Sunday, June 26, 2016

Sông Hậu có thể sẽ như Vũng Áng

HÀ NỘI (NV) - Bộ Công Thương của chính phủ Việt Nam vừa yêu cầu chính quyền tỉnh Hậu Giang báo cáo về dự án xây dựng nhà máy Giấy Lee & Man. Người ta đang sợ sông Hậu thành một Vũng Áng khác.

Sông Hậu - con sông này có thể sẽ bị ô nhiễm trầm trọng vì hoạt động của nhà máy Giấy Lee & Man. (Hình: Người Lao Động)

Nhà máy Giấy Lee & Man do tập đoàn Lee & Man Paper của Hồng Kông đầu tư. Dự án đã được chính quyền tỉnh Hậu Giang cấp giấp phép sử dụng khoảng 82 héc ta đất tại Cụm Công nghiệp Nam sông Hậu, tọa lại tại xã Phú Hữu A, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang. Đây là một dự án trị giá khoảng $628 triệu, bao gồm hai xưởng, một sản xuất bột giấy tẩy trắng, công suất khoảng 330,000 tấn/năm và một sản xuất giấy cứng để làm bao bì cao cấp, công suất khoảng 420,000 tấn/năm.

Tập đoàn Lee & Man Paper đã nhận giấy phép đầu tư cách nay khoảng mười năm. Lẽ ra nhà máy này đã hoạt động vào cuối năm 2008 nhưng vì nhiều lý do, đến nay, việc xây dựng nhà máy này mới sắp sửa hoàn tất.

Sau thảm họa cá chết trắng một đoạn bờ biển dài 250 cây số chạy dọc bốn tỉnh phía Bắc miền Trung (Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế) hồi đầu tháng 4 và đa số dân chúng Việt Nam tin rằng, đó là hậu quả từ hoạt động thử nghiệm của nhà máy Thép do tập đoàn Formosa của Đài Loan, xây dựng tại khu công nghiệp Vũng Áng.

Tuần trước, Hiệp Hội Chế Biến và Xuất Cảng Thủy Sản Việt Nam (VASEP) đã gửi một văn bản cho thủ tướng Việt Nam và Bộ Nông Nghiệp-Phát Triển Nông Thôn, đề nghị xem lại dự án nhà máy Giấy Lee & Man ở Hậu Giang. Đặc biệt là công nghệ xử lý nước thải và cơ chế giám sát môi trường.
Đề nghị của VASEP nhanh chóng được nhiều chuyên gia lên tiếng ủng hộ. Lý do là vì việc cho phép nhà máy Giấy Lee & Man xả nước thải ra sông Hậu có thể sẽ làm con sông này bị ô nhiễm trầm trọng, nguồn lợi thủy sản (tôm, cá) bị tận diệt và ảnh hưởng đến cả sản lượng của vựa lúa ở đồng bằng sông Cửu Long.

Theo ước tính của các chuyên gia, để đạt công suất thiết kế, mỗi ngày, nhà máy Giấy Lee & Man sẽ xả ra sông Hậu khoảng 226,000 khối nước thải. Để xử lý lượng nước thải khổng lồ này, nhà máy Giấy Lee & Man sẽ cần phải dùng đến 30 tấn xút/ngày. Chẳng có gì bảo đảm lượng nước thải và lượng xút như vậy không gây tác hại cho sông Hậu cũng như môi trường tự nhiên của con sông quan trọng này.

Các chuyên gia nhấn mạnh, sở dĩ những nhà máy sản xuất hóa chất, thép, giấy,... trên thế giới luôn được xếp vào diện phải quan tâm đặc biệt vì nước thải ra từ hoạt động của chúng luôn có đủ loại chất độc hại. Nếu hoạt động đúng công suất, nhà máy Giấy Lee & Man sẽ cần tới 600 héc ta rừng mới đủ nguyên liệu, do rừng hiện hữu tại Việt Nam chỉ đáp ứng chừng 20% nhu cầu về nguyên liệu, thành ra Nhà máy Giấy Lee & Man sẽ nhập giấy phế liệu để tái chế.

