Friday, July 1, 2016

'Cần hủy giấy phép xả nước thải Formosa'

Theo BBC-5 giờ trước

"Điều quan trọng nhất là Formosa sẽ bị xử lý như thế nào [về sai phạm dẫn tới làm ô nhiễm biển miền Trung]," luật sư Trần Vũ Hải từ Hà Nội nói với BBC Tiếng Việt ngay sau khi kết thúc cuộc họp công bố nguyên nhân cá chết ở các tỉnh miền Trung, hôm 30/6.
Thế nhưng đó là điều "hiện nay chúng ta chưa nhìn thấy", luật sư Hải nói.
"Đúng ra, theo luật tài nguyên nước, chính phủ Việt Nam, cụ thể trong trường hợp này là Bộ Tài nguyên Môi trường hoàn toàn có quyền tạm đình chỉ giấy phép xả nước thải của Formosa để yêu cầu họ thực hiện các cam kết."
Ông cho biết ông đã hỗ trợ các ngư dân ở Kỳ Anh, Hà Tĩnh, một trong các địa phương bị ảnh hưởng trực tiếp, trong việc đệ đơn khiếu nại, yêu cầu hủy giấy phép xả chất thải của Formosa.
"Những ngư dân mà chúng tôi gặp gỡ nói rằng với họ, vấn đề bồi thường chưa phải là quan trọng. Điều quan trọng nhất đối với họ là phải được ra khơi, phải được đánh cá, phải được sống trong môi trường biển trong sạch," ông Hải nói.
"Luật sư chúng tôi nói với họ rằng việc này phải để các nhà khoa học nghiên cứu xem biển có còn đánh được cá nữa không, và quan trọng là cá có còn sống ở đó nữa không."
"Chính vì vậy chúng tôi hướng dẫn họ làm đơn khiếu nại để hủy giấy phép xả nước thải và tiến tới yêu cầu đình chỉ xả nước thải."
Image copyrightCHAM
Image captionHiện ngư dân ở các vùng bị ảnh hưởng vẫn chưa ra khơi trở lại
Luật sư Hải cũng cho rằng việc tính toán bồi thường cho các ngư dân vào thời điểm này là chưa thích hợp, bởi quy mô thiệt hại chưa thể được xác định chính xác nếu chưa có những kết luận khoa học xác đáng về tình trạng ngư trường, môi trường ở vùng bị ảnh hưởng.
"Chúng tôi sẽ yêu cầu gặp Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường để làm rõ xem còn khoảng bao lâu mới có thể phục hồi được nước biển, để biển có cá, phục hồi được hệ sinh thái để ngư dân có thể ra biển làm việc. Sau đó mới tính được mức bồi thường."
Về khoản tiền mà Formosa cam kết bồi thường 500 triệu đô la, ông Hải cho rằng đó chỉ có thể coi là khoản tối thiếu mà công ty của Đài Loan này cần chuyển ngay cho chính phủ để khắc phục phần nào các hậu quả. Ông Hải cũng nhắc lại lời Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường Trần Hồng Hà, theo đó nói con số này dành cho bồi thường thiệt hại, chuyển đồ nghề cho những người bị ảnh hưởng, và làm sạch môi trường, là "còn ít".
Trong thảm họa môi trường ở miền Trung, các ngư dân và các doanh nghiệp ở khu vực đã bị tổn hại nặng nề, và nay, khi mà thủ phạm và nguyên nhân đã được xác định rõ, thì "Chính phủ không có quyền đại diện cho dân chúng để nói số tiền [500 triệu đô la] là đã đủ", theo ông Hải.
"Nếu chính phủ đưa ra các mức không phù hợp với người dân khi tiến hành tổ chức đền bù, thì có thể chấp nhận việc người dân yêu cầu khiếu nại hoặc khởi kiện ra tòa."

'Formosa chưa chân thành - báo chí VN tự đánh mất vai trò'

Image captionHôm 29/6, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Formosa Trần Nguyên Thành đã chính thức xin lỗi về sai phạm môi trường tại Vũng Áng
Nhận xét về lời xin lỗi của Formosa, luật sư Trần Vũ Hải cho rằng tuy thừa nhận trách nhiệm nhưng "họ vẫn chưa chân thành", bởi "Trong thông báo mới nhất họ vẫn cho rằng trách nhiệm của họ không lớn mà đó là bởi lỗi của các nhà thầu phụ."
Ông Hải cũng cho rằng trách nhiệm của các quan chức, các bộ ngành liên quan tới các sai phạm của Formosa cũng chưa được làm rõ, trong lúc "nhân dân đòi hỏi Chính phủ phải làm rõ điểm này".
Bình luận về việc giới chức chỉ thị báo chí tạm ngừng đưa tin về vụ cá chết, luật sư Trần Vũ Hải cho rằng đây chính là “một sự kém cỏi, dẫn tới việc đài truyền hình Đài Loan đã trở thành cái tên được yêu quý, hoặc ít nhất cũng là được tôn trọng ở Việt Nam”.
“Họ đã bóc tách được sự việc, và đã bóc được từ ngày 20/6, tức là trước ngày Formosa ký biên bản nhận lỗi hôm 28/6,” luật sư Hải nói.
“Chính báo chí, sau khi nghe lời ông Bộ trưởng Trương Minh Tuấn, đã tự đánh mất đi vai trò của người điều tra, tìm hiểu, nói lên tiếng nói của người dân."
"Cuối cùng, báo chí Việt Nam đã để cho báo chí nước ngoài, cụ thể là Đài Loan, và mạng xã hội đảm nhiệm những vai trò đó. Đây là điều đáng tiếc cho báo chí Việt Nam.”

No comments:

Post a Comment