HÀ NỘI (NV) - Sau khi nghe chủ các doanh nghiệp tư nhân kể khổ, một viên phó thủ tướng Việt Nam tên là Vương Đình Huệ chỉ hứa là sẽ sớm có... luật mới!
Cuộc trò chuyện giữa một phó thủ tướng Việt Nam với chủ doanh nghiệp tư nhân hồi cuối tuần trước. (Hình: TBKTSG)
Cuối tuần vừa qua, chính phủ Việt Nam đã tổ chức một cuộc trò chuyện với 100 doanh nhân trẻ, được xem là xuất sắc trong “khởi nghiệp” của năm 2016.
Giống như nhiều cuộc trò chuyện khác với chủ các doanh nghiệp tư nhân, cuộc trò chuyện vừa kể ngập trong các lời tố cáo về hệ thống công quyền và kết thúc với... vài lời hứa.
Theo tờ Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn thì tại cuộc trò chuyện, ông Đỗ Huy Hiệu, giám đốc công ty DVH-Bransons, chuyên tổ chức đào tạo cho các doanh nghiệp, tố cáo rằng, DVH-Bransons thường phải mời các chuyên viên ngoại quốc vào Việt Nam hướng dẫn. Tuy thời gian hướng dẫn chỉ chừng hai hoặc ba ngày nhưng bắt buộc phải xin giấy phép. Ông Hiệu khẳng định, nếu không “lót tay” sẽ không thể nhận được giấy phép. Tuy đã “lót tay” nhưng hồ sơ xin giấy phép phải nộp trước tối thiểu một tháng, nếu không, hồ sơ sẽ bị trả lại, song nếu chi thêm 15 triệu thì chỉ trong vài ngày là cầm được giấy phép.
Ông Hiệu nói thêm, hoạt động của ngành thuế dường như không nhằm thu thuế cho nhà nước nên nộp thuế rất gian nan. Mới đây, nhân viên ngành thuế đã trách nhân viên của ông rằng: “Công ty thành lập đã ba năm rồi mà giờ mới đến ‘thăm’ các anh chị à!” Ông hiệu nhấn mạnh, chúng tôi là doanh nghiệp nhỏ, không có đủ tiền để ‘lót’ quá nhiều cửa như vậy đâu!”
Bà Võ Thị Tuyết Hà, giám đốc công ty Song Long ở Khánh Hòa, chuyên sản xuất thức ăn cho thủy sản, kể thêm, công ty của bà muốn đăng ký sản phẩm dưới dạng thảo dược nhưng tại Việt Nam không có bộ phận đảm trách loại sản phẩm này nên cuối cùng phải đăng ký sản phẩm ở dạng dược và trở thành đối tượng để hết cảnh sát kinh tế, tới quản lý thị trường... thay nhau kiểm tra, thanh tra liên tục.
Giống như ông Hiệu và bà Hà, chủ nhiều doanh nghiệp tư nhân thay nhau than phiền về thủ tục rườm rà, những lời hứa về ưu tiên, ưu đãi cũng chỉ là lời hứa.
Giống như tiền nhiệm và nhiều viên chức lãnh đạo khác, viên phó thủ tướng tên là Vương Đình Huệ tiếp tục cam kết sẽ “đồng hành với doanh nghiệp,” sẽ “tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp,” đồng thời cho biết đã soạn “luật hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ” để trình Quốc Hội Việt Nam.
Cần lưu ý rằng, riêng năm ngoái, có 80,000 doanh nghiệp tư nhân tại Việt Nam phá sản, xin giải thể hoặc tạm ngưng hoạt động. So với những năm trước đó thì con số này tiếp tục tăng chứ không giảm. Trong vòng mười năm vừa qua, cho dù nhiều chuyên gia kinh tế liên tục cảnh báo, doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam đang kiệt sức và có thể sẽ bị bóp chết nhưng chính quyền Việt Nam không những không hỗ trợ mà còn thực thi những chính sách giúp các doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư của ngoại quốc (FDI) chèn ép giới này.
Thậm chí, tại hội thảo về Kinh Tế Việt Nam 2015 hồi Tháng Giêng năm nay, bà Phạm Chi Lan, một chuyên gia kinh tế, khẳng định, nhà nước đang trở thành nhân tố thứ ba chèn ép khu vực tư nhân. Khu vực tư nhân thu hẹp rồi chết là tất nhiên.
Đến đầu năm nay, các số liệu thống kê của Tổng Cục Thống Kê Việt Nam cho biết, chỉ có giá trị hàng hóa xuất cảng của các doanh nghiệp FDI tăng, còn giá trị hàng hóa xuất cảng của các doanh nghiệp Việt Nam giảm gần 9%. Các doanh nghiệp FDI hiện chiếm khoảng 50% giá trị sản xuất công nghiệp và khoảng 70% giá trị xuất cảng và điều đó không bảo đảm cho “phát triển bền vững.”
Tuy nhiên đến giờ, động lực của kinh tế Việt Nam vẫn là những doanh nghiệp FDI và sắp tới có lẽ “cũng vẫn như vậy!”
Theo kết quả một cuộc khảo sát do Ngân Hàng Thế Giới thực hiện thì tại Việt Nam, khối doanh nghiệp tư nhân phải đóng góp tới 40.8% lợi nhuận cho nhà nước thông qua các khoản thuế, phí. Cũng vì vậy đã có một số chuyên gia kinh tế “thắc mắc,” khi nhà nước “hăng hái” thu tiền cho ngân sách như vậy thì phải hiểu thế nào về những tuyên bố liên quan tới “cải thiện môi trường kinh doanh?”
Càng ngày mức độ bi quan của các chuyên gia kinh tế nào Việt Nam càng lớn vì nợ nần quốc gia tăng vọt, nội lực của doanh giới thì suy giảm trầm trọng chưa từng thấy. (G.Đ)
No comments:
Post a Comment