HÀ NỘI (NV) - Formosa là thủ phạm gây ra thảm họa cá chết trắng biển là kết luận của chính quyền Việt Nam tại cuộc họp báo được tổ chức vào ngày 30 tháng 6, khi thảm họa này sắp tròn ba tháng.
Sau 3 tháng biển bị nhiễm độc, nhà cầm quyền CSVN mới công bố nguyên nhân làm cá chết. (Hình: Getty Images)
Theo đó, nước do Formosa thải ra tại khu vực Vũng Áng, Hà Tĩnh, chứa nhiều độc tố như phenol, cyanide, chúng kết hợp với hydro, tạo thành phức hợp theo dòng hải lưu đến tận Thừa Thiên-Huế làm hải sản và sinh vật biển chết hàng loạt.
Formosa đã cam kết bồi thường $500 triệu để bồi thường thiệt hại cho các nạn nhân, hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và phục hồi môi trường biển.
Có một số dấu hiệu cho thấy dường như chính quyền Việt Nam đã soạn và thực hiện một kịch bản để đối phó với dân chúng Việt Nam...
Formosa: Ưu đãi bất thường
Formosa là một tập đoàn đa ngành của Đài Loan. Sau khi Formosa trình dự án đầu tư xây dựng nhà máy gang thép Formosa tại khu kinh tế Vũng Áng, Hà Tĩnh, với tổng vốn đầu tư là $15 tỉ, chính quyền Việt Nam đã quyết định giao cho tập đoàn này 2,000 héc ta đất và 1,200 héc ta mặt nước để làm cảng Sơn Dương.
Dự án của Formosa khiến 3,000 gia đình bị thu hồi đất, giải tỏa nhà, ảnh hưởng đến sinh hoạt và sinh kế của khoảng 20,000 người. Chưa kể có 15,000 ngôi mộ bị cải táng. 58 nhà thờ bị dỡ bỏ...
Chính quyền Việt Nam đã dành cho tập đoàn Formosa nhiều ưu đãi khi đầu tư dự án Formosa Hà Tĩnh: Cho thuê đất 70 năm nhưng từ năm thứ 16 mới phải trả tiền thuê đất. Chỉ tính thuế thu nhập doanh nghiệp khi có thu nhập chịu thuế và tỉ lệ chỉ là 10% thay vì phải 25% như thông lệ. Chưa kể khi có thu nhập chịu thuế còn được miễn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp trong 4 năm và trong 9 năm sau đó được giảm 50% tính trên tổng số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp.
Dự án Formosa Hà Tĩnh khởi công vào cuối năm 2012 và ngay sau đó trở thành túi chứa công nhân từ Trung Quốc sang Việt Nam làm việc.
Trong vài năm gần đây, bộ phận điều hành Formosa Hà Tĩnh liên tục đòi thêm nhiều ưu đãi khác. Ví dụ đề nghị cho phép lập “Đặc khu kinh tế gang thép Vũng Áng” với Ban Quản Lý “trực thuộc văn phòng chính phủ.” Đề nghị thiết lập cơ chế bảo hộ ngành thép. Ưu đãi cân đối ngoại tệ trong phạm vi hạng mục kinh doanh. Trực tiếp vay vốn từ các tổ chức tài chính nước ngoài. Miễn thu thuế khấu trừ tại nguồn. Miễn thuế nhập khẩu máy móc, thiết bị và nguyên vật liệu... Chưa kể bộ phận điều hành Formosa Hà Tĩnh còn đề nghị “được cắt đất để bán cho khoảng 15,000 nhân viên mà nếu tính cả thân nhân thì khoảng 60,000 người nhằm xây dựng một thị trấn riêng ở Vũng Áng.”
Cần lưu ý rằng, việc cho phép Formosa đầu tư vào Vũng Áng đã từng được cảnh báo là nguy hại cho môi trường, tất cả những ưu đãi dành cho Formosa đã từng bị chỉ trích là bất thường, thậm chí là vi phạm luật pháp Việt Nam (ví dụ chính quyền các tỉnh chỉ có quyền cho thuê đất tối đa là 50 năm nhưng khi chính quyền tỉnh Hà Tĩnh giao đất cho Formosa đến 70 năm, thủ tướng Việt Nam lúc đó là ông Nguyễn Tấn Dũng vẫn gật đầu) nhưng không có ai cản được sự nâng đỡ mà hệ thống công quyền Việt Nam dành cho Formosa.
Các giới chức chính phủ CSVN trong cuộc họp báo. Từ trái qua phải: Bộ Trưởng Tài Nguyên- Môi Trường Trần Hồng Hà, Bộ Trưởng Thông Tin-Truyền Thông Trương Minh Tuấn, và Chủ Nhiệm Văn Phòng Chính Phủ Mai Tiến Dũng. (Hình: Getty Images)
|
Cho phép tạo thảm họa
Thảm họa cá chết trắng biển xảy ra ngay sau khi nhà máy thép của Formosa tại khu công nghiệp Vũng Áng chạy thử lò số 1 và mới thử xả khoảng 10,000 khối nước thải/ngày ra biển.
