Tuesday, July 12, 2016

Chuyện dài Formosa, càng chữa càng cháy…lớn

Nhà máy thép Formosa ở Hà Tĩnh. (Hình: HOANG DINH NAM/AFP/Getty Images)
Nhà máy thép Formosa ở Hà Tĩnh. (Hình: HOANG DINH NAM/AFP/Getty Images)
HÀ NỘI (NV) – Chính quyền Việt Nam đang tìm cách giảm bớt sự căm phẫn của dân chúng đối với việc cho phép Formosa xây dựng một nhà máy thép ở Hà Tĩnh, nhưng dường như càng chữa thì đám cháy càng lớn!
Sở Tài Nguyên và Môi Trường tỉnh Hà Tĩnh mới loan báo là vừa “phát giác” 100 tấn chất thải của Formosa được vùi tại một trang trại trong tỉnh.
Ông Võ Tá Đinh, giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi Trường, cho biết, vì chưa có kết quả kiểm nghiệm chất thải nên chưa xác định được 100 tấn chất thải đó có thuộc loại nguy hại hay không.
Tuy nhiên, việc tự tiện chôn môt khối lượng lớn chất thải như thế vào lòng đất là vi phạm pháp luật. Cả nơi cho chôn và Formosa đã được yêu cầu giải trình.
Trước thảm trạng do dự án Formosa tạo ra, chỉ mới thử hoạt động trong một tuần đã hủy diệt cả một vùng biển chạy dọc bốn tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, khiến cả ngư nghiệp lẫn hoạt động du lịch ở phía Bắc miền Trung tê liệt, đẩy khoảng 260,000 người đến chỗ khốn cùng vì mất sinh kế, nếu chính thức vận hành suốt 70 năm sẽ không thể dự đoán mức độ thảm khốc,… đã khiến chính quyền Việt Nam buộc phải làm gì đó để dân chúng bớt phẫn nộ.
Hôm 11 Tháng Bảy, lần đầu tiên, tại diễn đàn Quốc Hội Việt Nam, các viên chức lãnh đạo chính quyền Việt Nam chính thức đề cập đến việc phải “điều tra, làm rõ nguyên nhân chủ quan liên quan đến việc phê duyệt, thẩm định” dự án xây dựng nhà máy thép của Formosa ở Vũng Áng, Hà Tĩnh.
Cần nhắc lại rằng, Formosa là một tập đoàn nổi tiếng trên thế giới về hủy diệt môi trường. Thế nhưng, sau khi Formosa trình dự án đầu tư xây dựng nhà máy thép ở Vũng Áng, với tổng vốn đầu tư là $15 tỷ, chính quyền Việt Nam đã gạt bỏ tất cả các khuyến cáo, nhanh chóng giao cho tập đoàn này 2,000 héc ta đất và 1,200 héc ta mặt nước.
Dự án của Formosa khiến 3,000 gia đình bị thu hồi đất, giải tỏa nhà, ảnh hưởng đến sinh hoạt và sinh kế của khoảng 20,000 người. Chưa kể có 15,000 ngôi mộ bị cải táng và 58 nhà thờ bị dỡ bỏ… Các cuộc phản kháng đều bị đàn áp hết sức tàn bạo. Thậm chí, chính quyền Việt Nam còn cáo buộc các giáo sĩ của Giáo Phận Vinh lợi dụng tôn giáo, kích động giáo dân chống chủ trương lớn của đảng và nhà nước.
Chính quyền Việt Nam đã dành cho tập đoàn Formosa nhiều ưu đãi khi đầu tư Dự án Formosa Hà Tĩnh: Cho thuê đất 70 năm nhưng từ năm thứ 16 mới phải trả tiền thuê đất. Chỉ tính thuế thu nhập doanh nghiệp khi có thu nhập chịu thuế và tỷ lệ chỉ là 10% thay vì phải 25% như thông lệ. Chưa kể khi có thu nhập chịu thuế còn được miễn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp trong bốn năm và trong chín năm sau đó được giảm 50% tính trên tổng số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp.
Dự án Formosa Hà Tĩnh khởi công vào cuối năm 2012 và ngay sau đó trở thành túi chứa công nhân từ Trung Quốc sang Việt Nam làm việc.
