Friday, July 1, 2016

Nước mắt cá sấu và 500 triệu đô la

Nam Nguyên, phóng viên RFA 2016-07-01 
000_CL8QK.jpg
Tại cuộc họp báo công bố nguyên nhân gây ra tình trạng cá chết hàng loạt ở 4 tỉnh miền Trung chiều 30/6/2016 ở Hà Nội, chính phủ Việt Nam cũng cho chiếu một đoạn video với lời phát biểu nhận lỗi của ông Trần Nguyên Thành, chủ tịch hội đồng quản trị công ty gan thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh.  AFP
Formosa Hà Tĩnh sau cùng cũng đã nhận lỗi gây ra thảm họa môi trường, chấp nhận đền bù thiệt hại 11.500 tỷ đồng tương đương 500 triệu USD cho những ai bị ảnh hưởng. Nhưng những gì báo chí Việt Nam đưa tin về thảm họa môi trường ven biển miền Trung, từ đầu tháng 4 cho đến cuộc họp báo chiều 30/6, cho thấy số tiền nửa tỉ đô la chẳng thấm vào đâu so với những gì mà chất độc hại từ Formosa tàn phá môi trưởng biển, ảnh hưởng sinh kế và đời sống người dân 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế.

84 ngày mới công bố nguyên nhân

Qua báo chí, đến chiều ngày 30/6/2016 tại Hà Nội, chính phủ Việt Nam đã mất 84 ngày mới chính thức công bố thủ phạm gây ra thảm họa môi trường ven biển miền Trung, chính là nhà máy luyện thép Formosa ở Vũng Áng Hà Tĩnh. Tất cả các báo mạng của Việt Nam đã ứng trực để tường thuật trực tiếp cuộc họp báo của Văn phòng Chính phủ và các Bộ ngành liên quan.
Ngay sau cuộc họp báo ở Hà Nội, TS Nguyễn Quang A nhà hoạt động xã hội dân sự, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển IDS đã nói với Anh Vũ của Đài Á Châu Tự Do:
Theo tôi 500 triệu USD này chỉ là một phần nhỏ ban đầu mà thôi. Tôi ủng hộ việc phải có một hành động pháp lý, để đánh giá tất cả các thiệt hại để đòi Formosa phải bồi thường cho người dân cũng như làm sạch biển.
-TS Nguyễn Quang A
“Tôi nghĩ rằng cuộc họp báo này thể hiện sự đạo diễn trong suốt trong thời gian vừa qua, đây là một quá trình phức tạp, mà chính phủ không có một phản ứng nhanh nhạy. Có lẽ đây lời hứa cũng như cam kết ban đầu của Formosa, mà tôi nghĩ số 500 triệu USD này nó sẽ gồm rất nhiều thứ, đáp ứng được những gì cho những người trực tiếp bị thiệt hại, là bà con ngư dân và những người có liên quan? Theo tôi còn có rất nhiều vấn đề phải xem xét. Tôi tin các cơ quan nhà nước VN sẽ phải tiến hành các thủ tục pháp lý để chống lại Formosa và đánh giá cụ thể các thiệt hại mà Formosa phải bồi thường. Theo tôi 500 triệu USD này chỉ là một phần nhỏ ban đầu mà thôi. Tôi ủng hộ việc phải có một hành động pháp lý, để đánh giá tất cả các thiệt hại để đòi Formosa phải bồi thường cho người dân cũng như làm sạch biển.”
Xem tường thuật của VietnamNet, người đọc báo nhận thấy một loạt các câu hỏi liên quan đến xử lý hình sự, truy tố Formosa hay trách nhiệm của chính quyền địa phương, có vẻ như chưa thỏa mãn các nhà báo đặt câu hỏi.
Theo VietnamNet Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đã nói, Việc Formosa đã nhận lỗi trước Đảng, Chính phủ và nhân dân Việt Nam, đưa ra 5 cam kết trách nhiệm bồi tường hỗ trợ và không tái diễn. Việt Nam có câu "đánh kẻ chạy đi không ai đánh người chạy lại". Chính phủ Việt Nam luôn có thái độ rõ ràng về xử lý nghiêm minh các vi phạm pháp luật Việt Nam nhưng đồng thời có chính sách khoan hồng, độ lượng để các nhà đầu tư nước ngoài vi phạm mà nhận lỗi thì được xem xét. Nếu các nhà đầu tư cam kết thực hiện đúng pháp luật Việt Nam thì pháp luật Việt Nam cũng đảm bảo họ hoạt động đúng luật và hiệu quả. Formosa đã nhận lỗi cũng như thể hiện thái độ trước vi phạm, nên việc đưa ra khởi tố là việc cân nhắc của Chính phủ. Nhân dân Việt Nam cũng độ lượng, khoan hồng, cao thượng.
000_CL89Q-622.jpg
Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính Phủ Mai Tiến Dũng tại cuộc họp báo công bố nguyên nhân gây ra tình trạng cá chết hàng loạt ở 4 tỉnh miền Trung Việt Nam cách nay 2 tháng, ảnh chụp chiều 30/6/2016 tại Hà Nội.
Người đọc báo không thấy Bộ trưởng Mai Tiến Dũng trả lời thẳng vào câu hỏi của VnExpress: “khi Formosa vận hành đã kiểm tra xả thải như thế nào, Hà Tĩnh đã kiến nghị gì? Giờ Chính phủ đã xác định lỗi của Formosa, trách nhiệm của địa phương để xảy ra ô nhiễm như thế nào?”
Chính phủ Việt Nam từng bị giới trí thức phản biện cho rằng đã quá lúng túng trong việc xử lý khủng hoảng một thảm họa môi trường ở cấp độ quốc gia. Tuy vậy tại thời điểm hiện nay, chiến dịch truyền thông báo chí đã thể hiện một vai trò tích cực, khi chính phủ công bố nguyên nhân và thủ phạm gây ra thảm họa cá chết hàng loạt ở biển miền Trung.
Trước khi cuộc họp báo của Văn phòng Chính phủ diễn ra, VnExpress đã sớm đưa tin về việc Formosa đã nhận trách nhiệm xả thải chưa qua xử lý ra môi trường biển, sau khi phía Việt Nam trưng ra các bằng chứng thuyết phục. Tờ báo đã phỏng vấn Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường Trần Hồng Hà, một nhân vật từng hứng chịu nhiều chỉ trích do các phát biểu trái ngược nhau giữa ông và thuộc cấp liên quan đến đường ống ngầm xả thải dài 1,5km của Formosa.