Hôm 25 tháng 6, Formosa đã hoãn khai trương lò số 1. Tuy nhiên trong tương lai, nếu Formosa chính thức hoạt động và xả tới 45,000 mét khối nước thải/ngày đúng như mức mà Bộ Tài Nguyên-Môi Trường của chính quyền Việt Nam cho phép thì tầm vóc của thảm họa kế tiếp sẽ lớn hơn rất nhiều.
Theo một số chuyên gia hải dương, do đặc điểm tự nhiên của bờ biển Việt Nam, do chênh lệnh nhiệt độ giữa Bắc Cực và Xích Đạo, do trái đất quay từ Tây sang Đông, do bờ biển Trung Quốc khi xuống phía Nam thì lệch về hướng Tây nên trong 365 ngày/năm luôn có một dòng hải lưu ở tầng đáy chảy dọc bờ biển Việt Nam từ phía Bắc xuống phía Nam và chảy mạnh nhất ở đoạn từ Vũng Áng đến mũi Cà Mau (tốc độ trung bình khoảng 0.38 mét/giây). Ngoài ra, mỗi năm có chín tháng, do tác động của gió Đông Bắc, đoạn biển từ Vũng Áng đến Cà Mau còn chịu tác động của dòng chảy tầng mặt (tốc độ trung bình khoảng 0.75 mét/giây). Do vậy, nếu Formosa xả nước thải đúng mức đã được cấp phép và vì trục trặc nào đó không kiểm soát được độc chất trong nước thải, khi dòng hải lưu biển Đông đổi chiều vào mùa Hè, tình trạng cá chết trắng biển sẽ không chỉ xảy ra từ Hà Tĩnh tới Cà Mau mà còn lan ngược đến vịnh Bắc Bộ.
Nói cách khác, không bao giờ loại trừ được khả năng Formosa có thể tạo ra một thảm họa mới khiến cá chết trắng suốt 3,000 cây số bờ biển chạy dọc Việt Nam.
Nói cách khác, không bao giờ loại trừ được khả năng Formosa có thể tạo ra một thảm họa mới khiến cá chết trắng suốt 3,000 cây số bờ biển chạy dọc Việt Nam.
Tại cuộc họp báo hôm 30 tháng 6, song song với việc xác định Formosa là thủ phạm gây ra thảm họa cá chết, ông Trần Hồng Hà, bộ trưởng Tài Nguyên-Môi Trường của Việt Nam thừa nhận, Việt Nam có đặt ra tiêu chuẩn (Tiêu Chuẩn 52), Kiểm Soát 12 thông số của gang thép, đồng thời xác lập một số quy chuẩn, trong đó có Quy Chuẩn 40 về nước thải công nghiệp với yêu cầu cao hơn Tiêu Chuẩn 52. Tuy nhiên đối với nước do Formosa thải ra, Việt Nam chỉ áp dụng Tiêu Chuẩn 52 dù “Tiêu Chuẩn 52 không bao quát!”
Viên bộ trưởng Tài Nguyên-Môi Trường của Việt Nam thú nhận chính quyền Việt Nam “chưa tiên liệu được các chất thải của Formosa” và hệ thống quan trắc mà Việt Nam đòi hỏi ở Formosa “không quan trắc được phenol, cyanide” thành ra “pháp luật còn lỗ hổng,” kể cả lỗ hổng “không giám sát trong quá trình thử nghiệm.”
Kết luận Formosa là thủ phạm là “kịch bản?”
Ngày 16 tháng 6, ba dân biểu của Quốc Hội Đài Loan và đại diện một số tổ chức phi chính phủ (NGO), trong đó có liên minh theo dõi và thực thi công ước về nhân quyền, Hiệp Hội Luật Sư Môi Trường, văn phòng trợ giúp công nhân và cô dâu Việt Nam ở Đài Loan đã tổ chức một cuộc họp báo, đề nghị chính quyền Đài Loan phải điều tra xem Formosa có lên quan đến thảm họa cá chết tại Việt Nam hay không (?).
Nhà máy thép của Formosa tại Vũng Áng. (Hình: Getty Images)
Sau đó khoảng một tuần, PTS, một đài truyền hình của Đài Loan công bố phóng sự, “Việt Nam - Cái chết của cá” do phóng viên của đài này đến Việt Nam thực hiện. Các tờ báo lớn nhất tại Việt Nam đồng loạt giới thiệu phóng sự đó. Tất cả những người được PTS phỏng vấn đều khẳng định thảm họa là do Formosa xả nước thải vào biển. Những người xem phóng sự của PTS và tin, bài giới thiệu phóng sự vừa kể trên các tờ báo lớn nhất Việt Nam đều cho rằng đây là điều đáng xấu hổ vì hệ thống truyền thông Việt Nam khước từ thực hiện trọng trách của mình.