Đó cũng là lý do nhà máy Giấy Lee & Man phải dùng nhiều loại hóa chất tẩy rửa hơn, nguy cơ ô nhiễm trầm trọng sẽ lớn hơn. Ngoài khả năng gây ô nhiễm cho nguồn nước, bởi việc sản xuất bột giấy sẽ sản sinh ra dịch đen (black liquor) - cực kỳ nguy hại cho môi trường nên các nhà máy giấy có quy mô lớn thường phải xây dựng lò hơi đốt dịch đen, vừa giảm ô nhiễm, vừa nhằm thu hồi hóa chất. Lò hơi sẽ là tác nhân gây ô nhiễm không khí.

Trước những thông tin, phản ứng không có lợi cho mình, tập đoàn Lee & Man Paper của Hồng Kông vừa tổ chức một cuộc họp báo. Tập đoàn này cho rằng, do sử dụng công nghệ hiện đại, nên sẽ không dùng xút, không sợ xút gây ô nhiễm. Nhà máy Giấy Lee & Man ở Cụm Công nghiệp Nam sông Hậu đã được Bộ Tài Nguyên-Môi Trường của chính quyền Việt Nam cho cấp giấy phép xả sông Hậu 50,000 khối nước thải/ngày. Hệ thống xử lý chất thải của nhà máy này có thể xử lý 20,000 khối nước thải/ngày... Tại cuộc họp báo đó, nhiều câu hỏi khác của báo giới về tổng lượng nước thải, về các loại hóa chất sẽ dùng trong sản xuất, tẩy rửa vẫn chưa được trả lời vì hết giờ.

Đáng lưu ý là đại diện tập đoàn Lee & Man Paper của Hồng Kông nhấn mạnh, họ đã có giấy phép đầu tư, đã hoàn tất các thủ tục liên quan đến bảo vệ môi trường, chẳng hạn có “Bản cam kết bảo vệ môi trường” đã được chính quyền huyện Châu Thành xác nhận theo Luật Bảo Vệ Môi Trường năm 2005. Báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được Bộ Tài Nguyên-Môi Trường và những bộ hữu trách khác thẩm định, chính quyền tỉnh Hậu Giang phê duyệt năm 2008.

Vì vào thời điểm vừa kể (2008), nhà máy Giấy Lee & Man ở cụm công nghiệp Nam sông Hậu chưa hoạt động nên tập đoàn Lee & Man Paper của Hồng Kông đã đưa các viên chức Việt Nam từ huyện đến trung ương đi “tham quan” các nhà máy của tập đoàn này tại Thâm Quyến và Quảng Châu, Trung Quốc.

Ông Võ Văn Thắng, phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Hậu Giang, lúc đó là phó chủ tịch huyện Châu Thành - một trong những viên chức được tập đoàn Lee & Man Paper của Hồng Kông mời đi “tham quan,” tiết lộ: Mẫu nước làm cơ sở cho việc thẩm định và phê duyệt của hàng loạt cơ quan hữu trách tại Việt Nam hồi 2008 được lấy ở... Quảng Châu!


Chưa rõ quyết định cuối cùng của chính quyền Việt Nam đối với dự án nhà máy Giấy Lee & Man ở cụm công nghiệp Nam sông Hậu sẽ là thế nào, chỉ có thể biết chắc đây là một quyết định không dễ dàng. Bối cảnh như hiện nay khiến chính quyền Việt Nam không thể thản nhiên hy sinh môi trường như trước nhưng làm ngược lại thì rõ ràng là khó ăn nói với tập đoàn Lee & Man Paper của Hồng Kông. Tập đoàn này chẳng thiếu loại giấy tờ nào và theo dự kiến, nhà máy Giấy Lee & Man ở cụm công nghiệp Nam sông Hậu sẽ hoạt động vào tháng tới! (G.Đ)

 26-06-2016 3:07:27 PM 

No comments:

Post a Comment