Cuối giờ trưa ngày 30-06, báo Tuổi Trẻ có bài viết “Trừng phạt nghiêm khắc”, với đoạn nhấn ngay phần mở đầu: Không thể bảo vệ môi trường bằng niềm tin, bằng kêu gọi tính lương thiện, sự mẫu mực, trách nhiệm trước cộng đồng của nhà đầu tư hay chỉ bằng các báo cáo đánh giá tác động môi trường, mà phải bằng sự trừng phạt nghiêm khắc.
Lúc 23g28’ đêm 30-06, báo Tuổi Trẻ lên bài “Sau sự cố cá chết, ngư dân mong biển sạch để ra khơi”, trong đó có đoạn viết: Tại âu thuyền xã Kỳ Phương, ngư dân Mai Xuân Cường nhìn về biển nói: “Mọi năm thời điểm này là vào mùa đánh bắt, cả âu thuyền sôi động khi tàu ghe cập bến đầy ắp cá. Nay thì hết rồi, cá, mực vùng biển lộng có lẽ không chịu được nước bẩn bỏ đi hoặc bị chết nên chẳng ai buồn ra khơi. Mà có ra khơi lưới được cá, câu được mực về không ai mua, không ai ăn thì cũng bỏ đi”. Nhà ông Cường có hai ghe đều nằm bờ, bạn ghe cũng bỏ đi tìm kế sinh nhai khác.
Báo Vietnam net, lúc 1g sáng ngày 01-07, có bài “Cá chết và một chính phủ minh bạch”, với lời mở đầu khá gay góc: Chính những bài học trả giá đi trước của các quốc gia phát triển bao giờ cũng giúp ích cho những quốc gia đi sau, trong đó có Việt Nam. Chỉ tiếc, dường như những bài học đó vẫn chưa được nằm lòng. Và vì thế mà môi trường sống của nước Việt chưa bao giờ có bài học cuối cùng. Vì sao?
“Sự hy sinh của những con người sống bám vào bờ biển miền Trung, không phải chỉ để đổi lấy 500 triệu USD tiền bồi thường. Sự hy sinh đổi lấy một tiền lệ. Một thứ mà giá trị của nó phụ thuộc vào cách chúng ta dùng trong tương lai”, là lời kết trong bài viết “Giá của 500 triệu USD” trên báo điện tử Vn Express, đưa lên lúc 8g21’ sáng ngày 01-07
Có lẽ báo Lao Động là đưa tin sớm nhất. Lúc 18g44’ ngày 30-06, sau khi nhận được công bố nguyên nhân cá chết, báo này có ngay bài “Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị: Formosa phải bồi thường thỏa đáng cho cả những thiệt hại lâu dài”. Ông phó chủ tịch Hà Sỹ Đồng đã yêu cầu: Tôi nghĩ trước tiên cần buộc Formosa bồi thường thỏa đáng về những thiệt hại trước mắt và lâu dài. Đặc biệt, cần phải khắc phục hậu quả về môi trường sinh thái, giúp dân đổi nghề, chuyển nghề.
Báo Lao Động đã “mở cổng” để bạn đọc thoải mái bình luận dưới các bài báo. “Nhớ cụ Nguyễn Du - có năm trăm triệu mọi việc đã xong”; “Các lãnh đạo xuống nhúng nước cũng như ăn cá 1 lần xong về tẩy rửa da để làm chiêu trò, chỉ khổ dân đen suốt ngày úp mặt dưới biển thôi. Ai gây ra thảm họa ? Theo tôi nguyên nhân sâu xa không phải là Formosa. Ai là người thẩm định, phê duyệt, cấp phép, kiểm tra giám sát ? Đấy mới là thủ phạm và thủ phạm lớn nhất là người quan trọng nhất trong đường dây này”... là một cảm xúc chia sẻ ở bài “Công bố nguyên nhân cá chết hàng loạt: Formosa là thủ phạm, cam kết bồi thường 500 triệu USD” được đưa lên lúc 17g20 ngày 30-06.
Trên báo Một Thế Giới, bà Phạm Chi Lan đã yêu cầu: Chính phủ Việt Nam cần biết đích danh tên các nhà thầu phụ của Formosa là ai để đưa ra quyết định cấm họ không được vào Việt Nam thực hiện bất kỳ dự án nào nữa, cũng như những cá nhân, tổ chức nào buông lỏng sự quản lý, giảm sát, hoặc là đưa ra những "ưu đãi" cho Formosa để họ gây ra thảm họa ngày hôm nay. Bài lên trang lúc 13g48’ ngày 01-07
Trong một ghi nhận bên lề cuộc họp báo vụ Formosa, khi được hỏi liệu có khởi tố hình sự Formosa Hà Tĩnh, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn đã nói rằng “khởi tố hay không do cơ quan tư pháp, tố tụng, chính phủ không can thiệp”. Và sau câu nói này, các báo mạnh tay với rất nhiều thông tin về thảm họa môi trường do Formosa đã gây ra tại Việt Nam; bao gồm luôn việc nhắc lại nhà cầm quyền CSVN đã nhượng khu công nghiệp Hà Tĩnh cho Formosa đến 70 năm
Vũ Minh Ngọc / SBTN
No comments:
Post a Comment