Bộ Trưởng TT&TT Trương Minh Tuấn ngầm đánh đồng các cuộc biểu tình bảo vệ môi trường với “thế lực thù địch”. (Ảnh: VTC)
Nhưng việc Chính phủ Việt Nam mạnh miệng khẳng định lỗi thuộc về Formosa và tập đoàn này sẽ bồi thường 500 triệu USD lại làm dấy lên sự nghi ngờ rằng văn bản nhận lỗi của Formosa – “vô tình” được tán phát trên mạng xã hội – là thật và là một bước đi nhằm “dọn đường dư luận”, trước hết là nhằm xoa dịu bầu không khí chực chờ phát nổ của người dân các tỉnh miền Trung, đặc biệt ở Hà Tĩnh là cứ điểm của Formosa, và sau đó để người dân và dư luận hiểu rằng Nhà nước Việt Nam “vô can” trong vụ cá chết.
Quả thật, trong suốt chiều dài công bố về nguyên nhân cá chết do lỗi của Formosa, giới quản lý nhà nước không một lời thừa nhận lỗi của mình. Bộ Tài nguyên và Môi trường – cơ quan đã phát ngôn về “nguyên nhân do thủy triều đỏ” – đã không phải chịu bất cứ một dính líu liên đới nào với vụ cá chết. Trong khi đó, người vừa được đảng bố trí kiêm chức phó trưởng ban tuyên giáo trung ương là Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn còn ngầm đánh đồng các cuộc biểu tình bảo vệ môi trường của người dân Hà Nội, Sài Gòn, Hà Tĩnh… với “thế lực thù địch”.
Ngay sau cuộc họp báo chính phủ ngày 30/6, một dư luận khác, đặc biệt hơn, đã xuất hiện: có thể có một “thỏa thuận ngầm” giữa chính quyền Việt Nam với phía Đài Loan để Formosa ngoan ngoãn nhận lỗi và bồi thường. Thậm chí còn có dư luận cho là đã có một cuộc “mặc cả” giữa Bộ Công an Việt Nam với Formosa về những vấn đề gì đó…
Xét cho cùng, khoảng thời gian dài đến 3 tháng từ khi cá chết cho đến khi công bố nguyên nhân đã làm tan biến chất độc trong nước biển. Đó cũng là thời gian đủ dài để nếu muốn, đảng hoàn toàn có thể “xử lý nội bộ’ và “làm êm” mọi việc.
Người ta cũng đặt dấu hỏi rằng liệu chuyến đi Việt Nam của Ủy viên quốc vụ viện Trung Cộng Dương Khiết Trì có liên quan gì đến “thỏa thuận Formosa”. Những tin tức ngoài lề cho biết chuyến đi này rất đáng ngờ, vì trên bề mặt thông báo thì hoàn toàn chỉ là “thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương”, nhưng bên trong hẳn phải ẩn chứa những mưu đồ toan tính có lợi cho Trung Cộng. Việc Formosa cúi đầu nhận lỗi và bồi thường chắc chắn sẽ làm giảm đi dư luận nghi ngờ về “gốc Trung Cộng” của tập đoàn này, và do đó mũi giáo phẫn nộ của dư luận sẽ không còn chĩa thẳng vào Bắc Kinh.
Cuối cùng và những vấn đề còn lại mà chính phủ Việt Nam còn “mắc nghẹn” là đòi hỏi của dư luận về sự cần kíp phải khởi tố vụ án xả thải của Formosa. Không có bất kỳ hứa hẹn nào về khởi tố vụ án Formosa trong cuộc họp báo ngày 30/6, nhưng người ta đồ rằng khi mạnh miệng tuyên bố về nguyên nhân cá chết gây ra bởi Formosa, giới quan chức chính phủ đã ngầm hiểu với nhau về sự cần kíp phải che chắn cho nhau. Cùng lắm sẽ chỉ có một quan chức cấp trung nào đó bị lôi ra thí chốt. Còn những quan chức cao hơn nhiều, đã bị dư luận nghi ngờ về nhiều khoản “lót tay”, sẽ không phải ra trước vành móng ngựa.
Chưa kể đến khoản bồi thường 500 triệu USD… Đây chỉ là một số tiền nhỏ so với cái giá quá đắt mà Việt Nam phải trả về ô nhiễm môi trường, nhưng chắc chắn sẽ bị nhiều con mắt cú vọ của giới quan tham nhòm ngó trong tình cảnh “ngân sách cực kỳ khó khăn”. Nếu trước đây, người dân đã thường không lạ với nạn nhũng nhiễu cùng tỷ lệ từ vài chục phần trăm đến “cưa đôi” liên quan đến tiền bồi thường giải phóng mặt bằng tại nhiều dự án lấy đất của dân, thì 500 triệu USD cũng có thể tái hiện cảnh trạng đó, tức sẽ chỉ còn một số tiền nhỏ đến được tay lớp ngư dân không còn biển để sinh sống và chưa biết chọn nghề gì khác để sinh nhai.
06/30/2016 - 21:28
Lê Dung / SBTN
No comments:
Post a Comment