Trong vài năm gần đây, bộ phận điều hành Formosa Hà Tĩnh liên tục đòi thêm nhiều ưu đãi khác. Ví dụ đề nghị cho phép lập “Đặc Khu Kinh Tế Gang Thép Vũng Áng” với ban quản lý “trực thuộc Văn Phòng Chính Phủ.” Đề nghị thiết lập cơ chế bảo hộ ngành thép. Ưu đãi cân đối ngoại tệ trong phạm vi hạng mục kinh doanh. Trực tiếp vay vốn từ các tổ chức tài chính nước ngoài. Miễn thu thuế khấu trừ tại nguồn. Miễn thuế nhập khẩu máy móc, thiết bị và nguyên vật liệu… Chưa kể bộ phận điều hành Formosa Hà Tĩnh còn đề nghị “được cắt đất để bán cho khoảng 15,000 nhân viên mà nếu tính cả thân nhân thì khoảng 60,000 người nhằm xây dựng một thị trấn riêng ở Vũng Áng.”
Việc cho phép Formosa đầu tư vào Vũng Áng đã từng bị nhiều chuyên gia cảnh báo là nguy hại cho môi trường, tất cả những ưu đãi dành cho Formosa đã từng bị chỉ trích là bất thường, thậm chí là vi phạm luật pháp Việt Nam (ví dụ chính quyền các tỉnh chỉ có quyền cho thuê đất tối đa là 50 năm nhưng khi chính quyền tỉnh Hà Tĩnh giao đất cho Formosa đến 70 năm, thủ tướng Việt Nam lúc đó là ông Nguyễn Tấn Dũng vẫn gật đầu) nhưng không có ai cản được sự nâng đỡ mà hệ thống công quyền Việt Nam dành cho Formosa.
Ngay cả đề nghị giao Vũng Áng cho hải quân vì có núi cao che chắn, có độ sâu, độ rộng thích hợp để tiếp nhận cả hàng không mẫu hạm, dễ tổ chức tiếp liệu nên giúp gia tăng khả năng bảo vệ vịnh Bắc Bộ, gia tăng khả năng kiểm soát hoạt động lưu thông cả trên bộ lẫn trên biển từ miền Nam và miền Trung ra miền Bắc Việt Nam cũng bị vứt vào sọt rác. Vũng Áng vẫn được đặt vào tay Formosa, cho dù điều đó tạo ra đủ thứ nguy cơ đối với cả quốc phòng lẫn kinh tế.
Bây giờ khi chuyện đã rồi, ông Hà Ngọc Chiến, chủ tịch Hội Đồng Dân Tộc của Quốc Hội Việt Nam, mới nhận định: “Đây là dự án được phê duyệt rất nhanh. Đánh giá tác động môi trường cũng được phê duyệt rất nhanh. Rồi họ đòi hỏi ưu đãi nọ, ưu đãi kia cũng được phê duyệt rất nhanh và cuối cùng hậu quả tai hại cũng xảy ra rất nhanh.” Ông Chiến nhận định giống như mình vô can trong khi trước đây, khi có các cảnh báo về Formosa, ông đang đảm nhận vai trò phó ban nội chính của Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng CSVN, kiêm phó chủ tịch Hội Đồng Dân Tộc.
Tương tự, ông Đỗ Bá Tỵ, phó chủ tịch quốc hội đặc trách quốc phòng và an ninh, cho rằng: “Formosa còn là vấn đề tiềm ẩn lâu dài. Nếu không lường trước, tình hình sẽ còn diễn biến hết sức phức tạp, không chỉ đơn giản về kinh tế mà còn gắn với quốc phòng và an ninh.”
Người ta không rõ tại sao, từ Tháng Tư trở về trước, khi đang đảm nhận vai trò thứ trưởng Bộ Quốc Phòng kiêm tổng tham mưu trưởng quân đội, Đại Tướng Đỗ Bá Tỵ lại không nhìn ra và cũng chẳng nghĩ tới hiểm họa mà ông vừa đề cập (?).

Cũng bây giờ khi chuyện đã rồi, ông Trần Hồng Hà, bộ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi Trường, mới báo cáo: “Qua kiểm tra đã phát hiện Formosa có 53 hành vi vi phạm về hành chính, bao gồm cả những vi phạm về thiết kế, vận hành, xây dựng, thi công, triển khai các hệ thống xử lý chưa đúng quy định của pháp luật, quy chuẩn, của cơ quan quản lý. Đặc biệt là tự ý thay đổi công nghệ xử lý cốc, từ khô (công nghệ thân thiện với môi trường) sang ướt (công nghệ phát tán rất nhiều chất thải, đặc biệt là khí thải).” (G.Đ.)
12-07-2016

No comments:

Post a Comment