Lý do có thuyết phục?

Formosa Hà Tĩnh trong thời gian dài đã nói dối, chối trách nhiệm đưa độc chất chưa qua xử lý ra biển. Nhưng vì đâu đến ngày 28/6 họ mới chính thức nhận lỗi và gởi thư tới Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Trong cuộc phỏng vấn của VnExpress, Bộ trưởng Trần Hồng Hà tâm sự là ông vừa trải qua 84 ngày căng thẳng. Theo lời ông, kết quả xét nghiệm của các nhà khoa học cho thấy hơn 50% mẫu cá chết thu được có chứa phenol, cyanur và trong vùng chỉ có nhà máy luyện than cốc của Formosa Hà Tĩnh thải ra phenol và cyanur.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói với VnExpress, Formosa Hà Tĩnh không thể chối cãi vì phía Việt Nam đã đưa ra 53 hành vi mà họ vi phạm, từ các sai sót trong thiết kế, thi công xây dựng cho đến vận hành. Nhưng phát hiện quan trọng nhất lại là việc từ ngày 1/4 đến ngày 5/4, lượng điện tiêu thụ giảm bất thường, chỉ bằng 15% so với ngày trung bình, khiến các nhà điều tra Việt Nam tập trung vào nghi ngờ có vấn đề trong quá trình vận hành chạy thử của Formosa Hà Tĩnh. Vẫn theo lời Bộ trưởng Trần Hồng Hà kể lại với VnExpress, sau nhiều ngày thu thập bằng chứng, đấu tranh, cuối cùng Formosa phải thừa nhận có sự cố chập điện liên quan đến việc vận hành của quá trình kích hoạt vi sinh ở khu xử lý nước thải. Đây là khâu quyết định việc có xử lý được phenol hay không. Hệ thống này tê liệt dẫn đến nước thải bị đổ ra biển mà chưa qua xử lý.
Bỏ quên việc làm sạch đáy biển mà đó là điều rất nặng nề không phải dễ mà làm được. Ngoài ra rạn san hô bị hỏng. Tôi sợ dễ bỏ quên khoản ấy…
-GS Lê Huy Bá
Trả lời câu hỏi của VnExpress, Bộ trưởng Trần Hồng Hà giải thích về việc nếu chỉ xả thải không qua xử lý trong vòng 5 ngày, thì tại sao lượng độc tố lại có thể gây thảm họa kéo dài từ Hà Tĩnh tới Thừa Thiên Huế. Ông Bộ trưởng tiết lộ, các nhà khoa học đã mất nhiều thì giờ mới xác định được là chất thải của Formosa Hà Tĩnh đã trộn với nhau ra một hợp chất phức. Hợp chất này nặng hơn nước biển, chìm xuống đáy và hút các chất độc hại như phenol, cyanur vào nó. Nó giống như một tấm chăn khổng lồ chứa độc cứ thế trôi ngầm theo dòng hải lưu, đi đến đâu sẽ làm xảy ra các phản ứng hóa học ở đó và khiến cá ở tầng đáy chết hàng loạt. Phát hiện này chính là chìa khóa của vấn đề.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng biện giải cho lý do chậm trễ, khiến Chính phủ không thể sớm công bố nguyên nhân và thủ phạm vụ xả thải chất độc chưa qua xử lý ra môi trường. Theo lời ông Bộ trưởng, Chính phủ tiên liệu đến một vụ kiện ngược từ Formosa và phải đền bù hậu quả. Đến nay sau gần ba tháng, các nhà khoa học mới xác định được đâu là nguyên nhân chính, đâu là nguyên nhân mang tính chất cá biệt ngẫu nhiên.
Giải thích về độc tố Formosa xả thải chưa qua xử lý ra môi trường biển, liệu có thuyết phục được các nhà khoa học độc lập hay không. Trả lời Gia Minh Đài Á châu Tự do, ngay sau cuộc họp báo chiều 30/6, Giáo sư Lê Huy Bá, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học – Công nghệ và Quản lý Môi trường, Đại học Công nghiệp TP. HCM, nhận định:
