Tú Anh Đăng
Theo RFI-05-06-2016 11:48
Đô đốc Tôn Kiến Quốc tại Diễn đàn an ninh khu vực Shangri-La. Ảnh ngày 05/06/2016. Reuters
Ngày cuối cùng tại Diễn đàn an ninh Shangri-La -Singapore, 05/06/2016, Mỹ và Trung Quốc lên án nhau « khiêu khích » tại biển Đông, nơi Bắc Kinh xây dựng một loạt tiền đồn và tuyên bố chủ quyền trên 80% diện tích bất chấp phản đối của các quốc gia Đông Nam Á.
Theo tuyên bố của đô đốc Trung Quốc Tôn Kiến Quốc (Sun Jianguo) : « Hồ sơ Biển Nam Hải (Biển Đông) trở thành nghiêm trọng do có sự can thiệp của một vài nước bên ngoài vì quyền lợi ích kỷ không muốn đồng hành hoà bình với Trung Quốc ». Trưởng đoàn Trung Quốc không nhắc tên Hoa Kỳ nhưng cho rằng Trung Quốc « không tạo vấn đề cũng không sợ vấn đề ».
Tuyên bố này có lẽ để đáp trả lời cảnh cáo của bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter. Ngày hôm trước, trưởng đoàn Mỹ khẳng định chính sách « xây tường thành ở biển Đông sẽ làm Trung Quốc bị cô lập và sẽ bị Mỹ cùng các quốc gia trong khu vực đáp trả ».
Nhân cơ hội công du Mông Cổ, nền dân chủ nằm giữa Nga và Trung Quốc, từ Oulan-Bator, ngoại trưởng Mỹ John Kerry lên án chính sách « quân sự hóa » Biển Đông của Bắc Kinh. Ngoại trưởng John Kerry một mặt nhắc lại lập trường của Washington « không bênh vực yêu sách chủ quyền của phe nào » nhưng « yêu cầu Bắc Kinh không nên « gây hấn » và « đơn phương quân sự hóa » Biển Đông.
Nếu Trung Quốc ban hành « vùng nhận dạng phòng không trên Biển Đông » thì « hành động kiêu khích này sẽ tức khắc làm tình hình căng thẳng lên ». Chiều ngày 05/06/2016, ngoại trưởng Mỹ sẽ đến Bắc Kinh trong khuôn khổ Đối thoại Chiến lược và Kinh tế Mỹ Trung mở ra trong hai ngày 06 và 07/06/2016.
Chính sách của Trung Quốc độc chiếm biển Đông bằng sức mạnh không được một cường quốc nào hậu thuẫn cho dù trưởng đoàn Bắc Kinh phủ nhận là « không bị cô lập ».
Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Manohar Parrikar đề nghị một « khuôn khổ » an ninh khu vực không giải quyết tranh chấp bằng đe dọa và vũ lực.
Dại diện cho Pháp tại diễn đàn an ninh khu vực, bộ trưởng Quốc phòng Jean- Yves Le Drian tuyên bố « tranh chấp Biển Đông có liên quan trực tiếp đến Liên Hiệp Châu Âu, không phải chỉ vì quyền lợi kinh tế mà còn vì nguyên tắc tự do lưu thông phải được tôn trọng». Bộ trưởng Pháp đề nghị « Hải quân Liên Hiệp Châu Âu » tham gia tuần tra tại Biển Đông một cách « thường xuyên và rõ rệt ».
No comments:
Post a Comment