Theo thông tin từ Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) cho biết ngày 3/6, đơn vị này vừa tiến hành xong việc đấu thầu bán ụ nổi 83M với mức giá 38,5 tỷ đồng.
Chuyện trở thành kinh điển vì ụ nổi 83M được Nhật Bản sản xuất, bán cho Nga từ năm 1965, đến 2008, tức sau 43 năm sử dụng đã hết khấu hao, hết “đát” từ lâu nên đơn vị sở hữu chỉ chào giá bán là 5 triệu USD, nhưng Vinalines đã hào phóng ký hợp đồng mua ụ nổi này với giá 9 triệu USD, cùng với tổng chi phí sửa chữa, vận chuyển ụ nổi này về Việt Nam lên đến 19,5 triệu USD. Thêm nữa, trong 6 năm nằm tại cảng Việt Nam thì chi phí neo đậu, bảo quản, bảo vệ cũng thêm một khoản rất lớn. Sơ bộ tổng giá trị ụ nổi này lên đến trên 500 tỷ nguyên gốc, chưa tính lãi vay ngân hàng.
Giả sử tại thời điểm năm 2008 mà đặt hàng Nhật sản xuất ụ nổi mới thì có thể giá thành cũng rẻ hơn, chất lượng tốt hơn, thuộc hàng thế hệ đời mới hơn. Vậy vì sao lại đi mua hàng cũ hết đát với chi phí lớn đến như thế? Thật là chuyện kinh điển làm nghèo!
Hiện tại Vinalines đang làm việc với các cơ quan, ban ngành để xử lý các vấn đề liên quan đến chi phí neo đậu của ụ nổi, sau đó sẽ chính thức công bố thông tin về việc đấu thầu bán ụ nổi 83M.
Trước đó, ông Trần Tuấn Hải, Trưởng ban Chiến lược phát triển và Truyền thông Vinalines cho biết về việc thanh lý ụ nổi 83M, Vinalines đã báo cáo và nhận được sự chấp thuận của Bộ GTVT.
Về trình tự thanh lý, Vinalines sẽ bán dưới hình thức đấu giá tài sản công khai và bán nguyên trạng. Hiện Vinalines đang làm các thủ tục thanh lý tài sản theo quy định của pháp luật và đã hoàn tất việc thuê thẩm định giá. Vinalines chốt giá khởi điểm 34,85 tỷ đồng và sẽ đấu giá dựa trên mức giá sàn này (Giá trị sổ sách của ụ nổi là hơn 500 tỷ đồng).
Vinalines cho biết cũng muốn bán nhanh, vì để càng lâu thì càng lỗ, càng xuống cấp, trong khi không có tiền để bảo dưỡng, duy trì hoạt động, đồng thời không có tiền để trả cho người làm nhiệm vụ bảo vệ.
Đặc biệt, ụ nổi để lâu thì ngày càng hỏng hóc và xuống cấp, thậm chí nếu gặp thời tiết không bình thường như sóng, bão thì có thể còn bị chìm đắm, va đập vào các công trình, các phương tiện khác gây thiệt hại lớn. Nặng nề nhất đó là mối nguy hại gây ô nhiễm môi trường.
Khi về Việt Nam, ụ nổi 83M neo đậu tại cảng Gò Dầu B tỉnh Đồng Nai trong tình trạng chưa sửa chữa xong, bị đăng kiểm rút cấp từ tháng 01/2011, bảo hiểm hết hạn từ năm 2012, đăng ký tạm thời cũng đã hết hạn từ 24/06/2011.
Tính đến nay, ụ nổi đã neo đậu tại cảng Gò Dầu B được hơn 6 năm và không hoạt động nên chi phí quản lý, bảo vệ ngày một tăng.
Trước đó, Vinalines đã xây dựng ba phương án khai thác ụ nổi là liên doanh, cho thuê hoặc hợp tác khai thác, tự khai thác, để báo cáo Bộ GTVT nhưng không thành công.
Sau đó, Tổng công ty kiến nghị Bộ GTVT chấp thuận phương án bán nguyên trạng ụ nổi 83M để thu hồi một phần vốn đã đầu tư, tránh nguy cơ mất an toàn neo đậu. Giảm thiểu thiệt hại cho Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines, do đã phải quản lý ụ nổi này 3 năm nay.
Do ụ nổi 83M là tài sản quá đặc biệt, nên để có cơ sở xác định giá khởi điểm khi nhượng bán nguyên trạng, Vinalines đã thuê tổ chức có chức năng thẩm định giá xác định giá làm cơ sở bán tài sản. Theo chứng thư thẩm định giá ngày 7/12/2015, giá trị ụ nổi xác định theo phương pháp chi phí là 34,8 tỷ đồng.
Tính đến nay, tổng giá trị của ụ nổi được xác định hơn 500 tỷ đồng, gồm tiền mua, vận chuyển về là 19,5 triệu đô, tiền sửa chữa, bảo quản, bảo vệ chưa tính hết được dù chưa một lần sử dụng, nhưng khi bán đấu giá, chủ yếu mua để phá dỡ sắt vụn thì chỉ bán được 38,5 tỷ. Số tiền thu hồi có thể không đủ bù đắp chi phí neo đậu, bảo quản, bảo vệ trong 6 năm của ụ nổi này.
Đây cũng là một bài học đắt giá trong quản lý kinh tế khi giao quyền tự quyết định quá lớn đối với việc sử dụng tiền ngân sách của các tập đoàn nhà nước.
Thành Long
No comments:
Post a Comment