Có lẽ nên lưu ý rằng, đối với những vấn đề “nhạy cảm” liên quan tới trị an như thảm họa cá chết, việc PTS có thể đi vào thực hiện một phóng sự truyền hình và đi ra là một “kỳ tích.” Thậm chí có thể xem là chưa từng có - chưa hãng truyền hình ngoại quốc nào thực hiện được điều này.
Cùng thời điểm này, một viên tướng là tổng cục Phó Tổng Cục Cảnh Sát Việt Nam tiết lộ, chính quyền Việt Nam dự kiến sẽ công bố nguyên nhân và thủ phạm gây ra thảm họa cá chết vào ngày 29 tháng 6.
Kế đó, báo chí Việt Nam loan báo rộng rãi rằng, cả thủ tướng lẫn bộ trưởng Công An Việt Nam đã yêu cầu công an Việt Nam “ngăn chặn kích động biểu tình trái pháp luật, gây rối trật tự, bạo loạn,” chú ý “bảo đảm an ninh mạng Internet, an toàn thông tin, đấu tranh - phản bác các quan điểm sai trái, thù địch” và “rà soát các phương án, kế hoạch bảo đảm an ninh, trật tự tại các khu kinh tế, khu công nghiệp để bổ sung, chỉnh lý phù hợp với diễn biến của tình hình, đặc biệt là về môi trường.”
Ngày 29 tháng 6, song song với tin chính thức rằng cuộc họp báo công bố nguyên nhân, thủ phạm gây ra thảm họa cá chết, sẽ được tổ chức vào chiều 30 tháng 6 là việc nhiều Facebooker công bố văn bản Formosa gửi thủ tướng Việt Nam, thừa nhận đã gây ra thảm họa cá chết trắng biển. Lý do: “Mất điện, hệ thống quản lý không kiểm soát được chất thải, ảnh hưởng tới môi trường nước biển miền Trung.”
Trước đây, Formosa luôn khẳng định một cách mạnh mẽ rằng họ vô can trong thảm họa cá chết. Một số người tin rằng, ngay cả khi có đầy đủ bằng chứng cho thấy thảm họa cá chết trắng biển là vì các độc tố trong nước mà Formosa thải ra biển thì việc quy trách cho Formosa cũng không dễ dàng, bởi chắc chắn Formosa làm đúng theo các loại giấy phép mà chính quyền Việt Nam đã... cấp. Thẳng tay với Formosa sẽ mở ra con đường dẫn chính quyền Việt Nam đến trước các tổ chức tài phán quốc tế và gần như cầm chắc trách nhiệm phải bồi thường vì vi phạm những cam kết khi mời gọi đầu tư và mâu thuẫn với những giấy phép đã cấp cho Formosa, kể cả giấy phép cho xả nước thải ra biển. Song lúc này thì Formosa phải đối diện với cả “nội công” lẫn “ngoại kích.”
Cuộc họp báo công bố nguyên nhân và thủ phạm gây ra thảm họa cá chết trắng bờ biển bốn tỉnh phía Bắc miền Trung không đề cập đến trách nhiệm cá nhân của bất kỳ viên chức nào, kể cả những kẻ từng thẳng tay vứt các đề nghị giao Vũng Áng cho hải quân vì có núi cao che chắn, có độ sâu, độ rộng thích hợp để tiếp nhận cả hàng không mẫu hạm, dễ tổ chức tiếp liệu nên giúp gia tăng khả năng bảo vệ vịnh Bắc bộ, gia tăng khả năng kiểm soát hoạt động lưu thông cả trên bộ lẫn trên biển từ miền Nam và miền Trung ra miền Bắc Việt Nam, để đặt Vũng Áng vào tay Formosa, cho dù điều đó đã được cảnh báo liên tục là có khả năng tạo ra đủ thứ nguy cơ đối với cả quốc phòng lẫn kinh tế.
Chỉ có Formosa xin lỗi chính quyền và nhân dân Việt Nam kèm cam kết bồi thường $500 triệu. Sẽ không có truy cứu trách nhiệm hình sự bất kỳ ai vì theo ông Mai Tiến Dũng, bộ trưởng, chủ nhiệm Văn Phòng Chính Phủ thì Việt Nam chỉ “đánh kẻ chạy đi chứ không đánh kẻ chạy lại.”
Trong cuộc họp báo công bố thủ phạm và nguyên nhân gây ra thảm họa cá chết, chính quyền Việt Nam chỉ xác định “Formosa đã để xảy ra ô nhiễm môi trường nghiêm trọng,” chứ không xác định Formosa đã vi phạm các qui định về bảo vệ môi trường của Việt Nam hay xả nước có độc tố sai với giấy phép đã cấp. Trong thảm họa cá chết, khi “pháp luật còn lỗ hổng” trong việc tiên liệu - kiểm soát nước thải của Formosa thì Formosa sẽ trả $500 triệu bồi thường như thế nào? (G.Đ)
No comments:
Post a Comment