Friday, July 1, 2016

Các chuyên gia, luật sư nói buộc Formosa nhận tội, bồi thường mới chỉ là “ngọn của vấn đề”

Các lãnh đạo Formosa Hà Tĩnh xin lỗi vì đã gây ra nạn cá chết ở miền Trung hôm thứ Tư.
Các lãnh đạo Formosa Hà Tĩnh xin lỗi vì đã gây ra nạn cá chết ở miền Trung hôm thứ Tư.
Theo VOA-An Tôn 01.07.2016    
Trong cuộc họp báo hôm 30/6, chính phủ Việt Nam nói nhà máy thép thuộc tập đoàn Formosa ở tỉnh Hà Tĩnh đã làm ô nhiễm biển, gây ra nạn cá chết hàng loạt ở tỉnh này và 3 tỉnh lân cận. Tập đoàn của Đài Loan đã nhận trách nhiệm, xin lỗi chính phủ và nhân dân Việt Nam, và cam kết bồi thường 500 triệu đôla. Một số chuyên gia và luật sư Việt Nam cho rằng vụ việc chưa thể kết thúc tại đây vì những tác động lâu dài vẫn còn đó và chưa rõ hướng khắc phục.
Khoản tiền bồi thường của Formosa tương đương với 11.500 tỷ đồng Việt Nam. Nhưng riêng thiệt hại tại tỉnh Quảng Bình, theo tính toán sơ bộ do ông Nguyễn Hữu Hoài, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh đưa ra, đã lên đến 4.900 tỷ đồng. Chưa có con số thiệt hại chung cả về nghề cá và du lịch tại Hà Tĩnh, nơi là nguồn gốc của thảm họa và bị thiệt hại nặng nhất, cũng như tại Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế.
Giáo sư Đặng Hùng Võ nói với VOA rằng số tiền 500 triệu đôla đó chỉ là “một góc của quá trình khôi phục sự cố”.
“Formosa còn cam kết làm sạch vùng biển này. […] Thế còn làm sạch bằng giải pháp nào, chi phí là bao nhiêu thì tôi cho vẫn là câu chuyện của tương lai gần. Chúng ta phải bàn bạc tiếp và chúng ta phải khẳng định ra giải pháp nào để làm sạch vùng biển 4 tỉnh miền trung này”.
Vị cựu Thứ trưởng Tài Nguyên và Môi trường cho rằng việc buộc Formosa thừa nhận việc gây ra thảm họa và phải đền bù mới chỉ giải quyết được “cái ngọn của vấn đề”. Sự kiện nhà máy của tập đoàn Đài Loan mới vận hành thử đã gây ra thảm họa môi trường nghiêm trọng làm dấy lên lo lắng trong công chúng Việt Nam về quá trình hoạt động lâu dài sau này. Giáo sư Võ nêu ra một số việc Việt Nam cần làm để đảm bảo các dự án công nghiệp không gây tác hại cho môi trường:
“Cái điều quan trọng nhất là chúng ta phải tạo ra được một cái ý thức trách nhiệm của các chủ đầu tư, không phải chỉ Formosa mà của tất cả các trường hợp khác. […] Các nhà quản lý đừng nên quá dễ dãi và tin rằng các chủ đầu tư thực hiện trách nhiệm của mình thật tốt. Mặt khác hệ thống quản lý của Việt Nam cũng cần nâng cao hơn hẳn cái yếu tố quản trị trong hệ thống quản lý này, bởi vì đây là yếu tố có sự tham gia của người dân trong một mối liên kết với chính quyền và tạo thành một hệ thống rất là chặt chẽ trong việc kiểm soát những hoạt động đầu tư nhưng vô trách nhiệm đối với môi trường. Thì tôi cho rằng đây là những cái việc lớn chúng ta cần phải làm, và đây mới là gốc của vấn đề để cải thiện tình hình ô nhiễm môi trường tại Việt Nam”.
"Formosa còn cam kết làm sạch vùng biển này. […] Thế còn làm sạch bằng giải pháp nào, chi phí là bao nhiêu thì tôi cho vẫn là câu chuyện của tương lai gần. Chúng ta phải bàn bạc tiếp và chúng ta phải khẳng định ra giải pháp nào để làm sạch vùng biển 4 tỉnh miền trung này"- Giáo sư Đặng Hùng Võ   
 Giáo sư Võ cũng đề xuất chính quyền trung ương và địa phương cần phải rà soát lại và khắc phục những khiếm khuyết về luật và công tác quản lý về mặt môi trường đối với các hoạt động đầu tư, phát triển.
“Đặc biệt, chúng ta phải rà soát lại quy hoạch và làm gì trong cái quy hoạch đó đối với hơn 30 khu kinh tế ven biển, bởi vì đây là cái khu vực khá nhạy cảm về mặt môi trường, về mặt ô nhiễm môi trường. […] Chúng ta cũng cần xem xét lại, định liệu lại cái quy chuẩn môi trường, cái tiêu chuẩn môi trường cần thiết để bảo vệ môi trường trong quá trình đầu tư, phát triển kinh tế tại Việt Nam”.
Trên mạng xã hội, nhiều người bày tỏ rằng họ chưa thỏa mãn về khoản cam kết bồi thường của Formosa và kêu gọi những người dân ở các tỉnh miền trung trực tiếp bị thiệt hại hãy kiện tập đoàn của Đài Loan. Luật sư Trần Vũ Hải đưa ra nhận định về vấn đề này:
“Luật hiện này thì bà con hoàn toàn có thể kiện được. Nhưng mà Việt Nam chưa có quy định về kiện tập thể. […] Bởi vì mỗi một gia đình lại có một cái hoàn cảnh khác nhau, nên những vụ kiện này theo tôi cũng mệt mỏi cho bà con đó. […] Hiện nay bà con cần cái căn bản đầu tiên là kết luận của Bộ Tài Nguyên-Môi trường để có cơ sở, đỡ phải tranh cãi nữa, chính là Formosa thừa nhận họ là thủ phạm. Tức là bà con cần phải có một văn bản có tính chất pháp lý của Bộ Tài nguyên-Môi trường kết luận như vậy. Cho đến nay chúng tôi chưa nhìn thấy cái văn bản đấy. Nên nếu dùng cái văn bản đấy, thì theo tôi bà con hoàn toàn có quyền kiện mà không quan tâm đến chính phủ hộ trao bao nhiêu”.
Là người được các ngư dân ở huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh ủy quyền đại diện để nộp đơn khiếu nại Formosa lên Bộ Tài nguyên-Môi trường, Luật sự Hải cho biết tiền bồi thường không phải mối quan tâm hàng đầu của ngư dân mà họ muốn biết môi trường của họ có vĩnh viễn bị mất hay không. Mối lo của ngư dân được dựa trên cơ sở là Formosa nói một phần khoản tiền bồi thường sẽ dùng đề đào tạo lại nghề cho khoảng 1 triệu ngư dân, điều này gợi ý rằng có thể vùng biển không còn phù hợp để đánh bắt cá, nuôi hải sản trong nhiều năm nữa.

No comments:

Post a Comment