạm như trên sẽ có bao nhiêu con người lâm vào nghịch cảnh?
Trước đây, năm 2009, nguồn quỹ này cũng bị bội chi và ngay sau đó quyền lợi của người tham gia BHYT bị siết rất chặt. Đây là cách làm đơn giản nhất nhưng cũng hết sức tàn nhẫn bởi càng thu hẹp quyền lợi thì người bệnh càng thiệt thòi và ở khía cạnh nào đó đã triệt tiêu đi ý nghĩa của BHYT. Căn cơ của vấn đề chính là kiểm tra, kiểm soát được việc chi BHYT đúng đối tượng, xử lý thẳng tay những hành vi bòn rút nguồn quỹ này.
Thời gian qua cũng không nhiều vụ trục lợi quỹ BHYT bị phát hiện và xử lý đến nơi đến chốn. Đơn cử như vụ từ chối thanh toán hơn 70 tỉ đồng tại TP Cà Mau, lẽ nào đơn giản như vậy? Nếu phòng khám này không minh bạch, kê khống để lấy tiền BHYT thì cần chuyển vụ việc cho cơ quan công an điều tra, làm rõ. Sự trừng phạt, trong trường hợp này là thích đáng và có tính răn đe khi cơ chế kiểm tra, kiểm soát việc chi BHYT còn yếu kém.
Bội chi hơn 3.000 tỉ đồng, số tiền này sẽ không có nguồn quỹ nào bù đắp ngoài chính những đồng tiền đóng BHYT trong thời gian tới của người lao động; siết chặt quyền lợi mà người bệnh được hưởng... Cứ thế, cái vòng luẩn quẩn sẽ tái diễn và theo đó, người bệnh sẽ luôn đối mặt với bao khốn khó trong khi cơ quan chức năng cũng chưa tìm ra cách hữu hiệu để ngăn chặn những kẻ đục khoét nguồn quỹ này. “Ăn” vào Quỹ BHYT, chính là “ăn” của người bệnh!
Phạm Hồ

No comments:

Post a Comment