Vụ Formosa, thủ phạm làm cá chết ở biển miền Trung
Lê Hữu Thành/Người Việt
ĐÀ NẴNG (NV) - Nhà hoạt động Nguyễn Anh Tuấn từ Đà Nẵng nói với phóng viên Người Việt rằng ông không đồng ý để cho nhà máy Formosa Hà Tĩnh, thủ phạm của vụ cá chết, tiếp tục tồn tại trong 70 năm nữa khi mà nó chưa hoạt động chính thức đã gây ra thảm họa môi sinh.
Tại cuộc họp báo hôm 30 Tháng Sáu tại Hà Nội, các giới chức Việt Nam chiếu cảnh ông Trần Nguyên Thành (Chen Yuan Cheng), chủ tịch Formosa Hà Tĩnh, đưa ra lời xin lỗi và tiền bồi thường $500 triệu. (Hình: Getty Images)
Ông Nguyễn Anh Tuấn, một nhà hoạt động đã có hơn 1 tháng điều tra độc lập ở khu vực Kỳ Anh, Hà Tĩnh, vùng bị thiệt hại nặng nề do nhà máy Formosa trong vụ biển nhiễm độc làm cá chết hàng loạt ở 4 tỉnh phía Bắc miền Trung.
Chiều 30 tháng 6, Văn Phòng Chính Phủ CSVN họp báo công bố thủ phạm gây ra cá chết ở 4 tỉnh miền Trung hồi tháng 4 là Formosa Hà Tĩnh, đồng thời nhà máy này đồng ý bồi thường cho người dân Việt Nam số tiền 500 triệu đô la nhưng cho biết vẫn sẽ tiếp tục hoạt động bất chấp có việc gì xảy ra.
Người Việt (NV): Ông có nhận xét như thế nào về con số 500 triệu Mỹ kim mà nhà máy Formosa đồng ý bồi thường cho người dân Việt Nam sau thảm họa môi sinh ở 4 tỉnh miền Trung?
Nguyễn Anh Tuấn: Mình thấy là người ta đưa ra con số như vậy thôi, nhưng mà người ta không nói căn cứ tính toán như thế nào để mà ra con số như thế. Đã có tính đúng tính đủ hay chưa, con số đó liệu có thỏa đáng hay không?
Bởi vì thiệt hại ở đây không phải chỉ là thiệt hại của những người ngư dân mấy tháng trời phải nằm bờ mà nó còn là những người làm trong lĩnh vực bám vào biển, ăn theo ngư nghiệp. Chẳng hạn như là kinh doanh thu mua thủy hải sản, rồi cả những người cung cấp ngư lưới cụ, cũng như là những ngành nghề, lĩnh vực khác liên quan đến biển như du lịch, khách sạn, nhà hàng...
Đó là chưa nói đến chuyện khắc phục ô nhiễm môi trường, bây giờ môi trường ô nhiễm như vậy thì khắc phục thì tổng chi phí là con số bao nhiêu? Chưa có bất kỳ cái tính toán nào hết cả, mà tự dưng Formosa lại đưa ra con số 500 triệu đô la như vậy là tôi thấy không thỏa đáng!
NV: Thưa ông, trong cuộc họp báo Bộ Trưởng Thông Tin Trương Minh Tuấn có nói là “Đảng và nhà nước không có chỉ đạo báo chỉ dừng đưa thông tin về vụ việc cá chết, mà là báo chí phải hoạt động theo luật báo chí, và chỉ đạo giảm lưu lượng thông tin, tạm dừng thông tin suy diễn, quy chụp tác động đến quá trình điều tra. Các nhà báo không đủ khả năng để tìm ra thủ phạm!”Ông nhận xét thế nào về câu nói này của ông Tuấn?
Ông Nguyễn Anh Tuấn. (Hình: Facebook)
Nguyễn Anh Tuấn: Theo tôi, câu trả lời của Bộ Trưởng Thông Tin Trương Minh Tuấn nó chứa những điểm không hợp lý, điểm thứ nhất là ổng thừa nhận dư luận có những sự phản ứng do việc công bố thông tin chậm trễ, sau đó ổng lại nhấn mạnh “thế lực thù địch” kích động gây rối mất trật tự công cộng vì vậy rất là bất nhất.
