Sunday, June 26, 2016

Thực phẩm bẩn lan tràn: Tội ác này thuộc về kẻ nào?

Soco Lan
(VNTB) - Ngày xưa người ta nói đến giặc dốt và giặc đói. Bây giờ tôi thực sự cảm thấy mình đang trong thời kỳ có giặc.


Giặc thức ăn độc.

Người ta vẫn nghĩ Việt Nam là một nước an toàn?

Khách du lịch vẫn tin điều đó và đổ về Việt Nam.

Nhưng người ta không nghĩ rằng nỗi hiểm nguy cho người dân Việt Nam đang luôn rình rập và sẵn sàng tấn công chúng ta ít nhất là 3 lần 1 ngày lại chính là những món ăn rất ngon kia.

Tội ác ngọt ngào, luồn lách.

Tội ác giết người một cách từ từ và cho nhiều thế hệ.

Tỷ lệ chết vì ung thư của dân Việt Nam gần như lớn nhất thế giới. Người ta cho rằng đó là do thức ăn của người Việt có chất độc. Nào là tồn dư kháng sinh, thuốc sâu, chất kích thích làm chín hoa quả, chất tăng trọng… Vậy lẽ nào người Việt mình đang đầu độc nhau? Tội ác quá tinh vi làm người ta phải bó tay hay vì một nguyên nhân nào khác ?

Có báo nói “Theo thống kê, năm 2014 lực lượng Quản lý thị trường cả nước đã kiểm tra, xử lý 12.177 vụ vi phạm về an toàn thực phẩm; phạt hành chính trên 40 tỷ đồng; trị giá hàng hóa vi phạm gần 30 tỷ đồng. Riêng năm 2015, lực lượng chức năng cũng đã kiểm tra, xử lý 6.557 vụ vi phạm, tổng số phạt hành chính gần 21 tỷ đồng”.

Tại sao nhiều vụ vi phạm đến vậy mà không cách nào xử lý dứt điểm được ? Bắt chỗ này lại bung ra chỗ khác.

Trách nhiệm này thuộc về ai ?

Có lẽ ít ai ý thức được rõ ràng điều này nhưng trách nhiệm đương nhiên là của nhà nước, cơ quan quản lý tối cao đảm bảo cho dân một môi trường sống an toàn về mọi mặt. Nhưng tại sao nhà nước không xử lý được dứt điểm ? Tại sao loạn như thế mà không thấy ai đứng ra nhận lỗi ? Tại sao không thấy ai từ chức, thậm chí bị kiện ra toà vì tội để cho việc thức ăn bị đầu độc xảy ra tràn lan và trở thành một điều mà toàn dân ngậm ngùi hứng chịu rồi quay sang lo riêng lẻ cho cá nhân mình?

Tôi có một người bạn nước ngoài, quen từ những năm 90. Có lần, từ những năm đó, khi ý thức của tôi còn mù mờ, anh nói với tôi sau một trận lụt và tai nạn ngã vào những hố ga không nắp xảy ra, rằng, nếu mà chuyện này xảy ra ở Pháp thì thế nào ông thị trưởng cũng bị xử lý và buộc từ chức. Lúc đó tôi mới chợt hiểu ra rằng, chúng ta là những con dân bị bỏ rơi. Chả ai lo cho chúng ta cả. Họ chỉ lo cho cá nhân họ. Họ chỉ lo làm tuyên truyền. Họ cũng ra vẻ vào hùa, bắt bớ lên án những người làm ra thực phẩm bẩn. Nhưng họ giấu nhẹm chuyện những người làm thực phẩm bẩn đó là do cơ chế của họ sinh ra.

Nếu quản lý nghiêm và giỏi giang (như quản lý biểu tình chẳng hạn) thì chắc là việc này đã bị dẹp từ ngay trong trứng nước.

Có lần đặt chân sang nước châu Á tiên tiến, thấy dịch vụ công cộng của họ cho người dân quá tốt, người dân như được nâng niu chăm sóc, tôi nhắn tin về cho bạn : bước chân sang đến đây, bỗng nhiên thấy mình được thực sự làm NGƯỜI, bạn ạ!!!

No comments:

Post a Comment