Về mặt khoa học thì phenol, cyanur tác động rất nhanh có thể giết sinh vật, con người, cá một cách nhanh chóng. Ngoài ra nguy hiểm của độc chất kim loại nặng chưa thấy báo cáo; hoặc họ bỏ qua hay sao!? Theo tôi còn có các chất crom 3, crom 6, thủy ngân, cadimi… vì trong quá trính súc rửa, sản xuất thép thế nào cũng có. Mà đó mới nguy hiểm lâu dài… kim loại nặng lắng xuống lớp trầm tích đáy biển, đáy bờ biển. Bỏ quên việc làm sạch đáy biển mà đó là điều rất nặng nề không phải dễ mà làm được. Ngoài ra rạn san hô bị hỏng. Tôi sợ dễ bỏ quên khoản ấy…”
Ngay sau cuộc họp báo chiều 30/6 ở Hà Nội, báo Thanh Niên Online đã ghi nhận ý kiến của một số người dân, nạn nhân của vụ cá chết hàng loạt ở 4 tỉnh ven biển miền Trung. Tờ báo trích lời ngư dân Nguyễn Quang Đô, cư trú ở Gio Linh Quảng Trị, người qua thảm họa môi trường đã từ vị trí một chủ tàu đánh cá gần bờ công suất 75 CV, trở thành lao động kéo cá ở cảng Cửa Việt để tạm mưu sinh. Ông Đô nói, ngư dân chờ đợi quá lâu, bây giờ Chính phủ tìm ra thủ phạm thì ngoài trừng trị thích đáng còn phải tính đến việc bồi thường thiệt hại cho họ. Ngư dân thiệt đủ điều, tôm cá đánh bắt về rẻ như bèo chẳng ai mua… những con tàu nằm bờ mãi, lâu ngày không ra biển thì nó cũng tự hỏng thôi.
Gần đây báo chí đưa tin có đến 1 triệu người của 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế chịu ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp về thảm họa môi trường biển. 500 triệu USD không phải là số tiền đủ để phục hồi môi trường biển, chưa kể 500 ha rạn san hô bị ảnh hưởng hoặc hủy diệt hoàn toàn. Có người nói vui, 500 trăm triệu USD chia cho 1 triệu người thì mỗi người được 500 USD. Dĩ nhiên là nói đùa, nhưng cho thấy số tiền của Formosa quá nhỏ, bồi thường các nạn nhân còn chưa đủ nói gì chi phí cho việc phục hồi môi trường ven biển.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhậm chức ngày 7/4/2016 thì nội các của ông đã rơi ngay vào cuộc khủng hoảng môi trường cấp độ quốc gia qua vụ Formosa Hà Tĩnh. Đồng thời chính phủ do ông lãnh đạo còn phải đối phó với hạn hán, xâm nhập mặn thiệt hại 15.000 tỷ đồng ở Đồng bằng sông Cửu Long, Nam Trung bộ và Tây Nguyên. Gần đây nhất là hai vụ rơi máy bay quân sự liên tiếp khiến 10 sĩ quan thiệt mạng.
Tuổi Trẻ Online ngày 30/6 đưa tin, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mở đầu phiên họp thường kỳ Chính phủ, kết nối trực tuyến tới 63 Tỉnh-Thành phố với một loạt câu hỏi. Đó là sau nhiều sự kiện vừa qua, Chính phủ rút ra được bài học gì cho quản lý đất nước, quản lý xã hội, cho công tác điều hành.
Riêng về thảm họa cá chết hàng loạt ở 4 tỉnh miền Trung, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu câu hỏi, Chính phủ rút ra bài học gì cho công tác bảo vệ môi trường?
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dễ dàng tìm được câu trả lời mà Bộ trưởng Trần Hồng Hà phát biểu trên VnExpress. Đó là: “Chính sách thu hút đầu tư của Việt Nam phải có lựa chọn. Chúng ta không thể để tình trạng chấp nhận ngành công nghiệp thép hay bất cứ ngành công nghiệp nào có nguy cơ ô nhiễm mà phải đánh đổi môi trường. Đó là trách nhiệm của chính quyền, không chỉ vì sinh mạng của người dân bị đe dọa mà còn vì tương lai lâu dài của cả quốc gia.”

No comments:

Post a Comment