Bởi vì ông ta đã thừa nhận có sự phẫn uất, phẫn nộ trong dân chúng, thì bắt buộc phải thừa nhận dân chúng có nhu cầu thể hiện sự phẫn nộ đấy, và một trong những hình thức thể hiện sự phẫn nộ được hiến pháp bảo hộ đó chính là biểu tình. Mà bây giờ ổng nói có 'thế lực thù địch' kích động biểu tình là việc không thể chấp nhận được. Không chấp nhận được cả về mặt pháp lý và về mặt đạo lý!
Cái điểm thứ hai nữa, ông Tuấn nói là kiểm soát thông tin, kiểm soát báo chí là vì báo chí không có nghiệp vụ để điều tra thì câu nói này của ổng có 2 cái hiểu sai. Thứ nhất đúng là báo chí không phải cơ quan điều tra tuy nhiên chức năng của họ là khai thác những hướng, mọi khía cạnh, góc cạnh của vấn đề. Cho nên cái việc mà họ về thực địa để phỏng vấn người này, người kia, khai thác cả về hướng Formosa, cả về hướng ngư dân bị thiệt thòi, hoặc ngay cả những vấn đề như dư luận Đài Loan.
Tất cả những cái hoạt động, những khía cạnh về 1 vấn đề như vậy có thể đưa đến cho người dân một bức tranh toàn cảnh về vấn đề, và vì vậy cả xã hội có được lượng thông tin. Từ đó người ta mới có tìm ra được những giải pháp phù hợp. Đó là nhu cầu của xã hội và chức năng của báo chí, thế mà ổng lại cho rằng là cần phải kiểm soát báo chí, kiểm soát thông tin. Thế thì đã hoàn toàn phủ nhận chức năng của báo chí khiến cho nhu cầu chính đáng của xã hội không được đáp ứng.
Điểm thứ hai ông Tuấn nói là báo chí hoàn toàn không có chức năng điều tra cũng không chuẩn. Báo chí không có chức năng như một cơ quan tố tụng nhưng báo chí cũng có chức năng điều tra cung cấp thông tin cho xã hội và vì thế người ta mới có ngành báo chí điều tra. Còn nếu như người ta tước bỏ quyền điều tra của báo chí thì họ đang tước bỏ quyền tự do ngôn luận.
Trong một phát biểu mà có 2 điểm trái khoáy như vậy là việc không thể chấp nhận được!
NV: Trong một bản thông báo của Chủ Tịch Hội Đồng Quản Trị Formosa Hà Tĩnh Trần Nguyên Thành gửi toàn thể nhân viên công ty vào ngày 30 tháng 6 nói rằng: “Trong bất kỳ tình huống nào, công ty vẫn giữ cho nhà máy tiếp tục hoạt động, đặt sự an toàn và lợi ích của toàn thể cán bộ nhân viên lên hàng đầu nỗ lực để phát triển bền vững và lâu dài tại Việt Nam.” Với cá nhân ông thì ông nghĩ sao về vấn đề này?
Nguyễn Anh Tuấn: Theo những gì mà tôi tìm hiểu về Formosa Hà Tĩnh và biết rằng nhà máy thép này vốn được đầu tư tại Vân Lâm, Đài Loan nhưng mà vì phản ứng quá quyết liệt của những tổ chức xã hội dân sự cũng như là các dân biểu, báo chí của Đài Loan cuối cùng nhà máy phải dừng kế hoạch của họ lại.
Thế thì không có lý do gì khi nhà máy này đầu tư ở Việt Nam và gây ra những thảm họa về môi sinh như thế này mà chúng ta lại tiếp tục để cho nó vận hành thêm 70 năm tới. Thì thú thực là trong 70 năm tới người dân sẽ sống trong cảnh nơm nớp lo sợ.
Vì thế với tư cách cá nhân tôi hoàn toàn không đồng ý với giải pháp như vậy. Nhưng đó mới chỉ là giải pháp từ phía nhà máy Formosa Hà Tĩnh, còn về phía chính phủ Việt Nam phản ứng ra sao, trả lời ra sao và chọn giải pháp nào phụ thuộc vào sự phản ứng của người dân Việt Nam, các tổ chức Xã hội dân sự, báo chí, dư luận Việt Nam với các vấn đề này.
NV: Cảm ơn ông về cuộc phỏng vấn này!
No comments:
Post a Comment